Hợp tác quảng cáo

Cẩn thận suy dinh dưỡng vì cháo dinh dưỡng ăn liền

11:23 AM | 15/02/2017 -
Cho con

Nhanh, tiện, rẻ là ba lợi ích nhãn tiền của cháo dinh dưỡng đóng gói ăn liền. Nhưng, sau hàng loạt các vụ lùm xùm bị phanh phui trên báo chí, đã đến lúc các bà mẹ phải đặt nghi vấn về độ an toàn của loại thực phẩm này.

Cung đáp ứng cầu

Không cần mặt bằng rộng lớn, không cần trang trí bày biện, các quầy cháo dinh dưỡng len lỏi trong từng ngõ nhỏ ở khắp các phố để có thể đáp ứng được nhu cầu của các gia đình có trẻ nhỏ. Cháo có đủ loại đóng gói sẵn như cháo lươn, cháo thịt heo, thịt bò, óc heo, thập cẩm, đậu đen, đậu xanh... giá phổ biến chỉ 7.000-10.000 đồng/bịch.

So với việc phải chuẩn bị lích kích để có thể nấu được tô cháo cho trẻ thì những bịch cháu nấu sẵn, giá cả bình dân, bao bì lại bắt mắt, và hơn cả là gắn mác “dinh dưỡng” thế này quả là giải pháp hữu ích. Không mấy bà mẹ hoài nghi về mức độ tin cậy của những thông tin ghi trên bao bì sản phẩm.

Chỉ đến khi, một số phương tiện truyền thông đưa thông tin nghi ngờ có hóa chất bảo quản độc hại trong loại cháo dinh dưỡng (natri benzoate - có tác dụng chống chua, loãng, ôi thiu- hiện chưa Bộ y tế cho phép sử dụng để nấu cháo dinh dưỡng - phóng viên) này thì một số bà mẹ mới biết “cảnh giác” hơn.

Nhưng, theo ghi nhận Sức khỏe Gia đình thì đa phần các mẹ hoặc là không biết thông tin, hoặc chép miệng, tặc lưỡi “phải ăn nhiều mới có hại chứ con mình ăn ít chắc không sao”!?. Chị Phan Thanh Nga (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) vừa mua cho con trai, 3 tuổi bịch cháo dinh dưỡng để nhờ cô giáo cho con ăn khi vào lớp học. Chị cho biết: “Vì công việc quá bận rộn, tôi ít có thời gian để chăm chút cho nồi cháu của con đảm bảo đủ chất. Từ khi có cháo dinh dưỡng bán sẵn, tôi rất phấn khởi và thường xuyên mua cho con ăn lót dạ các buổi chiều và thỉnh thoảng mua cho con ăn sáng. Bé nhà tôi rất thích ăn cháo này, thậm chí còn thích hơn cả cháo mẹ nấu vì nó nhuyễn và mùi vị rất thơm ngon, hấp dẫn”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khuất mắt trông coi

Nếu chỉ nhìn qua nhãn mác bỏng bẩy, bắt mắt trên các bịch cháo dinh dưỡng thì ít ai có thể ngờ được những nguy cơ mầm bệnh ẩn chứa trong đó. Không ai biết được nguồn nguyên liệu chế biến cháo (cá, thịt, rau, củ...) có bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không; thời gian bảo quản bao lâu...

Trong khi đó, thức ăn nấu chín, ở nhiệt độ bình thường, không nên để quá 4 giờ. Vì cứ một giờ chưa sử dụng thì vi khuẩn trong thức ăn có thể phát triển tăng gấp 5-10 lần. Ăn phải các loại thức ăn để lâu trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm độc...

Tuy ở Hà Nội hiện chưa có cuộc khảo sát, kiểm tra nào về chất lượng của loại cháo này nhưng các cơ quan chức năng đã tiến hàng kiểm tra 88 hộ sản xuất cháo dinh dưỡng tại Tp.HCM, kết quả rất đáng lo ngại khi có tới 31 cơ sở có môi trường sản xuất còn bẩn thỉu, trang thiết bị chế biến không đạt vệ sinh.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng đang quan ngại về chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm đóng gói này. TS.BS Lê Bảo Khanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề cho biết, qua khảo sát cho thấy hàm lượng protid trong đa phần các loại cháo dinh dưỡng này rất thấp, không đủ tiêu chuẩn cho một bữa ăn của bé. Việc gọi tên “cháo dinh dưỡng” và trên bao bì có ghi đầy đủ các chất như cháo, nước xương, thịt bò, khoai tây, đậu xanh, cà rốt, đậu cô ve, dầu ăn đã gây ngộ nhận cho nhiều người cứ yên tâm tin tưởng vào sự thay thế tiện lợi cho những tô cháo thơm ngon nhưng lại quá mất thời gian chế biến tại nhà.

“Một loại cháo được coi là cháo dinh dưỡng thì phải tính toán sao cho đủ, cân đối giữa các chất đạm, vi chất dinh dưỡng có trong gói cháo. Một bát cháo của trẻ được coi là cháo dinh dưỡng khi nó phải có đầy đủ các chất đạm (từ thịt, cá, trứng, cua…), tinh bột (cháo gạo, ngô…), chất béo (dầu ăn) và chất xơ (gồm các loại rau củ quả…). Vì thế, nó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các cơ quan có chuyên môn chứ không thể tuỳ tiện muốn công bố như thế nào thì công bố”, TS Khanh cho biết thêm. Do đó, nếu chọn “cháo dinh dưỡng” cho bé thì các bà mẹ nên bổ sung thêm sữa và các loại thịt, cá khác.

Cũng vì đặt niềm tin tuyệt đối vào cháo dinh dưỡng mà chị Tuyết Mai (một tiểu thương ở chợ Hôm) cho con gái ăn cháo “trường kì”. Việc buôn bán quá bận rộn khiến chị có phần xao nhãng trong việc chăm sóc con gái. Cho đến gần đây để ý thấy bé ngày càng gầy guộc, xanh xao, da chân tay thô ráp, lại thường xuyên đi ngoài chị mới đưa con đi khám. Các bác sĩ cho biết con chị bị thiếu vi chất dinh dưỡng vì không được đảm bảo đủ các chất đạm, sắt, canxi... nên dẫn tới tình trạng trên.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi thì trẻ em trong độ tuổi ăn dặm (từ sáu đến 24 tháng tuổi) đang trong giai đoạn phát triển nhanh, nếu bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất về sau. Tốt nhất các bà mẹ nên tự nấu cháo cho trẻ để bảo đảm con mình được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất và trí tuệ.

Bạn có biết!

Trên thị trường hiện còn có những loại cháo dinh dưỡng khác, chủ yếu của các cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nào công nhận đó là “cháo dinh dưỡng” theo đúng chuẩn. Chúng tôi xin giới thiệu để các bà mẹ tham khảo thêm.

1. Gói cháo dinh dưỡng ăn liền: Có giá từ 5.000-7.000đ/gói tùy loại.

2. Cháo nấu sẵn bình dân: Có đầy đủ các loại thịt, rau củ quả. Các bà mẹ có thể lựa chọn nguyên liệu để nhân viên nấu cháo ngay tại cửa hàng. Giá từ 8.000- 15.000đ/hộp (có dịch vụ mang đến tận nhà nếu số lượng nhiều).

3. Cháo nấu sẵn cao cấp (mang đến tận nhà) với các nguyên liệu đặc biệt như cá hồi, thịt yến… với giá từ 20.000-60.000đ/hộp (dung lượng gần gấp đôi cháo nấu sẵn loại bình dân).

Kim Anh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Giảm béo

Dịch vụ

Đăng nhập