Trong quá trình phát triển chiều cao ở tuổi dậy thì, thực phẩm, dinh dưỡng được xem là yếu tố quan trọng nhất. Vậy đâu là những loại thực phẩm mà bạn nên lựa chọn cho các bé nếu muốn đạt được chiều cao tối đa ở độ tuổi này?
Nếu bạn đang đi tìm những loại thực phẩm giúp tăng chiều cao tuổi dậy thì, đừng bỏ qua những gợi ý trong bài viết dưới đây.
Tuổi dậy thì được xem là một trong hai giai đoạn vàng của quá trình phát triển chiều cao. Mặc dù độ tuổi trong giai đoạn dậy thì là 8 - 14 tuổi thế nhưng tuổi để phát triển chiều cao của giai đoạn này được tính từ khoảng 10 - 18 tuổi.
Bước vào tuổi dậy thì, chiều cao của con người sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc. Theo các nhà khoa học, ở giai đoạn năm 10 tuổi - 12 tuổi, các bé gái có thể đạt mức tăng trưởng 10cm mỗi năm. Đỉnh của tốc độ phát triển sẽ nằm trong khoảng 12 - 13 tuổi, lúc này, các em có thể cao tối đa 15cm/năm. Sau thời gian này, việc tăng trưởng chiều cao vẫn sẽ tiếp tục, tuy nhiên sẽ có xu hướng giảm dần rõ rệt.
Đối với các bé trai, từ năm 10 - 13 tuổi, mỗi năm các em có thể cao thêm 10cm. Riêng ở cột mốc 13 - 14 tuổi, tức là đỉnh của giai đoạn dậy thì, chiều cao có thể đạt tối đa 15cm/năm. Ngoài ra, thời gian tăng trưởng chiều cao của các bạn nam cũng sẽ kéo dài hơn các bạn nữ từ 2 - 3 năm.
Như vậy có thể thấy, giai đoạn tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển chiều cao tương đối mạnh mẽ. Theo đánh giá, chiều cao ở giai đoạn này chiếm tới 13% chiều cao tổng thể của con người ở tuổi trưởng thành.
Cũng ở độ tuổi này, kích thước xương, khối lượng xương và mật độ chất khoáng ở mỗi xương tăng lên khoảng 4% mỗi năm. Sự tích lũy nhanh chóng về khối lượng xương có liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển chiều cao và có thể cả sự hoạt động của các hormone tăng trưởng như IGF-1, steroid sinh dục và các receptor của các hormone.
Dinh dưỡng là yếu tố quyết định tới 32% chiều cao của một con người. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng nhất trong mục tiêu phát triển chiều cao.
Trên thực tế, hầu hết trẻ em Việt Nam mới sinh đều có chiều dài tương đương với trẻ em sinh ra tại các quốc gia khác trên thế giới (trên 50cm). Tuy nhiên khi bước vào độ tuổi lên 3 tuổi trở lên, khoảng cách chiều cao trở nên cách biệt dần.
Hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành hiện nằm trong nhóm những nước có chiều cao thấp ở châu Á và càng xa hơn các quốc gia châu Âu. Điều này đặt ra vai trò của việc tập trung dinh dưỡng nhằm tăng trưởng chiều cao một cách tối ưu.
Để tăng trưởng đúng theo từng giai đoạn, nhất là ở độ tuổi dậy thì, trẻ em cần được bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iot và kẽm. Ngoài ra, vai trò của hormone GH và các hormone sinh dục cũng cần được chú trọng.
Tuy nhiên ở giai đoạn dậy thì, cha mẹ chưa cần phải quá lo lắng mà sử dụng tới các loại thuốc tăng trưởng. Việc sử dụng các loại thuốc này cần có sự chỉ dẫn, chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa để không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, sự phát triển toàn diện của trẻ.
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa là nguồn thực phẩm chứa nhiều canxi cùng những nhóm dưỡng chất có giá trị dinh dưỡng cao như chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất... Đây đều là những dưỡng chất vô cùng cần thiết để cơ thể trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, trong sữa còn chứa một hàm lượng lớn đường lactose - nhân tố giúp thúc đẩy quá trình hấp thu canxi dễ dàng và hiệu quả hơn.
Vì vậy, cha mẹ có thể lựa chọn các loại sữa hoặc các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai... để cung cấp canxi tối ưu, hỗ trợ trẻ cao vượt trội.
Ở tuổi dậy thì, cha mẹ nên cho trẻ sử dụng từ 500 - 700ml sữa mỗi ngày. Nên sử dụng sữa không đường hoặc ít đường, sữa tách béo để giúp con phát triển tốt hơn, hạn chế nguy cơ béo phì.
Cua đồng
Từ lâu, cua đồng đã được biết đến là một thực phẩm chứa hàm lượng canxi cao cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu. Trong 100 gram cua, các nhà khoa học thu về 120 mg canxi; 12,3 gam chất đạm; 3,3 gam chất béo; 2 gram đường; 430 mg photpho; 4,7 mg sắt; vitamin B1, B2, PP...
Với nguyên liệu là cua đồng, phụ huynh có thể chế biến thành nhiều món ngon hằng ngày cho trẻ như bún riêu cua, bánh đa cua, lẩu cua đồng, canh rau đay, mồng tơi…
Tôm, tép
Trong 100 gam tôm tép có chứa tới trên 70mg canxi. Ngoài ra, loại thuỷ sản này còn rất giàu protein cũng như các dưỡng chất. Đặc biệt, tôm tép rất dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon, do vậy vô cùng phù hợp với lứa tuổi dậy thì.
Khi ăn tôm tép, mẹ nên chọn loại vừa hoặc nhỏ và có thể ăn cả vỏ để tăng cường khả năng hấp thu canxi từ thực phẩm.
Hạt mè (vừng)
Tuy nhỏ bé nhưng vừng lại là loại thực phẩm được khuyến khích sử dụng nhiều trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng chiều cao ở tuổi dậy thì. Trong hạt vừng có chứa hàm lượng lớn các vi chất như đồng, sắt, canxi, magie, phốt pho, kẽm và chất xơ... Nhờ vậy, quá trình tăng trưởng cũng như phát triển toàn diện của trẻ luôn được duy trì.
Với thực phẩm là vừng, mẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn như trộn, muối mè, làm bánh. Mẹ cũng nên sử dụng dầu mè trong các món chiên, xào, salad để tận dụng tối đa công dụng của loại thực phẩm này.
Trứng
Trứng được xem là thực phẩm vàng, “vua" của các loại thực phẩm. Trứng, bao gồm cả trứng gà và trứng vịt đều có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Trong mỗi 100gr trứng, các nhà khoa học tìm thấy 134-146 mg canxi, 13,6 gram chất đạm, 29,8 gam chất béo, 7 mg sắt, 3,7 mg kẽm, vitamin A 960 µg, cholesterol 2.000 mg cùng nhiều vitamin, khoáng chất khác và các loại acid béo không no một hay nhiều nối đôi.
Trong 100 gram lòng đỏ trứng còn chứa 200 UI vitamin D tự nhiên - một trong những thành phần không thể thiếu với sự tăng trưởng của xương trong giai đoạn dậy thì.
Hơn thế nữa, trứng cũng có thể được chế biến thành rất nhiều món ngon khác nhau cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh đừng bỏ qua loại thực phẩm này trong thực đơn tăng trưởng chiều cao của các bé nhé.
Bên cạnh những thực phẩm có lợi thì cũng có rất nhiều loại, nhóm thực phẩm, đồ ăn, thức uống được xem là “kẻ thù" của quá trình tăng trưởng chiều cao. Vì vậy, nếu muốn trẻ đạt được chiều cao lý tưởng ở tuổi dậy thì, cha mẹ cần hạn chế hoặc tránh tuyệt đối những thực phẩm này.
Cụ thể, những thực phẩm gây ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của tuổi dậy thì có thể kể đến bao gồm:
Thực phẩm chứa nhiều đường
Thực phẩm chứa nhiều đường hay đồ ăn ngọt như bánh, kẹo, sữa nhiều đường, trà sữa… là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng tăng cân, béo phì, ảnh hưởng tới sự phát triển của chiều cao.
Việc ăn nhiều đồ ngọt khiến trọng lượng của cơ thể tăng nhanh, gây áp lực lên xương rất nhiều, làm giảm khả năng phát triển của xương và sụn, kìm hãm chiều cao phát triển.
Bên cạnh đó, trẻ trong độ tuổi dậy thì nếu nạp quá nhiều đường có thể khiến cho cơ thể tiết ra một loại hormone gây ức chế lên khung xương, làm cho khung xương chậm phát triển. Vì vậy, nếu bạn muốn đạt được chiều cao vượt trội ở độ tuổi này, hãy hạn chế độ ngọt.
Thực phẩm, đồ ăn nhiều dầu mỡ
Chất béo, dầu mỡ là thành phần cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều chất béo, đồ ăn dầu mỡ thì có thể dẫn tới lượng calo dư thừa trong cơ thể và gây ra béo phì. Đây sẽ là rào cản nghiêm trọng của sự tăng trưởng chiều cao.
Hơn thế nữa, nếu con trẻ ăn quá nhiều chất béo, hàm lượng vitamin D và chất xơ trong thực phẩm sẽ bị mất trong quá trình chế biến thực phẩm, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi trong cơ thể. Bởi vậy, những thực phẩm này cũng cần được loại bỏ khỏi chế độ dinh dưỡng.
Thực phẩm chứa nhiều muối
Việc ăn quá nhiều muốn có thể khiến cơ thể bài tiết nhiều canxi hơn, sẽ gây mất canxi gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng chiều cao của trẻ em.
Ngoài ra, khi ăn nhiều muối, cơ thể chúng ta sẽ bị ứ nước gây phù và huyết áp cao gây ra bệnh tim mạch và tổn thương thận.
Theo khuyến cáo, người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối mỗi ngày. Với các trẻ em ở độ tuổi dậy thì, lượng muối này cần được giảm xuống dưới 3gram mỗi ngày. Giảm muối, giảm mặn là điều cần thiết nếu bạn muốn tăng trưởng chiều cao nhanh chóng.
Đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh như gà rán, hamburger, xúc xích… là những món ăn nhanh, tiện dụng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, đây lại là những món được chế biến chủ yếu bằng phương pháp chiên rán, nhiều dầu mỡ, sử dụng nhiều chất bảo quản.
Điều này sẽ khiến cho hàm lượng dinh dưỡng cần thiết như vitamin D, canxi và chất xơ... bị mất đi. Do đó, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt.
Trên đây là thông tin về những loại thực phẩm giúp hỗ trợ sự phát triển chiều cao vượt trội cho trẻ ở tuổi dậy thì. Bên cạnh dinh dưỡng, cha mẹ cần chú ý cho con luyện tập, vận động thường xuyên, xây dựng môi trường sống lành mạnh để đảm bảo sự phát triển toàn diện.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin