Rôm sảy là bệnh khá phổ biến dễ xảy ra trong mùa hè nắng nóng, đối tượng thường xuyên mắc phải là trẻ em, nhưng một số trường hợp người lớn cũng có thể bị. Tuy bệnh không nguy hiểm nhưng sẽ gây nhiều khó chịu, ngứa ngáy, quấy khóc, khó ngủ,… ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Mùa hè nắng nóng đã đến báo hiệu cho sự trở lại của bệnh rôm sảy, bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, tuy nhiên khoảng 1/3 người lớn cũng có thể mắc phải. Bệnh gây nhiều khó chịu, ngứa ngáy,… nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Rôm sảy hay phát ban nhiệt là một tình trạng xảy ra trong thời tiết nóng, ẩm ướt. Rôm sảy thường không gây đau đớn nhưng có thể gây khó chịu và ngứa. Cảm giác châm chích dai đẳng có thể gây khó chịu. Một số mụn có thể gây đau khi bạn chạm vào. Rôm sảy thường lành tính, nên có thể tự khỏi, tuy nhiên một số dạng rôm sảy cần được điều trị đúng cách không sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Hai tuyến mồ hôi quan trọng trong cơ thể trẻ là tuyến ngoại tiết và tuyến đầu tiết. Trong đó, các tuyến ngoại tiết chiếm phần lớn diện tích da của cơ thể và mở trực tiếp ra bề mặt của da. Còn lại các tuyến đầu tiết chỉ tập trung phát triển ở những vùng có nhiều nang long như da dầu, nách, ben, cổ, vai, ngực, lưng…
Khi thân nhiệt tăng, hệ thần kinh tự trị sẽ kích thích các tuyến ngoại tiết bài tiết mồ hôi. Mồ hôi di chuyển dọc theo các ống tuyến, thoát ra bề mặt của da để làm lạnh cơ thể và bốc hơi. Thay vì bốc hơi, mồ hôi sẽ bị giữ lại dưới da gây tình trạng viêm và nổi mụn đỏ gây rôm sảy, dẫn đến gây ngứa ngáy cho trẻ, thông thường rôm sảy có thể tự khỏi không gây tác hại gì.
Nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị đúng cách do mụn rộm gây ngứa, khiến trẻ gãi làm da sây sát, bị nhiễm khuẩn, hình thành mụn mủ. Nguy hiểm hơn sẽ gây sốc, choáng váng do nóng với các biểu hiện như mạch nhanh, hạ huyết áp, đau đầu, nôn… và có thể dẫn đến đột quỵ khá nguy hiểm.
Rôm sảy không được chữa trị đúng cách dễ đẫn đến biến chứng nguy hiểm |
Nguyên nhân gây rôm sảy là do các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: ống tuyến mồ hôi ở trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh; do trẻ mặc quần áo quá nóng dẫn đến bí hầm; hoặc do một vài vi khuẩn thường trú ngoài da có thể bài tiết một loại chất nhờn làm bít các ống tuyến mồ hôi,…
Chọn trang phục phù hợp cho trẻ: Các bậc cha mẹ có con nhỏ hãy nhớ nên chọn cho con mình những bộ quần áo, tã lót có chất liệu cotton mềm, mịn, thấm hút mồ hôi tốt, may rộng, thoáng; không nên dùng các loại sợi nilon tổng hợp, khó hút ẩm. Nên thay quần áo thường xuyên cho trẻ. Đặc biệt, tránh mặc quá nhiều, quá chật cho trẻ vào mùa đông.
Cho bé mặc quần áo thoáng mát giúp ngăn ngừa mồ hôi |
Hạn chế đưa bé ra ngoài nắng: Bố mẹ cũng tránh đưa bé ra nắng hoặc đến những nơi đông đúc, nóng nực, ngột ngạt khi thời tiết quá nóng, vì bé dễ tiết mồ hôi.
Nhà cửa, phòng ngủ nên sạch sẽ, thoáng mát: Phòng ở phải mát mẻ và thông khí tốt, có quạt hoặc dùng điều hòa nhiệt độ nếu có điều kiện.
Giữ vệ sinh tốt cho trẻ: Để trẻ không bị rôm sảy điều quan trọng nhất là cần giữ gìn da cho trẻ sạch sẽ, khô thoáng, tắm rửa cho bé mỗi ngày. Có thể sử dụng các loại sữa tắm hỗ trợ phòng ngừa rôm sảy, giúp da sạch sẽ, khỏe mạnh.
Thường xuyên tắm rửa để da sạch sẽ, khỏe mạnh |
Ăn nhiều đố mát: Nên cho trẻ ăn nhiều đồ mát, hạn chế các thức ăn quá ngọt như chocolate, kẹo, cho uống đủ nước...
Dùng kem dưỡng da: Có thể dùng kem dưỡng cho trẻ trong mùa nóng để phòng ngừa rôm sảy và hạn chế bị khô da ở trẻ.
Với những thông tin mà bài viết cung cấp, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ hiểu hơn về bệnh rôm sảy, cũng như các phương pháp ngăn ngừa bệnh rôm sảy cho con em của mình.
Thiện Thanh
Theo Tạp chí Sống Khỏe