(SKGĐ) Phần lớn các bậc cha mẹ đều nghĩ rằng lời khen có tác dụng tích cực trong việc nuôi dạy con cái. Nhưng khi sự khen ngợi bị lạm dụng quá nhiều sẽ làm mất đi ý nghĩa thực sự của những lời khen. Đặc biệt là khi bạn khen trẻ thông minh.
shdkjghfd
Ảnh minh họa |
Đầu tiên, bạn nên phân biệt giữ việc động viên và khen ngợi. Động viên là sự khuyến khích trẻ chú trọng vào những việc trẻ đang làm, nó đề cao sự cố gắng của trẻ và không hề có tác dụng phụ.
Trong khi đó khen ngợi lại chú trọng vào kết quả mà trẻ đạt được. Khen ngợi thường không rõ ràng như: “Con giỏi quá” hay “Con thông minh lắm” và thường mang tính phóng đại.
Trẻ con không thể tự nhận biết đâu là lời khen thật sự, nếu bạn thường xuyên khen chúng thông minh, chúng sẽ cho rằng thông minh là điều tự có và không cần phải làm gì cả. Trong khi đó, bạn luôn mong muốn con mình có thể phát triển hết tiềm năng của chúng.
Khoa học đã chứng minh, chỉ số IQ là quan trọng, nhưng sự nỗ lực, cố gắng và cá tính cũng đóng vai trò không kém. Nếu một người có chỉ số thông minh IQ khiêm tốn, nhưng chịu khó, kiên nhẫn và ham học hỏi vẫn có thể đạt được thành công to lớn.
Nhà tâm lý Carol Dweck cũng đã nhận định rằng kiểu suy nghĩ “đóng đinh” thường khiến người ta cố gắng chứng minh sự thông minh của mình, và có thể khiến họ lẩn tránh những tình huống có tính thách thức. Vì thế, bạn nên dạy cho trẻ biết rằng các kỹ năng cơ bản có thể cải thiện được khi chúng ta cố gắng không ngừng chứ không phải là hình thành cho trẻ tư tưởng luôn thể hiện mình là một người thông minh.
Việc nói với con bạn là một người thông minh còn có thể khiến chúng khi đối mặt với thất bại hoặc tình huống khó khăn sẽ tự hoài nghi về mình và trở nên thoái chí nếu không làm được việc.
Cách tốt nhất để tác động trẻ hoàn thành tốt một việc gì đó là bạn nên động viên, khuyến khích chúng chuyên sâu vào những thứ chúng đang làm và hỗ trợ chúng để giảm thiểu các điểm yếu. Và nên điều chỉnh lời khen của mình đúng lúc, đúng chỗ để chúng có thể lớn lên một cách thoải mái, mạnh mẽ và tự tin.
Hằng Ni