Hợp tác quảng cáo

Để bé luôn khỏe ngày Tết

9:30 AM | 10/01/2016 -
Cho con

Với việc lên kế hoạch hài hòa giữa ăn, ngủ và chơi, bé nhà bạn có thể vui xuân, đón Tết mà không lo ốm vặt hay giảm cân…

Rối bời vì chăm con ngày Tết

Trong khi những người xung quanh đang mải mê sắm Tết sao cho tươm tất thì chị Hoàng Thị Hà (Hàng Chuối, Hà Nội) lại mải miết với việc mua thuốc, lập thời gian biểu… cho con. Giải thích vì điều tưởng chừng rất lạ lùng này, chị chia sẻ: “Năm ngoái, vợ chồng tôi đến khốn khổ với con bé. Tôi bận trăm công nghìn việc, hết dọn dẹp nhà cửa lại loay hoay với làm cơm cúng nên giao toàn quyền việc chăm bé cho chồng. Ai dè, mỗi lần con khóc hay mè nheo đòi mẹ, chồng lại đem kẹo ra dỗ. Hậu quả là đến bữa cơm, nàng chả ăn được gì, rồi còn tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa nữa chứ. Khổ nhất là nháo nhào khắp nơi mới xin được ít thuốc trị tiêu chảy cho con. Rút kinh nghiệm, năm nay mình mua sẵn thuốc phòng bệnh và lập sẵn kế hoạch ăn ngủ cho bé, bố nó cứ vậy mà làm theo, khỏi thắc mắc là không biết làm gì”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chung tâm trạng lo lắng như chị Hà, chị Phạm Thanh Thảo (Yên Nghĩa, Hà Nội) thở dài: “Tết người ta được nghỉ ngơi còn mình thì xoay như chong chóng với con. Thằng lớn thì cả ngày nằm dài xem tivi, chả buồn ăn uống. Hò hét mỏi mồm thì cả nhà ai cũng bảo: ngày Tết cứ để nó được thoải mái. Rồi cả thằng bé cũng mệt không kém. Mình mất công băm băm, chặt chặt nấu cho nó được bát cháo thì cu cậu lắc đầu không ăn, toàn đòi ăn bánh chưng, nem rán, xúc xích… Mà có ăn được nhiều đâu, mỗi thứ chỉ cắn được một miếng là lửng dạ nên chẳng ăn uống thêm được gì nữa. Đã thế chẳng đứa nào chịu đi ngủ đúng giờ. Buổi trưa thì bữa có, bữa không, buổi tối thì hôm nào sớm cũng phải 12 giờ đêm. Mà cứ hễ nghe thấy tiếng người nói chuyện là bật dậy nhanh như tôm tươi. Có mấy ngày Tết mà hai cu cậu sút đi hơn 1kg, xót hết cả ruột”.

Không đau đầu về nết ăn, nết ngủ của con, nhưng điều khiến chị Trần Hoài Thu (Minh Khai, Hà Nội) bận tâm chính là chất lượng bữa ăn dành cho bé không được đảm bảo như ngày thường. “Cứ nghĩ lại cảnh năm ngoái, bé con nhà mình bị táo bón vì thiếu ran xanh là mình phát hoảng. Hôm đó là mùng 2 Tết, bé đi ị mà mặt đỏ tía tai, khóc lóc ầm ĩ, kêu đau đít loạn cả lên. Rồi đến hôm mùng 4 lại bị một lần như thế nữa. Nhìn thương quá mà chẳng làm được gì. Quê chồng mình có tục là Tết nhất chỉ ăn thịt thà, cá mú chứ không có rau xanh vì quan niệm: Tết mà ăn rau, khách đến nhà người ta sẽ cười chê vì cơm đạm bạc, cả năm có mỗi ngày Tết mà cũng phải độn rau. Với chế độ ăn như thế thì người lớn còn táo bón huống chi là trẻ em. Năm nay chắc phải thủ sẵn ít rau dành riêng cho con gái”.

Mẹo chăm bé khỏengày Tết

Tết thường là dịp mọi người trong gia đình đều có xu hướng nghỉ ngơi, dễ dãi trong sinh hoạt, thế nên các bé cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong những ngày này, bé thường ngủ ít, chơi nhiều, ăn uống không đúng bữa hoặc không đúng định lượng… Đó là lý do tại sao trong khi người lớn có thể tăng cân vù vù sau mấy ngày Tết thì nhiều bé lại giảm cân, thậm chí là bị ốm. Do đó, để bé khỏe mạnh đón xuân, bạn nên lên kế hoạch chăm sóc chu đáo, hài hòa giữa ăn, ngủ và chơi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Muốn làm được việc này, trước tiên, bạn cần phải thống nhất kế hoạch với cả nhà, tránh tình trạng ông nói gà, bà nói vịt. Tuy còn nhỏ, nhưng trẻ em rất nhạy cảm. Chúng có thể nhận biết được ai là người có thể “dựa hơi” để “chống” lại sự quản thúc của mẹ. Thế nên, để mọi sinh hoạt của bé đi vào nề nếp, cần tránh tuyệt đối tình trạng mẹ nói “không được ăn kẹo”, nhưng bố lại nói: “thôi, con ăn một cái đi”. Như vậy, thống nhất kế hoạch không chỉ là thiết kỷ luật với bé mà còn làm giảm những mâu thuẫn, bất đồng dẫn đến cãi cọ về chăm con trong những ngày đầu xuân.

Ngoài ra, để tránh việc ngày Tết ai cũng bận rộn nên có khi “bỏ quên” mất con, bạn nên cử ra một người phụ trách việc chăm sóc bé. Người này sẽ có trách nhiệm giám sát việc ăn, ngủ của con sao cho đúng kế hoạch đã được lập. Bạn cũng có thể chia nhỏ công việc này ra như: người lo chuyện ăn của bé, người lo chơi với bé, người chịu trách nhiệm cho bé ngủ. Như vậy, không ai bị quá tải và ai cũng có thể vui xuân.

Bên cạnh đó, với những gia đình có con quá nhỏ, bạn cần hạn chế việc cho bé đi chúc Tết hay đi chơi bởi nó không chỉ làm xáo trộn kế hoạch đã được đề ra mà đôi khi còn không có lợi cho sức khỏe của bé. Thực tế cho thấy việc các bé phải di chuyển quá nhiều khi thời tiết nắng nóng hoặc lạnh giá sẽ khiến các bé bị nhiễm bệnh về đường hô hấp hay các bệnh cơ hội khác như tiêu chảy, tay chân miệng…

Nếu muốn đưa bé đi chúc Tết, bạn cần cho bé ăn trước ở nhà vì khi đã no rồi, đến nhà khách, bé sẽ ít đòi ăn bánh kẹo, nếu có ăn cũng chỉ ăn được lượng nhỏ. Hơn nữa, một bữa ăn được chuẩn bị chu đáo ở nhà với đầy đủ thịt, cá, rau xanh bao giờ cũng chất lượng hơn là những bữa ăn vội ở nhà người khác. Trong trường hợp dự định đi chơi lâu, để tránh tình trạng bé không hợp khẩu vị, bạn nên mang theo sữa tươi hoặc những đồ bé vẫn quen ăn ở nhà.

Đặc biệt, với những loại hạt mà nhà ai cũng có trong ngày Tết như: hạt dẻ cười, hạt bí, dưa, đậu phộng… Bạn cần để xa tầm tay với của trẻ để tránh nguy cơ bé nuốt phải dị vật, gây tắc nghẽn đường thở. Tương tự như vậy, bạn cũng cần đưa bé ra khỏi những nơi có khói thuốc, khói hương nếu không muốn bé mắc các bệnh về đường hô hấp.

Cuối cùng, để có thể xử lý trường hợp bé bị ốm bất ngờ trong những ngày đầu xuân trong khi các hiệu thuốc chưa mở cửa, bạn cần chuẩn bị thêm một số loại thuốc thông dụng. Tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại của bé, bạn sẽ có những loại thuốc đặc thù riêng, song đừng bỏ quên thuốc hạ sốt, đặc biệt là gói bù nước vì nó sẽ giúp bé tươi tắn và linh hoạt hơn khi bị nôn trớ, tiêu chảy hay sốt cao. Trong trường hợp lo lắng bé có thể bị rối loạn tiêu hóa, bạn hãy chuẩn bị thêm một ít men vi sinh để cân bằng đường ruột.

Vi Vi

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Giảm béo

Dịch vụ

Đăng nhập