Hợp tác quảng cáo

Giúp con giảm cơn đau khi mọc răng

2:01 PM | 29/01/2015 -
Cho con

(SKGĐ) Nếu nướu răng của bé tự nhiên sưng phồng, ửng đỏ hai mặt và má, bé chảy nước dãi nhiều, quấy khóc và bỗng nhiên “vớ được gì nhai nấy”, 99% bé đang trong thời kỳ mọc răng.

Bạn có nhớ cảm giác đau đớn khi mọc răng khôn không? Cơn đau mọc răng mà bé đang chịu đựng cũng tương tự như thế. Hãy giúp con vượt qua nó một cách dễ dàng nhất.

1. Nhai, nhai và nhai

Hãy để bé được nhai vì hoạt động của lợi thực sự giúp cơn đau dịu đi. Lúc này, bạn nên chuẩn bị cho bé cái gì đó sạch sẽ và an toàn để gặm nhấm như…

Rau củ quả

Ngoài công dụng để nhai thì rau quả tươi cũng chứa nhiều acid tự nhiên có tác dụng làm giảm cơn đau mọc răng. Hai loại củ quả lý tưởng nhất là cà rốt và dưa chuột (nhất là dưa chuột bao tử). Bạn cũng có thể cho con nhai những lát củ cải hoặc khoai tây được nấu chín. Những loại củ quả trên phù hợp cho bé nhai liên tục vì nó không dễ bị bé cắt đứt, không có mùi nồng và cũng không gây nguy hiểm.

Để làm tăng hiệu quả giảm đau cho bé, bạn nên đặt rau, củ, quả vào ngăn mát tủ lạnh trước khi cho bé nhai. Hơi lạnh từ thức ăn có tác dụng làm mát vùng lợi bị đau của bé và cảm giác được nếm vị thức ăn mới sẽ khiến bé dịu cơn đau. Tương tự, các đồ ăn mát như sữa chua, lê, táo nghiền được làm mát cũng giúp bé hết rấm rứt. Bạn có thể áp dụng cách đơn giản nhất là cho bé uống một cốc nước mát, giúp làm tê vùng lợi bị đau.

* Nhắc bạn:

- Cần giám sát bé bởi bé có thể bị ho, sặc khi tự nhai các loại rau củ.

- Thái rau củ thành những miếng nhỏ, gọt vỏ, bỏ hạt để bé dễ ăn và không bị hóc, nghẹn.

- Khi bé đã có răng thì không nên cho bé ăn cà rốt sống vì bé có thể cắn được một mẩu cà rốt cứng và gây hóc.

Đồ vật được làm mát

Bạn nên biết

- Bé bị đau do nhiễm trùng tai có thể bị nhầm với cơn đau do mọc răng. Hãy đưa con đi khám khi con bị sốt và quấy khóc.

- Nếu cho bé bú bình, khi rút bình ra cần nhẹ nhàng. Rút ra đột ngột sẽ làm cơn đau của bé gia tăng.

- Tuyệt đối không lau lợi, răng cho bé bằng cồn dù ở bất cứ dạng nào, kể cả nồng độ nhỏ.

Việc nhai sẽ thú vị hơn khi đồ vật đó được để trong ngăn mát tủ lạnh. Điều này gây cảm giác tê nướu răng giúp giảm đau. Có thể thử làm mát một chiếc khăn mặt sạch, ẩm để bé nhai. Bạn cũng có thể nhúng khăn mặt vào trà hoa cúc (loại dành cho bé) trước khi làm lạnh để hấp dẫn bé hơn.

Một số bà mẹ tiết lộ, họ không muốn lãng phí tiền vào những bộ vòng ngậm mà chọn giải pháp tận dụng ti giả bằng cách: Nhúng ti giả vào cốc nước, sau đó, để trong ngăn mát tủ lạnh. Bé sẽ rất thích thú mỗi khi bứt rứt vì đau mọc răng mà lại có ti giả mát lạnh để ngậm.

Vòng ngậm

Phần lớn các loại vòng ngậm cho bé mọc răng đều được làm từ cao su mềm, dai. Một số loại có chứa nước bên trong và an toàn khi đặt trong ngăn mát tủ lạnh (không nên cho vào ngăn đá). Các ông bố, bà mẹ cần giám sát con trong suốt thời gian bé sử dụng vòng ngậm vì bé có thể cắn vỡ và nuốt khi bạn không để ý.

Bạn nên cẩn thận với vòng ngậm làm bằng silicon, chứa chất lỏng ở trong có thể bị vỡ và gây nguy hiểm cho bé. Với những loại vòng ngậm với thiết kế làm mát (có thể để nước đun sôi để nguội vào thân vòng) sẽ giúp làm tê tạm thời nướu của bé giúp bé giảm đau. Tuy nhiên, tuổi thọ của vòng khá ngắn và khi cắn mạnh vòng có thể bị rò nước ra ngoài.

Không nên mua những chiếc vòng có nhiều phần được nối với nhau. Những phần nhỏ trên vòng có thể rời ra và khiến bé bị hóc. Và cuối cùng, không phải bé nào cũng hào hứng với vòng ngậm, một số bé chỉ nhai 1-2 lần vì vậy hãy cân nhắc để tránh lãng phí.

Lưu ý:

- Lựa chọn sản phẩm uy tín để tránh những sản phẩm chứa chì, các chất gây độc.

- Vệ sinh vòng ngậm ngay sau mỗi lần bé ngậm (theo hướng dẫn ngoài bao bì).

-  Một số vòng có thể được khử trùng bằng nước đun sôi. Tuy nhiên, tránh luộc vòng vì nó có thể bị hỏng.

2. Massage lợi cho bé

Lợi bị sưng đỏ khi mọc răng là một trong những nguyên nhân khiến bé bị đau và rấm rứt không yên. Bạn có thể dùng đầu ngón tay (đã rửa sạch) chà nhẹ nhàng lên vùng lợi bị sưng để làm dịu cơn đau cho bé. Massage nhẹ nhàng sẽ làm nướu tê liệt tạm thời giúp giảm đau. Bạn cũng có thể dùng khăn mặt sạch, chất liệu bông mềm, ướt quấn vào ngón trỏ để massage lợi cho bé. Hơi lạnh sẽ giúp bé đỡ đau hơn.

Trên thị trường cũng có loại thìa ăn dặm dành cho bé mọc răng làm từ chất liệu nhựa mềm, có tác dụng massage lợi. Khi bé chán ăn vì bị đau, bé có thể thoải mái nhai thìa mà không sợ bị đau hơn.

4. Phân tán tư tưởng của bé

Hãy giúp bé không nghĩ đến cơn đau nữa bằng cách đưa bé đến những nơi ưa thích như công viên, sở thú, phòng nhạc hay đơn giản là cho bé chơi đồ chơi, cho bé xem truyện tranh nhiều màu… Bé sẽ chuyển sự chú ý của mình sang những đối tượng khác mà tạm thời quên đi cơn đau.

Đôi khi, bé sẽ từ chối tất cả các biện pháp mà bạn đưa ra, theo các chuyên gia tâm lý, lúc này, ôm bé vào lòng là điều tốt nhất mà bạn có thể làm để xoa dịu cơn đau của bé.

3. Sử dụng thuốc nếu cần

Bạn có thể dùng một lượng nhỏ gel hoặt bột bôi lợi bán tại hiệu thuốc hoặc siêu thị dành cho bé đang mọc răng để giảm đau cho bé. Loại này thường chứa chất gây tê và chất khử trùng giúp giảm đau và ngừa viêm nhiễm. Mỗi lần bôi có tác dụng làm tê khoảng 20 phút. Tuy nhiên, không nên dùng gel quá 6 lần trong một ngày. Loại này khiến bé bị chảy dãi rất nhiều, bạn nên chuẩn bị một miếng gạc hoặc khăn mềm để lau cho bé.

Ngoài ra, nếu bé đang bú mẹ, tránh bôi gel cho bé trước mỗi cữ bú vì nó khiến lưỡi của bé bị tê và khó bú hơn. Chưa kể, gel từ trong miệng bé có thể làm tê quầng vú của mẹ càng khiến cho “bữa ăn” của bé gian nan.

Trong một số trường hợp, các loại thuốc giảm đau có chứa Paracetamol cũng có thể được dùng để trị cơn đau mọc răng cho bé (lưu ý: không dùng Aspirin vì loại thuốc này không được dùng cho trẻ dưới 12 tuổi). Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi và cân nặng của bé mà các bác sĩ sẽ tính toán lượng dùng an toàn. Vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi dùng thuốc.

Lan Chi

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Giảm béo

Dịch vụ

Đăng nhập