Trẻ em tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 trong thời gian ngắn có nguy cơ rối loạn lo âu, trầm cảm.
Tổ chức quốc tế giám sát chất lượng không khí AirVisual cảnh báo mức ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP.HCM, với nồng độ bụi siêu vi PM2.5 (bụi mịn) hiện ở mức 102,7 µg/m³. Chất lượng không khí tại TP.HCM đang duy trì ở mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe con người.
Đặc biệt, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.
Ô nhiễm không khí, bụi mịn nguy hiểm thế nào đến trẻ:
Tổn hại đường hô hấp
Nhiều nghiên cứu đã xác định ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hô hấp ở mức độ cấp tính và mạn tính. Ở mức độ cấp tính, gây các triệu chứng như ho và khò khè. Ở tình trạng mạn tính, không khí ô nhiễm có thể dẫn đến hen suyễn, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Không khí ô nhiễm làm gia tăng bệnh nhiễm trùng hô hấp, hen suyễn và các triệu chứng dị ứng ở trẻ em; làm cho bệnh nhân hen và COPD dễ bị phát bệnh cấp và nhập viện nhiều hơn. Ung thư phổi cũng là một nguy cơ khi con người tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nhất là từ khí thải của các phương tiện giao thông.
Liên quan đến bệnh tim mạch, thần kinh
Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cũng đưa ra bằng chứng chắc chắn về mối liên hệ giữa khói xe và bệnh tim mạch. Tiếp xúc khói xe ngắn hạn cũng liên quan tới thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp và cao huyết áp.
Chì có trong không khí ô nhiễm cũng tác động đến quá trình tạo máu bằng cách ức chế một số enzyme quan trọng, đồng thời gây tổn hại màng hồng cầu và làm rối loạn quá trình chuyển hóa bên trong tế bào, làm cho tế bào bị chết sớm, dẫn đến hậu quả là bệnh thiếu máu.
Ảnh hưởng đến mắt
Được biết, bụi mịn ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là vùng tay mũi họng, hô hấp trên, hô hấp dưới. Bụi mịn bám vào niêm mạc hô hấp làm tăng các bệnh nền trước đó, như dễ dàng viêm mũi dị ứng nặng hơn, các cơn hen suyễn nặng hơn, nhất là đối với trẻ em.
Bụi mịn gây trầm cảm cho trẻ
Bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào phổi, sau đó đi vào máu và các cơ quan khác trong cơ thể, gây kích ứng, viêm, dẫn đến các vấn đề hô hấp, ung thư, đau tim nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Nhóm nghiên cứu Đại học Cincinnati và Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi Cincinnati theo dõi nồng độ bụi mịn PM2.5 ở khu vực những bệnh nhi sinh sống. Kết quả, số bệnh nhi đến khám tâm thần tăng mỗi khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cao. Những bệnh nhi khám cùng ngày nồng độ không khí tăng mắc các bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh nhi khám sau hai, ba ngày có biểu hiện rối loạn lo âu và ý nghĩ tự tử.
Đối phó ô nhiễm không khí như thế nào?
Về điều này, PGS Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, chúng ta có thể góp phần vào việc giảm ô nhiễm không khí bằng cách thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, trồng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm cần một giải pháp đồng bộ của các cơ quan hữu quan.
Còn người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, cần giữ nguyên tắc:
- Đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường.
- Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể.
- Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay.
- Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.
- Hạn chế đi ra ngoài.
Quỳnh Hoa
Theo chuyên đề Sức khỏe gia đình