(SKGĐ) Đã quá quen với câu “không dùng cho phụ nữ có thai” nên nhiều chị em nhất định không uống thuốc xổ giun. Mà không biết rằng sự cẩn thận này có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc con sinh ra bệnh tật.
Bác sỹ kê đơn vẫn không dám uống
Chị Nguyễn Thị Thương (Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội) khi khám thai ở tháng thứ 2, bác sĩ nói chị xanh xao, thiếu máu và nhiễm giun nhưng dặn không được uống thuốc trong thời gian đầu. Sau tháng thứ tư, đi khám, chị bị thiếu máu nặng, bác sĩ xét nghiệm cho thấy chị nhiễm giun móc và nói cần điều trị.
Cầm toa thuốc có kê thuốc xổ giun, chị Thương lấm lét đưa cho chồng xem. Mẹ và chồng mắng chị “dại” rồi “phê bình” bác sĩ: “Làm ăn vớ vẩn. Lần sau chuyển chỗ khám, không đến đấy nữa! Uống thuốc giun khác gì giết con”. Từ trước tới nay, thấy quảng cáo thuốc tẩy giun trên tivi toàn có câu “tránh dùng cho phụ nữ mang thai” nên chị Thương cũng sợ con dị tật, liền vứt đơn thuốc đi.
Đến lần khám thai sau, chồng chị nhất định không cho vợ đến phòng khám cũ mà tìm hẳn một phòng khám có bác sĩ nước ngoài. Nghe bác sĩ hỏi đã uống thuốc xổ giun chưa, chị đã kể về tình hình nhiễm giun và không uống thuốc lần trước, bác sĩ lắc đầu rồi nhấn mạnh: Tình trạng nhiễm giun khiến chị thiếu máu nặng, không điều trị thì hại cho thai nhi, ảnh hưởng sức khỏe mẹ lúc sinh. Bác sĩ kê toa chứ có nói đùa đâu. Lúc này chị mới hiểu rằng uống thuốc tẩy giun không đáng ngại với bé bằng việc vứt đơn thuốc đi.
Không ít thai phụ đã trốn lời dặn bác sỹ vì từ lâu, họ đã thuộc nằm lòng: Thuốc tẩy giun không dùng cho phụ nữ có thai! Trên bao bì các loại thuốc tẩy giun quen thuộc hiện nay cũng vẫn hay ghi là chống chỉ định cho phụ nữ có thai hoặc “Không tự ý dùng cho phụ nữ có thai”, thế nên nhiều người đã nghi ngại với chuyên môn của bác sỹ.
Thực tế những khuyến cáo đó xuất phát từ kết quả thử nghiệm trên động vật của nhiều năm trước. Còn từ năm 2004 trở lại đây, trước tình hình thai phụ nhiễm giun cao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thử nghiệm dùng một số chủng loại và kết quả cho thấy chúng không ảnh hưởng ở người như đã gây ra ở động vật.
Mẹ không tẩy giun, con chết non
Theo WHO, hiện tượng thai phụ nhiễm giun xảy ra trên toàn thế giới nhưng nhóm phụ nữ ở nước đang phát triển, khu vực cận nhiệt đới, nhiệt đới càng gánh chịu nặng nề. Trong đó Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm giun hạng cao nhất châu Á.
BS. Đỗ Ngọc Ánh, Phòng Xét nghiệm Ký sinh trùng và Vi nấm, Bệnh viện 103 cho hay: Thai phụ Việt Nam chủ yếu nhiễm giun móc, giun đũa chó mèo, chúng là nguyên nhân lớn khiến cho thai phụ thiếu máu, thai nhi suy dinh dưỡng, não bộ chậm phát triển, sảy thai, đẻ non nhưng nhiều người không biết, chỉ nghĩ rằng thiếu máu do nuôi thai nhi, do ăn uống kém.
Giun móc khi ký sinh trong ruột, chúng hút máu nhanh chóng khiến cho tình trạng thiếu sắt, thiếu máu ở thai phụ thêm nặng. Nguyên nhân nhiễm giun móc là do thai phụ đi chân đất, tiếp xúc với trứng giun, làm vườn mà không đeo găng tay nên chúng vào cơ thể bằng việc tiếp xúc qua da.
Còn bà bầu hay tiếp xúc với chó mèo hoặc sống ở khu vực nhiều loại vật nuôi này thì dễ nhiễm giun đũa. Chúng tấn công não bộ thai nhi qua nhau khiến trẻ em dễ bị não úng thủy hoặc gây nên nguy cơ sảy thai, có thể liên tiếp sảy thai ở những lần mang thai sau nữa.
Mới đây Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM cũng đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những sản phụ bị nhiễm giun thai kỳ thì con sinh ra không đáp ứng với vaccine BCG phòng chống. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát trong 2 năm trên 323 cặp thai phụ và trẻ sau khi sinh được 6 tháng tuổi thì có đến 41% thai phụ nhiễm giun đũa chó mèo, 18% nhiễm giun móc và tỷ lệ nhiễm giun lươn là 8%. Trong đó, 24% trẻ có mẹ nhiễm giun móc và 12% nhóm trẻ có mẹ nhiễm giun lươn không đáp ứng với vaccine lao, đây là nguyên nhân khiến trả dễ bị lao cấp dẫn đến bại não, động kinh tử vong cao.
Thuốc nào an toàn cho bà bầu?
Thuốc tẩy giun có nhiều chủng loại nên bác sĩ phải tùy vào từng thai phụ, thể chất và mức độ nhiễm bệnh của họ mà kê đơn.
Theo khuyến cáo của WHO thì việc tẩy giun sẽ an toàn kể từ tam cá nguyệt thứ hai. Năm 1998, nghiên cứu của WHO trên 40.000 phụ nữ mang thai của Sri Lanka cho thấy tỷ lệ dị tật ở nhóm trẻ sinh ra từ các bà mẹ uống thuốc xổ giun theo chỉ định không hề cao hơn so với nhóm đối chứng.
Kiểm nghiệm ở Nepal cũng cho thấy thuốc tẩy giun cho thai phụ đã giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tới 14-41%. Ngoài các nhóm thuốc Levamisol, Pyrantel chưa được chứng thực cho bà bầu thì WHO khuyến cáo một số loại thuốc có các hoạt chất sau:
- Albendazole có khả năng gây quái thai ở động vật khi sử dụng liều cao nhưng trong một số nghiên cứu ở người, chúng an toàn đối với thai nghén khi dùng ở liều thông thường.
- Mebendazone là thành phần tẩy giun phổ biến nhất thế giới. Trước đây chúng được tuyên truyền là không dùng cho bà bầu nhưng đến nay thử nghiệm ở phụ nữ mang thai thì con sinh ra vẫn khỏe mạnh, thậm chí ở cả bà mẹ uống ngay trong ba tháng đầu với liều lượng thích hợp.
- Praziquantel được thử nghiệm thì cho thấy chúng an toàn với động vật thử nghiệm. Khi chuyển sang dùng cho thai phụ, chúng không có biểu hiện bất thường trên thai nhi.
Dù khẳng định chúng an toàn nhưng thai phụ không tự ý uống mà cần có tư vấn chỉ định của bác sĩ để xác định liều lượng, chủng loại thích hợp.
Trong những tháng đầu thai kỳ, nếu không muốn dùng thuốc, bạn có thể dựa vào phương pháp tự nhiên để giảm nguy cơ nhiễm giun: - Bóc hết vỏ cứng của hạt bí ngô, để nguyên màng xanh ở trong. Dùng 100g nhân giã nhỏ trong cối, có thể dùng 50-60 ml nước, thêm chút đườsng và sử dụng sau đó. Phụ nữ mang thai ăn hạt bí ngô không những có ích cho thai nhi mà còn chống được tăng huyết áp và phù thũng cho mẹ. - Dùng rau bách bộ phơi khô hãm uống như trà, nên uống lúc đói. - Nướng hạt trâm bầu hoặc giã nhỏ trộn làm bánh, ăn khi đói. |
Phòng Xét nghiệm Ký sinh trùng và Vi nấm, Bệnh viện 103