Đã có những cảnh báo đối với phụ nữ mang thai về việc ăn cá ngừ, bởi những lo ngại về dư lượng thủy ngân có trong loại cá này.
Cẩn thận với các loại cá nhiều thủy ngân
Theo Nytimes, các chuyên gia đồng ý rằng, hải sản là nguồn thực phẩm bổ sung dưỡng chất quan trọng và phần lớn trong chúng ta đang không bổ sung đủ các loại dưỡng chất này.
Cá giàu chất béo omega-3, các loại vitamin B, iốt, selen và vitamin D. Và vô số các nghiên cứu khác đã chỉ ra, các loại dưỡng chất có trong các loại cá là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của não bộ ở trẻ sơ sinh và trẻ đang bú mẹ.
Ủy ban tư vấn và hướng dẫn về chế độ ăn uống Hoa Kỳ gần đây đã nhắc lại các nguyên tắc khi sử dụng hải sản: Người Mỹ nên ăn nhiều loại hải sản khác nhau. Bản báo cáo này cũng thừa nhận nguy cơ phơi nhiễm thủy ngân từ một số loại hải sản và lưu ý phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc những người đang có ý định mang thai nên tránh một số loại hải sản như cá kình, kình, cá mập, cá kiếm và cá thu bởi hàm lượng thủy ngân cao.
Không nên ăn quá nhiều cá ngừ
Hướng dẫn hiện hành của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Cục Bảo vệ môi trường cảnh báo, phụ nữ mang thai và cho con bú chỉ nên tiêu thụ tối đa 175g cá ngừ mỗi tuần. Các ủy ban tư vấn đã khuyến cáo rằng các cơ quan này cần "đánh giá lại" lập trường của họ về cá ngừ cho phụ nữ mang thai.
Trong báo cáo, hội đồng lập luận rằng, cá ngừ albacore là một "trường hợp đặc biệt". Họ lưu ý rằng, ngay cả khi phụ nữ ăn gấp đôi lượng cá ngừ được khuyến cáo hàng tuần thì những lợi ích vẫn lớn hơn nhiều so với rủi ro. "Tất cả bằng chứng đều có lợi đối với “lợi ích ròng” của sự phát triển của trẻ và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh tim mạch”.
Các ý kiến cho rằng phụ nữ mang thai có thể ăn nhiều cá ngừ albacore trắng hơn - loại cá ngừ thường được sử dụng trong các chế phẩm đóng hộp - đã làm đảo lộn các nhóm vận động kêu gọi gia tăng cảnh báo về dư lượng thủy ngân trong cá ngừ đóng hộp.
Theo ông Michael Bender, giám đốc dự án về chính sách thủy ngân cho biết “Cá ngừ chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn 7 lần so với 4 loại cá chứa nhiều thủy ngân mà FDA khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên sử dụng. Vậy tại sao trong bộ hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng lại khuyên phụ nữ mang thai sử dụng nhiều hơn loại thực phẩm này?”.
Các bà mẹ cần biết rõ về các loại cá mình ăn
Nhưng TS. Steve Abrams, một thành viên của hội đồng và là giám đốc y tế của Chương trình dinh dưỡng trẻ sơ sinh tại trường Y tế Baylor cho biết, trong khi phụ nữ cần phải nhận thức được đầy đủ về các loại cá mà họ ăn, thì cũng có bằng chứng cho rằng, việc người mẹ sử dụng các sản phẩm từ cá là có lợi cho não bộ của trẻ.
“Mục đích của hướng dẫn chế độ ăn uống là để cung cấp cho người dân một phương pháp ăn uống lành mạnh, nên và không nên sử dụng loại thực phẩm nào. Lợi ích của việc có axit béo omega-3 trong chế độ ăn uống hàng ngày rõ ràng cao hơn các nguy cơ phơi nhiễm. Vấn đề là bạn cần phải sử dụng nhiều loại hải sản và không hạn chế mình chỉ trong một vài loại, bao gồm cả cá ngừ đóng hộp”.
Hàm lượng thủy ngân trong các đại dương đang tăng lên do sự gia tăng lượng khí thải thủy ngân công nghiệp. Thực vật, động vật phù du và các loại cá nhỏ cũng đã hấp thụ một lượng nhỏ thủy ngân trước khi bị các cá lớn hơn ăn thịt.
Theo thời gian, các loại cá mập lớn và cá kiếm tích lũy hàm lượng thủy ngân cao. Kết quả là, các quan chức y tế khuyên các loại cá như cá mòi, cá hồi, cá rô phi nằm ở cuối chuỗi thức ăn và đã tích lũy được ít thủy ngân hơn trong mô của chúng.
Lợi ích của việc người mẹ ăn cá trong thai kỳ đối với một bào thai đang phát triển là rất rõ ràng. Trong một nghiên cứu của Đại học Harvard trên 135 bà mẹ và trẻ sơ sinh, các nhà nghiên cứu theo dõi mức tiêu thụ cá trong thai kỳ và kiểm tra tóc của mẹ để đo hàm lượng phơi nhiễm thủy ngân. Họ phát hiện ra rằng đối với mỗi khẩu phần cá người mẹ ăn hàng tuần khi mang thai, điểm số các bài kiểm tra trí nhớ thị giác của các con tăng trung bình 4 điểm.
Đồng thời, bé giảm 7,5 điểm cho mỗi một phần triệu lượng thủy ngân tăng trong mẫu tóc của người mẹ. Các em bé ghi điểm cao nhất trên các bài kiểm tra trí nhớ là những bà mẹ đã ăn hai hoặc nhiều hơn khẩu phần cá mỗi tuần trong thời gian mang thai, nhưng đã được kiểm tra để có hàm lượng thủy ngân rất thấp.
Đối với những người muốn ăn thủy sản một cách an toàn hơn, các tạp chí khuyến cáo tôm, sò điệp, cá mòi, cá hồi, sò, mực, cá rô phi là những hải sản chứa ít thủy ngân nhất. Cũng chứa rất ít thủy ngân là cá tuyết chấm đen, cá minh thái, cá bơn, cá croaker Đại Tây Dương, tôm, cá tra, cá hồi, cá thu Đại Tây Dương, cua và cá đối.
Ngoài các cảnh báo thông thường về việc cá chứa nhiều thủy ngân, báo cáo tiêu dùng cũng thêm cá marlin và cá orange roughy vào danh sách. Họ cũng đề nghị hạn chế tiêu thụ cá mú, cá vược biển Chi lê, bluefish, cá bơn, cá tuyết đen, cá thu Tây Ban Nha và cá ngừ tươi.
Diệu Thúy
Theo tạp chí Sống Khỏe