Thông thường chúng ta bị bao vây bởi những “hướng dẫn” chưa được kiểm chứng về sức khỏe và khuyến khích rằng: nếu thực hiện chúng mỗi ngày, cơ thể sẽ khỏe mạnh hơn theo thời gian. Thế nhưng, hãy cẩn thận, bởi chúng có thể là thói quen xấu gây hại cho sức khỏe mang lại tác dụng ngược khiến chúng ta có thể mắc bệnh nhanh hơn.
Dưới đây là 6 thói quen xấu gây hại cho sức khỏe, nhưng một số người vẫn tin là tốt và thực hiện chúng mỗi ngày. Soi chiếu xem mình có đang mắc phải không để khắc phục ngay nhé!
1. Ăn nhiều cà rốt vì nghĩ rằng chúng có thể giúp bạn nhìn rõ trong bóng tối
Quả thật, cà rốt rất giàu vitamin A, giúp cải thiện thị lực, nhưng chúng sẽ không làm mắt chúng ta “sáng trưng” khi nhìn trong bóng tối. Đây là một huyền thoại chưa được kiểm chứng nhưng đã được truyền miệng từ những năm 1940 đến bây giờ.
Vì vậy, đừng cố ăn thật nhiều loại củ màu cam này nữa, bởi vì chúng có thể gây ra tình trạng vàng da hay còn gọi là carotenemia. Không chỉ cà rốt, một số loại trái cây và rau quả khác cũng có sắc tố này như đu đủ, bí đỏ… cũng gây ra tình trạng này nếu bạn ăn nhiều.
Ăn nhiều cà rốt không giúp mắt bạn có thể nhìn rõ trong bóng tối. - (Ảnh: Freepik) |
2. Nếu ngày thường thiếu ngủ thì có thể ngủ bù vào cuối tuần
Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nghiên cứu về giấc ngủ đã chỉ ra rằng, ngủ quá ít hoặc quá nhiều mỗi đêm đều có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng miễn dịch và khiến thần trí không tỉnh táo. Không dừng lại ở đó, nếu thường xuyên thiếu ngủ (ngủ ít hơn 6 giờ) hoặc ngủ nhiều (hơn 9 giờ) mỗi đêm có liên quan đến tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác. Điều này cho thấy, việc ngủ ít ngày trong tuần và ngủ bù ngày cuối tuần có thể khiến bạn sớm đối mặt với các nguy cơ bệnh tật hơn mà thôi. Tốt nhất, hãy duy trì giấc ngủ từ 7-8 giờ hàng đêm.
3. Đánh răng sau mỗi bữa ăn
Đánh răng 2 lần/ngày là một thói quen được khuyến khích, nhưng nếu bạn cảm thấy muốn đánh răng sau mỗi lần ăn, hãy suy nghĩ lại. Bạn có thể làm hỏng răng của mình hơn là chăm sóc chúng. Ngoài ra, nếu bạn đã ăn hoặc uống thứ gì đó có tính axit, đừng đánh răng quá sớm, nếu không, bạn có thể đang phá hỏng men răng của mình đó. Tốt nhất, hãy chờ ít nhất 30 phút đến một giờ sau đó mới đánh răng.
Đánh răng ngay sau khi ăn có thể làm mòn men răng. - (Ảnh: Freepik) |
4. Thay thế đường bằng các sản phẩm làm ngọt nhân tạo khác
Tránh ăn đường hoặc các thực phẩm có đường là tốt, nhưng nếu bạn cắt bỏ hoàn toàn và thay thế bằng tất cả các loại chất làm ngọt nhân tạo có thể không phải là quyết định khôn ngoan. Bởi, các nghiên cứu trên động vật đã cho thấy rằng, chất làm ngọt nhân tạo gây tăng cân, u não, ung thư bàng quang và nhiều mối nguy hại cho sức khỏe khác... Bên cạnh đó các tác dụng phụ liên quan đến sức khỏe bao gồm khả năng gây ung thư cũng được ghi nhận ở người. Vì vậy, bên cạnh hạn chế đường, hạn chế luôn những thực phẩm có chất làm ngọt nhân tạo cũng là điều nên làm.
5. Thay vì ăn những thực phẩm tự nhiên, bạn ưu tiên dùng vitamin, thực phẩm chức năng
Nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, uống Vitamin tổng hợp không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, suy giảm nhận thức hoặc tử vong sớm. Họ cũng lưu ý rằng, trong các nghiên cứu trước đây, các chất bổ sung vitamin E và beta-carotene dường như có hại, đặc biệt là ở liều lượng cao.
Bác sĩ Y khoa, Larry Appel, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa, Dịch tễ học và Nghiên cứu Lâm sàng Johns Hopkins Welch (Mỹ) cho biết: “Các loại Vitamin không phải là con đường tắt để có sức khỏe tốt hơn và ngăn ngừa các bệnh mãn tính”. “Các khuyến nghị dinh dưỡng khác có bằng chứng rõ ràng hơn về lợi ích — ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý và giảm lượng chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, natri và đường bạn ăn.”
6. Thay thế các bữa ăn bằng sinh tố
Sinh tố rất ngon, nhưng chúng chủ yếu chứa trái cây, nước và sữa. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, sinh tố không cung cấp cho bạn các chất dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể bạn cần. Không dừng lại ở đó, rất nhiều loại trái cây trong sinh tố có chứa rất nhiều đường, và nếu ăn hết một lúc có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến cơ thể phải giải phóng nhiều insulin để điều chỉnh lượng đường. Ngày qua ngày, việc ăn như thế có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin dẫn đến khởi phát tiểu đường tuýp 2.
Nếu thay các bữa ăn bằng sinh tố, bạn có nguy cơ mắc tiểu đường, bởi thức uống này có thể làm tăng lượng đường trong máu. - (Ảnh: Freepik) |
Mong rằng, nếu đang có những thói quen xấu gây hại cho sức khỏe kể trên, bạn hãy loại bỏ ngay. Đừng vội tin vào những “tin đồn tốt cho sức khỏe” chưa được kiểm chứng mà có ngày rước hại vào thân.
My Lê
Theo Người đưa tin