Lạc là loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao rất phổ biến trong mỗi gia đình. Lạc có thể dùng để làm món ăn nhẹ hoặc được làm nguyên liệu để chế nhiều món ăn khác nhau như kẹo lạc, các món nộm,… Tuy nhiên, đối với trẻ em, lạc là một trong những loại dị vật đường thở gây bít tắc đường thở khá phổ biến.
Dị vật đường thở (DVĐT) hay hít phải vật lạ vào đường thở, đối với trẻ em, đây là những bất trắc khó lường, bởi hạn chế từ ý thức và nhận thức của lứa tuổi. Nghiêm trọng hơn, có nhiều trường hợp không được xử lý kịp thời, đã để lại hậu quả tổn thương não vĩnh viễn và có thể dẫn đến tử vong.
Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận 3 trẻ trong tình trạng suy hô hấp nặng do hóc hạt lạc. Theo đó, trong 3 ngày từ 7/1 - 9/1/2023, có 3 trẻ nhỏ từ 17-21 tháng tuổi đến viện trong tình trạng suy hô hấp nặng vì hóc hạt lạc.
3 trẻ bị suy hô hấp nặng do hóc hạt lạc làm bít đường thở. |
Trường hợp thứ nhất là bé gái N.N.M.C (21 tháng tuổi) bị hóc lạc có lẫn trong kẹo khi đang đi xe máy cùng mẹ. Ngay sau đó, trẻ sặc, ho, khó thở, tím tái, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện và được đặt nội khí quản, chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được gắp dị vật nhanh chóng do hạt lạc có kích cỡ nhỏ.
Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là bé nam N.M.K (17 tháng tuổi). Khi bé được bố cho ăn lạc rang thì bị sặc và tím tái, thiếu oxy với hội chứng xâm nhập rất rõ. Ngay lập tức, gia đình đưa bệnh nhi đến cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện, được cấp cứu, đặt nội khí quản rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8/1.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ nội soi phế quản phát hiện một nửa hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết đường thở. Sau gần 1 giờ phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ, các bác sĩ đã gắp được hết dị vật ra ngoài.
Đối trường hợp thứ ba là bé N.P.M. (21 tháng tuổi), trường hợp này phức tạp hơn, do trẻ bị mắc dị vật đường thở là hạt lạc hơn một tuần ở phế quản gốc bên phải. Điều này dẫn đến viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn.
Hiện các bác sĩ đang tiến hành điều trị nội khoa để giải quyết tình trạng viêm và nội soi gắp dị vật sau vài ngày. Theo người nhà, khi trẻ ăn lạc và hóc, gia đình đã móc họng lấy ra được 1 ít và tưởng con đã hết. Mấy ngày sau, trẻ vẫn chơi bình thường nhưng ăn uống ít hơn, ho nhiều, mỗi khi khóc là khó thở. Rồi ngày tiếp theo bé sốt cao 39, 40 độ C không hạ.
Theo ThS. BS Phùng Đăng Việt, Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp-Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ ăn lạc bị hóc rất nguy hiểm, bởi hạt lạc có thể gây bít tắc đường thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Việt cho biết: “Lạc là loại hạt có dầu, ngoài việc gây tắc đường thở, suy hô hấp còn có thể gây viêm đường thở do dầu lạc. 3 bệnh nhi chúng tôi vừa tiếp nhận những ngày qua đều có tình trạng khó thở, tím tái, viêm phổi với tổn thương lan tỏa, nhiễm trùng tăng cao. Rất may là trẻ được cấp cứu kịp thời”.
- Để các loại thực phẩm như nho, xúc xích, cà rốt sống, rau sống, lạc…các loại hạt xa trẻ nhỏ.
- Chuẩn bị bữa ăn cho trẻ cẩn thận:
Nếu bé bú bình, lưu ý kiểm tra núm vú sao cho lỗ thông núm ti không nên quá rộng, khiến sữa chảy xuống dồn dập bé không nuốt kịp. Không nên cho bé bú khi đang nằm, khóc, chơi, ho… Khi bé ăn bột, cháo, không ép bé ăn nhiều, nhanh quá, không cho ngậm bình khi đang ngủ.
Khuyến khích trẻ ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ thức ăn. |
Chuẩn bị thức ăn đặc: Thịt cá lấy hết xương, lọc sạch xương trong nước súp, trái cây lột vỏ, lấy hạt ra. Cắt thức ăn thành từng miếng nhỏ trước khi cho trẻ ăn, có chiều dài và chiều rộng bằng ngón út của người lớn và đảm bảo đủ mềm để trẻ có thể nuốt.
Khuyến khích trẻ ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ thức ăn. Giám sát giờ ăn. Yêu cầu trẻ ngồi trên ghế trong khi ăn, không bao giờ được nói chuyện, chạy nhảy, đi qua đi lại, chơi nghịch, đùa giỡn hoặc nằm khi ngậm thức ăn trong miệng. Tránh ép trẻ ăn uống khi trẻ đang la khóc.
- Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm dính, thực phẩm cứng và có thể nuốt được toàn bộ. Chẳng hạn như các loại hạt, bắp rang và kẹo, cho đến khi trẻ có thể nhai hoàn toàn.
Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, các gia đình thường bày các loại hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt lạc... lên bàn tiếp khách. Nếu không cẩn thận chú ý để trẻ bốc ăn, nguy cơ bị hóc dị vật đường thở rất nguy hiểm. Chính vì vậy, cha mẹ và người lớn cần giám sát trẻ thật cẩn thận, đặc biệt cần tránh để trẻ khóc, cười đùa khi đang ăn uống.
Nếu phát hiện trẻ cho những thức ăn này vào miệng, không vội la làm trẻ khóc thét hay giật mình dễ bị hít sặc ngay. Khi nghi ngờ nên đưa đến cơ sở y tế và báo ngay tình huống cụ thể ngậm, nuốt dị vật đáng ngờ cho các bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Xem thêm: 5 quan niệm sai lầm phổ biến về chống lão hóa chị em đừng mắc phải nếu không muốn nhanh già
Phong Vũ
Theo Người đưa tin