Hợp tác quảng cáo

Xin sữa mẹ cho con, liệu có quá nguy hiểm?

11:44 AM | 27/05/2015 -
Cho con

(SKGĐ) Theo cảnh báo của các bác sĩ chuyên khoa, việc xin sữa từ những bà mẹ không quen biết, không biết rõ họ có mang bệnh tật gì không về cho bé sử dụng là rất nguy hiểm.

Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy tìm hiểu kỹ người cho sữa có bệnh tật gì không trước khi xin sữa về cho con em mình uống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từ xin sữa nuôi con đến ngân hàng sữa mẹ

Vợ mất sau khi sinh con gái được 10 ngày, anh Trình Tuấn (Nguyễn Du, Q.1, Tp.HCM) đã lặn lội khắp nơi xin sữa với hy vọng bé Ủn được bú sữa mẹ hoàn toàn. Ý tưởng về một ngân hàng sữa mẹ dần nhen nhóm ở người bố đơn thân. Câu chuyện về hành trình chăm con của ông bố ấy, dù đã được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng bất kì ai nghe lại cũng không khỏi xúc động. 

Chuỗi ngày “Gà trống nuôi con” của ông bố sinh năm 1984 này bắt đầu từ ngày con gái anh chào đời được 10 ngày tuổi. Vợ anh ra đi đột ngột của vì bị xuất huyết tử cung. Anh đón con về từ bệnh viện khi tang vợ vẫn còn trùm kín không khí gia đình. Anh lóng ngóng thay tã cho con, dỗ dành khi con đói khóc. Nhiều lúc anh bật khóc khi nhìn thấy con khát sữa phải nhét ngón tay cái vào miệng mút.

Thương con, bất kể nắng mưa, xa gần anh lại mang túi trữ sữa đi xin sữa cho con. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, anh dần được tiếp cận với nhiều bà mẹ đang có con nhỏ có thể giúp được bé Ủn đủ sữa bú. Hiện tại, con gái anh đã gần 2 tuổi, bé lớn lên cứng cáp khỏe mạnh nhờ những dòng sữa mẹ mà suốt 18 tháng anh dòng dã đi xin.

Từ những ngày ròng rã đi xin sữa cho con, anh Tuấn đã sáng lập nên Ngân hàng sữa mẹ, tạo thành một mạng lưới liên kết giữa các bà mẹ. Hiện nay, ngân hàng sữa mẹ đã thu hút hơn 9.000 thành viên, và bắt đầu kết nối với hệ thống ngân hàng sữa mẹ của thế giới.

Thực tế, có không ít bà mẹ sau khi sinh, vì mất sữa hay có bệnh không thể cho con bú, đã nhờ tới nguồn sữa của những bà mẹ khác để nuôi dưỡng con trong những ngày đầu đời non nớt. Chia sẻ trên một diễn đàn, một ông bố có nickname Bovy... cho biết, bé nhà anh sinh thiếu những 2 tháng và nặng chỉ 1kg. Sau khi sinh bé lại bị bệnh về mắt. Các bác sĩ cho biết, bé rất cần sữa mẹ để có sức đề kháng.

Tuy nhiên, vợ anh lại bệnh về phổi, khi mang thai đã liên tục phải dùng kháng sinh nên sau đẻ, dù sữa về nhiều, vợ anh cũng không dám cho con bú mà phải vắt bỏ sữa. Chính vì thế ông bố này phải chạy khắp bệnh viện xin sữa cho con. Tuy nhiên, sau 2 tháng ra viện, không còn sữa để xin anh buộc phải tới các diễn đàn trên mạng.

Những chia sẻ của của ông bố này cũng nhận được sự chia sẻ của nhiều bà mẹ tốt bụng ở khắp nơi sẵn sàng san sẻ một phần sữa của con mình cho em bé đáng thương. "Nhờ sự chia sẻ quý giá đó, bé nhà tôi đã lớn dần và phát triển tốt. Hiện bé đã rất cứng cáp và khỏe mạnh. Cảm ơn những dòng sữa ngọt ngào của các mẹ...”, Bovy viết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhân văn nhưng cần cẩn trọng

Không thể phủ nhận lợi ích từ sữa mẹ, tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, việc đăng đàn để xin chữa cho con là việc làm khá nguy hiểm. Bày tỏ quan điểm của mình về thực trạng này, BS. Lê Thị Kim Dung (Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) cho biết, sữa mẹ rất quan trọng với sự phát triển khỏe mạnh và toàn diện của trẻ sơ sinh. Bởi sữa mẹ không những cung cấp dưỡng chất cho trẻ, mà còn bảo vệ bé khỏi nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhờ khả năng miễn dịch từ sữa mẹ. Hiện trên thế giới nhiều nước đã có Ngân hàng sữa mẹ, vì thế, theo bác sĩ Kim Dung việc xin – cho sữa mẹ là việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

Theo bác sĩ Dung, thực tế trước đây việc xin sữa mẹ cho con, với các bà mẹ mất sữa hay không mẹ mất sớm rất phổ biến. Trong quá trình công tác của mình, bác sỹ Dung cũng chứng kiến nhiều cảnh ông bố, bà mẹ bế con đi xin bú nhờ.

“Thực tế, đúng là sữa mẹ có thể lây truyền một số bệnh nguy hiểm như viêm gan B, HIV, bệnh so siêu vi trùng... Ngoài ra, các bà mẹ có những bệnh ở vùng vú như áp xe vú, vú bị viêm mủ cũng không được cho trẻ bú. Trẻ bú ở bên vú bị viêm nhiễm này có thể bị nhiễm khuẩn gây tiêu chảy. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, việc cho - xin sữa mẹ là nghĩa cử đẹp và nếu có Ngân hàng sữa mẹ thì cần khuyến khích nhân rộng”, bác sĩ Dung nói.

Còn theo ý kiến của BS. Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn), việc đi xin sữa từ người khác cho con bú là cực kỳ nguy hiểm bởi rất có thể trong sữa có nhiễm mầm bệnh gây hại cho trẻ. Bởi thực tế, hầu hết các mẹ đều xin sữa từ những mẹ không quen hoặc đăng tin trên các diễn đàn. Những người đó bạn không thể biết được tình trạng sức khỏe họ như thế nào? Có mắc bệnh truyền nhiễm, có đang nghiện hoặc sử dụng loại thuốc nào có thể gây hại cho bé không?

Chính vì thế khi các bậc phụ huynh muốn xin sữa cho con cần tìm hiểu kỹ về sức khoẻ, đặc biệt tình trạng bệnh tật của người cho sữa. Bởi nếu như người cho sữa mà bị HIV, viêm gan B, hóa chất độc hại từ một số ma túy, một số loại thuốc hạn chế, cấm dùng cho phụ nữ giai đoạn có sữa nuôi con thì rất nguy hiểm đến bé. Theo đó, với những người muốn cho sữa, trước khi cho cũng cần phải kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng để tránh những bệnh tật mà làm mất đi ý nghĩa nhân văn của việc làm này.

Bảo quản sữa mẹ vắt ra thế nào?

Nếu sữa mẹ vắt ra không được bảo quản đúng cách thì bé uống vào rất dễ bị tiêu chảy. Vì thế các mẹ cần lưu ý, khi vắt sữa ra các bình chứa hoặc túi để bảo quản chúng ta cần ghi rõ ngày tháng, thời gian bảo quản để khi sử dụng sữa vắt cũ trước, sữa vắt mới sau. Mỗi bình chứa sữa chỉ nên đựng vừa đủ cho một lần ăn của trẻ để tránh lãng phí.

Khi bảo quản sữa nhiệt độ 19-20 độ C, sữa có thể dùng được trong vòng 4 giờ. Với nhiệt độ dưới 4 độ C của ngăn mát tủ lạnh, sữa có thể bảo quản được 3 ngày. Ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh -18 đến -20 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được 6 tháng.

Không nên để sữa ở cánh cửa tủ lạnh vì ở đây nhiệt độ không ổn định nên để sữa ở sâu bên trong tủ. Khi chúng ta đi lấy sữa từ chỗ người khác về thì cần mang theo thùng đựng bảo quản tốt để sữa lúc nào bảo quản trong trạng thái lạnh.

Nhị Hà

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Giảm béo

Dịch vụ

Đăng nhập