(SKGĐ) Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ con thì vô lo vô nghĩ và chỉ có người lớn mới có những vấn đề cần lo lắng. Nhưng sự thực có phải như vậy?
Theo Webmd, dưới đây là 6 mối bận tâm lớn nhất của trẻ và cách cha mẹ nên làm để cùng con giải quyết vấn đề:
1. “Em luôn chọc tức con. Con ghét nó!”
Đối với một đứa trẻ nhỏ, việc có em trai hay em gái đúng là phiền phức. Giữa chúng thường xảy ra nhiều mâu thuẫn trong việc tranh giành đồ chơi, giành điều khiển tivi và một vài việc lặt vặt khác.
Chính vì vậy, điều bạn cần làm là hãy thể hiện sự tôn trọng đối với cảm nhận của nó, rằng em út đúng là phiền toái nhưng hãy nhấn mạnh rằng em không cố tình làm như vậy.
Cố gắng tìm ra biện pháp hoà hợp giữa bọn trẻ, cho chúng nói chuyện với nhau hoặc bạn cũng có thể gợi ý cho trẻ làm những việc tích cực như đọc sách, tản bộ, giúp chúng cải thiện tâm trạng.
2. “Nhiều bài tập quá con không làm hết được. Phải làm sao đây?”
Sau một ngày dài ở trường, thật quá mệt mỏi cho trẻ khi phải đối phó với cả núi bài tập. Bạn nên hướng dẫn trẻ tập một vài bài tập thể dục đơn giản để bé bớt lo lắng.
Hoạt động thể chất có thể giúp bộ não được nghỉ ngơi, tăng cường năng lượng và sự tập trung của trẻ. Với 20 phút tập thể dục, lượng ôxy lên não sẽ giúp não bộ thức tỉnh, giúp trẻ xử lý bài tập dễ dàng hơn.
3. “Con chơi đá bóng quá tệ! Có nên tiếp tục chơi không?”
Hãy thuyết phục trẻ rằng, không ai thực sự thích làm những việc họ không giỏi. Nhưng cố hỏi chúng vì sao chúng không thích chơi nữa. Có thể là một vài trận thua đã khiến trẻ nản lòng nhưng có sao đâu! Ai cũng có lúc mắc sai lầm! Nhưng những người không từ bỏ là những người thực sự yêu thích công việc đó.
Hãy giúp trẻ tìm lại niềm vui trong trò chơi bằng cách để chúng thư giãn, chơi chỉ vì sự yêu thích hơn là vì thành tích. Chắc chắn lúc đó chúng sẽ không có thái độ chán nản và muốn bỏ cuộc nữa.
Hãy dạy trẻ một điều: Mục tiêu không phải là trở nên hoàn hảo hay tốt nhất mà vui vẻ và tận hưởng mới là cái đích cuối cùng.
4. “Con phải chuyển sang trường mới và con ghét nó!”
Không chỉ với trẻ mà cả với người lớn chúng ta cũng thật khó khi phải thích nghi với môi trường mới. Trẻ có thể cảm thấy xa lạ với bạn bè và ngôi trường mới. Vì vậy sẽ phải mất một thời gian để làm quen.
Nhưng bạn có thể giúp con cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách cho trẻ dạo chơi ở khu vực mới, khuyến khích chúng tham gia các câu lạc bộ ưa thích ở trường, từ đó trẻ sẽ dần thích nghi và làm quen được với những người bạn mới ở đây.
5. “Bạn thân của con không thèm nói chuyện với con nữa. Nó có bạn mới rồi. Con đã làm gì sai sao?”
Đây là một vấn đề nhạy cảm và khó khăn. Chúng ta hiểu rằng có thể khuyến khích trẻ hỏi thẳng bạn nó chuyện gì đã xảy ra nhưng khi mọi người trưởng thành, chuyện đó là điều bình thường.
Hãy giải thích với trẻ rằng có thể bạn của nó đã bắt đầu thích những điều mới và tìm thấy điểm chung đó với những người bạn khác. Đó không phải vì nó đã làm sai điều gì, chỉ là quy luật tự nhiên là như vậy.
Giúp trẻ xây dựng những mối quan hệ mới với những đứa bé cùng sở thích với nó hoặc thậm chí biến chính bạn thành bạn thân của nó. Điều đó chắc chắn rất tuyệt vời.
6. “Cô giáo có vẻ không thích con. Con không biết mình đã làm gì sai nữa!”
Những căng thẳng ở trường có thể khiến trẻ khó lòng tập trung vào bài học. Tốt nhất là bạn nên đến gặp giáo viên của con để hiểu rõ những gì đang xảy ra.
Đây cũng là cơ hội để giáo viên biết học sinh đang suy nghĩ gì. Nhờ đó có thể cải thiện được tình hình và suy nghĩ của trẻ.
Thanh Vy