(SKGĐ) Vào một ngày… xấu trời nào đấy, khi mà mọi nỗ lực níu kéo cuộc hôn nhân của bạn và chồng (vợ) của bạn không còn phát huy tác dụng được nữa, bạn sẽ làm thế nào để nói với những đứa con đang tuổi mới lớn của bạn rằng, chúng sẽ phải chọn hoặc ba hoặc mẹ, và từ đây, chúng đã không có một gia đình đầy đủ như trước nữa?
![]() |
Ảnh minh họa |
Có thể hai bạn đến với nhau bằng tình yêu thực sự. Có thể trong cả một thời gian dài, cả hai bạn đã cố gắng hết khả năng để duy trì mái ấm vì những đứa con thân yêu. Nhưng nếu đã không thể cứu vãn, sẽ đến lúc hai bạn phải đường ai nấy đi. Điều tối quan trọng là làm thế nào để tâm sự với những đứa trẻ để chúng có thể chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, cả hai bạn nên cùng nói với con tốt hơn là chỉ một người nói. Chỉ nói khi đã quyết định chính thức và quan trọng là phải lên kế hoạch thật kỹ lưỡng cho cuộc trò chuyện.
Nên thống nhất với nhau sẽ nói với con như thế nào, để con hiểu, bố mẹ đã hết duyên nợ với nhau, níu kéo cũng chỉ thêm đau lòng, và chia tay lúc này là thích hợp nhất.
Nên nhớ rằng, những sai lầm không đáng có trong cách nói có thể khiến cuộc nói chuyện trở nên tồi tệ, không những không giúp con bớt đi những thương tổn mà còn làm cho vết thương của chúng bị khoét sâu hơn.
Việc lựa thời điểm để tâm sự với con cũng quan trọng không kém. Nên chọn ngày nào con không đến trường, tốt nhất là dịp hè bởi như thế con bạn sẽ có một khoảng thời gian đủ dài để xoa dịu nỗi mất mát trước khi nhập học và mức độ ảnh hưởng đến việc học cũng vì thế mà giảm bớt đi.
Tất nhiên, trong trường hợp này, bạn và chồng (hoặc vợ) phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận những phản ứng xấu nhất của trẻ. Chúng có thể la hét, gào toáng lên, khóc sưng cả mắt, và dọa dẫm… Hãy để cho con khóc, nhưng vẫn phải giữ thái độ cứng rắn của vai trò làm cha mẹ.
Bên cạnh đó, hãy thông cảm cho con. Hãy giúp con hiểu rằng, dù bất cứ trường hợp nào, dù bố mẹ không còn sống với nhau nữa, nhưng cả hai vẫn luôn dành tình yêu thương và mọi điều tốt đẹp nhất cho con.
Tuyệt đối không được chỉ trích, nói xấu người bạn đời trước mặt con. Cũng đừng để những cuộc cãi vã giữa hai người làm ảnh hưởng tới con. Những cách nói tiêu cực như thế sẽ có tác động tâm lý vô cùng xấu đối với con trẻ. Hơn thế nữa, trong suy nghĩ của trẻ sẽ luôn tồn tại hình ảnh một người cha hoặc mẹ vô cùng xấu.
Sau khi đã nói với trẻ rằng, bạn và vợ (chồng) không thể chung sống bên nhau nữa, hãy hỏi ý kiến con xem trẻ muốn thay đổi những điều gì trong tương lai. Hãy để cho con tự suy nghĩ và quyết định.
Bạn có thể hỏi những câu như: "Con có muốn chuyển trường học? Con muốn sống chung với mẹ hay bố?". Hãy tôn trọng ý kiến của con. Đừng lấy quyền cha mẹ ra áp đặt bởi con trẻ vốn đã đau khổ lắm rồi.
Những đứa trẻ chẳng có lỗi gì trước sự chia cắt của bố mẹ. Chúng chỉ bị thiệt thòi quá lớn vì từ đây, chúng đã không còn một gia đình đúng nghĩa. Vì vậy, hơn lúc nào hết bạn phải luôn quan tâm và động viên bé.
Ly hôn là chuyện bất đắc dĩ, nhưng hãy nén lại những phiền muộn để giảm thiểu cho con những thương tổn. Nên nhớ rằng, mỗi một cư xử không tế nhị trong thời điểm này có thể khiến cho con bị ám ảnh bởi chuyện ly hôn đến suốt đời.
Hiểu Đan