(SKGĐ) Nhiều người đã nhầm lẫn còi xương với còi cọc nên không bao giờ nghĩ rằng đứa con mũm mĩm của mình đang thiếu calci. Chính điều này khiến các trẻ mập dễ đối diện với nguy hiểm vì phát hiện bệnh muộn hơn trẻ còi.
Còi xương không phải còi cọc
Bé Cún, con chị Phương, 211 Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội được 20 tháng, trông khá mập mạp. Nhưng khi 10 tháng bé mới bắt đầu mọc răng. Đến nay 20 tháng, cân nặng của bé được 13 kg, trông mũm mĩm, da trắng như trứng gà bóc, hay cười nhưng chỉ mọc được 6 chiếc răng, đi lại lẩy bẩy, thường xuyên ngã, toàn thân hay toát mồ hôi trộm và chậm nói.
Bé Cún ăn và uống sữa rất tốt, nhiều khi bố mẹ không dám cho ăn hết tô cháo vì thấy con ăn nhiều hơn con nhà khác, bụng “to như cóc”. Bữa ăn của bé luôn có thịt bò, tôm, trứng, phô mai… Nhưng bé ít được ra ngoài vì bố mẹ gửi bà nội trông, ông bà già yếu nên thường cho cháu chơi quanh nhà. Một số chị em có kinh nghiệm bảo “Hay cho đi khám xem có thiếu calci không”. Một số thì bảo “Nhìn nó vẫn to béo, chỉ cần cho đi kiểm tra xem vì sao chậm nói thôi, ăn thế thì thiếu chất sao được”.
Nhưng khi mẹ Cún đưa đi khám chậm nói, bác sỹ bảo “chậm nói bình thường, không có gì đáng ngại”, song bác sỹ bảo bé có dấu hiệu còi xương và đề nghị sang khám dinh dưỡng. Mẹ Cún kinh ngạc: Em tưởng bé cao và mập mạp như thế là đủ chất rồi chứ ạ? Khi thấy bác sĩ kê cho con uống thêm calci và vitamin D thì mẹ Cún còn nghi ngại: Con mình cũng không hay ốm, sao phải uống thêm, có khi bác sĩ kết hợp cùng nhà thuốc kê toa…
Sự thực không riêng mẹ Cún mà nhiều chị em phụ nữ luôn tin rằng trông con mập mập, cân nặng đủ như tiêu chuẩn thì làm sao thiếu chất, còi xương được. Ths.BS. Nguyễn Bạch Đằng chia sẻ: Nhiều bà mẹ đã không hiểu ngọn ngành nên khó chấp nhận, khó hiểu vì sao con mập mà vẫn còi xương nhưng sự thực xương chắc khỏe có khi không đi liền với cân nặng. Họ luôn cho rằng trẻ còi cọc, gầy gò xanh xao mới bị xòi xương. Trẻ còi cọc là trẻ có cân nặng và số đo chiều cao hạn chế, chúng đi kèm với còi xương hoặc không. Ngược lại còi xương có thể gặp ở trẻ bụ bẫm, mà càng bụ thì nguy cơ còi xương lại càng nhiều.
Vì sao càng nặng cân càng… còi?
Cơ thể trẻ thiếu calci không có nghĩa là trẻ được ăn ít calci. Còi xương có nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa calci và photpho, xuất phát từ việc thiếu vitamin D hoặc do nhu cầu của trẻ quá lớn, thực phẩm không cung cấp đủ. Với trẻ mập mạp, vì tốc độ phát triển nhanh nên nhu cầu về calci, photphat cao hơn trẻ bình thường, do đó có thể bị còi xương.
Mặt khác bé mập mạp bụ bẫm chứng tỏ dinh dưỡng chính của bé là rất tốt, nhưng dưỡng này chủ yếu tập trung vào chất đạm, đường, chất béo mà lơ là thành phần calci và vitamin D thì trẻ vẫn còi xương. Hoặc có thể bé có dinh dưỡng tốt, có dùng nhiều thực phẩm giàu calci, tuy nhiên cơ thể không hấp thu được hết. Việc dinh dưỡng của bé được đảm bảo giúp bé tăng cân nhưng quá nhiều đạm thì sẽ gây cản trở việc hấp thu calci.
Việc dùng nhiều loại nước lợi tiểu, tăng lực khiến lên cân nhưng cũng sẽ làm đào thải calci nhiều hơn gây ra còi xương. Mập mạp đôi khi trở thành yếu tố nguy hiểm, che giấu những dấu hiệu thiếu calci khiến bé được điều trị muộn. Nhiều đứa mũm mĩm nhưng xương không phát triển, xương chậu hẹp thì cực nguy hiểm khi lớn lơn vì ảnh hưởng tới vấn đề sinh sản sau này.
Vì vậy để đánh giá tình trạng còi xương của con, bạn không dựa vào cân nặng mà là tình trạng hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, rụng tóc vùng sau gáy hình vành khăn, chậm mọc răng, thóp rộng, có bướu đỉnh đầu hoặc trán dồ, giảm trương lực cơ, chậm phát triển vận động (chậm biết lật, bò, đi, đứng, hay ngã…).
Chống còi xương cho con mập
Trẻ bị còi xương ngoài việc điều trị vitamin D theo hướng dẫn của thầy thuốc, cần chú ý đến chế độ ăn của trẻ. Nhưng theo bác sỹ Nguyễn Bạch Đằng, điều trị cho trẻ mập thiếu calci về cơ bản là tăng cường calci, vitamin D, cân đối photpho như tất cả trẻ còi xương khác nhưng cần chú ý tới các yếu tố ảnh hưởng tới cân nặng của trẻ (tránh béo phì thêm). Với trẻ mập nhu cầu calci cao hơn trẻ thông thường, nhưng nhu cầu chất béo cần hạn chế. Vì vậy, bạn nên:
- Cho bé bổ sung calci và vitamin D như hướng dẫn của bác sỹ.
- Cho trẻ dùng nhiều thực phẩm giàu calci, photpho như: tôm, cua, cá, sữa, đậu đỗ và các loại rau xanh, chú ý thêm dầu mỡ để tăng cường hấp thu vitamin D.
- Không nên cho trẻ ăn nước ninh xương vì rất ít calci và khó hấp thu. Quan niệm dân gian truyền thống cho rằng xương ống, xương chân gà ninh chữa được còi xương. Thực chất quan niệm này không đúng, hàm lượng calci trong loại này rất ít và khi ninh kỹ thì càng không có dinh dưỡng.
- Hàm lượng đạm và chất béo của nhóm trẻ mập này nên được hạ xuống mức vừa phải để cân đối với lượng calci. Có thể cho bé dùng sữa cao calci nhưng ít béo
- Tăng cường cho bé tắm nắng (phơi hai chân, bụng, tay của trẻ dưới ánh nắng buổi sáng). Mỗi ngày nên tắm nắng cho bé khoảng 15-30 phút, tắm trực tiếp dưới nắng, không được tắm nắng xuyên qua cửa kính.
Thu Trang