Thấy con học hành sa sút, trốn học, cảm giác buồn bã, thu mình, đau đầu thường xuyên…, nhiều bố mẹ nghĩ là bình thường. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn tâm thần học tuổi học đường khá nguy hiểm.
Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Cha mẹ đặc biệt cần có sự quan tâm, chia sẻ để tránh xảy ra những nguy hại do chứng rối loạn tâm thần tuổi học đường.
Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. |
Các chuyên gia cho biết rối loạn tâm thần ở trẻ em là tình trạng buồn rầu, chán nản, mệt mỏi, mất hứng thú và chúng có thể gây ra những thay đổi nghiêm trọng trong cách trẻ thường học tập, cư xử. Nhiều trẻ thỉnh thoảng trải qua nỗi sợ hãi và lo lắng hoặc các hành vi gây rối. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho người mắc như: suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, các rối loạn tâm thần khác khiến người bệnh tìm cách tự tử.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9,2%.
Những yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần học đường ở trẻ
Những áp lực không tên là nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tâm thần học đường. |
Khi nói đến những yếu tố nguy cơ gây rối loạn tâm thần học đường ở trẻ, các chuyên gia cho biết có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, trong đó, các áp lực không tên là nguyên nhân chính như:
1. Sự căng thẳng trong học tập. Học sinh bị áp lực từ những kỳ vọng của người lớn, gia đình, bạn bè, nhà trường và ngay chính bản thân các em dẫn đến kéo theo những hệ lụy tâm lý mà một trong số đó là rối loạn tâm thần. Ám ảnh bởi điểm số, thứ hạng trong lớp học; nhận chỉ trích từ bố mẹ, nhà trường; áp lực từ những tẩy chay của bạn bè hay những hoang tưởng, huyễn hoặc của bản thân… đều là những “lưỡi hái tử thần” mà rối loạn tâm thần có thể ghé thăm các bạn trẻ.
Căng thẳng trong học tập khiến trẻ bị rối loạn tâm thần |
2. Những thay đổi tâm lý dậy ở tuổi dậy thì: Ở lứa tuổi học đường là các em sẽ bước vào thời kỳ dậy thì, tâm sinh lý ở khoảng thời gian này đang thay đổi nên các em chưa có đủ khả năng nhận thức toàn diện về một vấn đề gặp phải. Các em dễ bị ảnh hưởng từ chính những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi cá nhân. Trong trường hợp này nếu không được định hướng đúng thì những suy nghĩ và hành vi tiêu cực sẽ ám ảnh các em gây nên những hành động đáng tiếc.
3. Bị ám ảnh những đau thương từ lúc nhỏ: Đây cũng là nguyên nhân khiến các em dễ bị rối loạn tâm thần. Những việc đau thương thời thơ ấu như bị lạm dụng thể xác và tinh thần, người thân qua đời,... gây thay đổi trong não bộ, khiến các em ở lứa tuổi học đường dễ bị rối loạn.
4. Thiếu hỗ trợ, động viên khích lệ của bố mẹ và các thầy cô giáo: Trong xã hội phát triển như hiện nay, “tiếng gọi” của đồng tiền, công nghệ làm khoảng cách giữa người với người tăng lên. Chúng ta không còn ngồi với nhau để cùng chia sẻ, tâm sự cùng nhau mà hầu hết chúng ta ngồi lại với nhau khi “chuyện đã rồi”.
5. Có lối sống không lành mạnh: Những thói quen xấu ở tuổi thanh thiếu niên như lười vận động, nghiện điện tử, thức khuya, ăn uống không điều độ, sử dụng các loại chất kích thích... là những nguyên nhân gây suy giảm thể chất, suy nhược thần kinh dẫn đến rối loạn tâm thần.
6. Môi trường học đường bất ổn: Bạo lực học đường luôn là vấn nạn nhức nhối, đó cũng là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rối loạn tâm thần học đường. Việc bắt nạt bạn cùng lớp, cùng trường diễn ra thường xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ bạo lực về mặt thể chất mà còn cả về mặt tinh thần. Các em bị bắt nạt thường có cảm giác sợ hãi khi đến lớp, luôn phải nghĩ cách đối phó với những kẻ bắt nạt mình dẫn đến trạng thái căng thẳng, lo sợ.
Bạo lực học đường ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ |
8 dấu hiệu cảnh báo trẻ có nguy cơ bị rối loạn tâm thần học đường
Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ có một trong số các biểu hiện này, cha mẹ cần lưu ý, thậm chí là đưa con đi sàng lọc tại các cơ sở y tế chuyên khoa:
- Mất ngủ kéo dài: có thể mất ngủ đầu giấc, giữa giấc, cuối giấc và không thể ngủ lại được nữa . Nếu trầm cảm nặng sẽ mất ngủ toàn bộ.
- Luôn có cảm giác mệt mỏi, uể oải.
- Mất mọi quan tâm đến công việc, giải trí, sở thích cá nhân: Không có hứng thú hoặc ít hứng thú với các hoạt động xung quanh mình, ngay cả những sở thích cá nhân mà trước đây rất thích.
- Luôn cảm thấy buồn rầu, dễ bực tức, khó chịu, dễ cáu gắt ngay cả với một việc rất bình thường.
- Có cảm giác mình vô dụng, muốn buông xuôi mọi việc dẫn đến chán nản không muốn học hành hay làm việc gì.
- Không thể tập trung vào việc vào việc gì cụ thể, khó ghi nhớ, kết quả học tập giảm sút
- Luôn cảm thấy bứt rứt, lo lắng vô cớ, không thể ngồi yên một chỗ.
- Cơ thể thường xuất hiện các rối loạn như: đau đầu, đau bụng, đau ngực, đau cơ, ra nhiều mồ hôi… mà đi khám không tìm ra nguyên nhân.
Để giúp các em học sinh tránh bị trầm cảm học đường thì gia đình và nhà trường cần phối hợp quan tâm đến các em. Không nên tạo áp lực học hành quá lớn cho các em, tạo cho các em tình thần thoải mái, hứng thú khi học tập… Giúp các em có một lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn cũng như các loại chất kích thích. Quan tâm đến các em nhiều hơn đồng thời chia sẻ với các em những vấn đề trong cuộc sống, hướng dẫn các em thoát khỏi những vấn đề rắc rối gặp phải. Ngoài ra, cha mẹ cần tìm hiểu các dấu hiệu rối loạn trầm cảm ở trẻ để có cái nhìn chủ quan hơn về căn bệnh này, nhờ đó sẽ phòng ngừa hiệu quả hơn.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin