Hợp tác quảng cáo

Ăn nhiều sữa chua không tốt như bạn tưởng

(SKGĐ) Nhiều người cho rằng sữa chua là loại thuốc vô giá, vừa có thể chữa được bệnh lại giúp chị em trẻ hơn, đẹp hơn… nên ăn sữa chua một cách vô tội vạ. Bạn nên nhớ, mọi thứ đều cần có giới hạn.

Rộ mốt chữa bệnh và làm đẹp bằng sữa chua

Chị Hà Anh (Q.3, Tp.HCM) lúc nào cũng trữ sẵn cả thùng sữa chua trong nhà. Theo quy định, mỗi thành viên trong gia đình chị phải ăn ít nhất 2 hộp sữa chua một ngày. Nếu ai có nhu cầu, có thể ăn thêm, tùy thích vì chị Hà Anh lúc nào cũng cho rằng, sữa chua rất tốt cho sức khỏe.

Những ngày mùa hè nóng bức, đi ở ngoài đường về thì còn gì tuyệt vời hơn một hộp sữa chua mát lạnh… Chưa kể đến vụ, sữa chua có thể giúp giảm cân và là kem dưỡng da hảo hạng, vì thế có ngày chị Hà Anh ăn đến 4, 5 hộp sữa chua mà không biết chán. Đúng là khi ăn sữa chua chị cảm thấy lưng lửng bụng đỡ thèm ăn cơm, da mặt cũng có vẻ mịn màng hơn nên chị thích lắm.

Tuy vậy, dù đã ăn ít đi và duy trì việc ăn nhiều sữa chua nhất có thể chị vẫn không có dấu hiệu giảm cân. Gần đây, cơ thể chị còn có nhiều dấu hiệu khác lạ như mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa… Đúng đợt khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan, chị hỏi luôn bác sĩ về những triệu chứng mà mình mắc phải, bác sĩ giải thích rằng có thể vì chế độ ăn của chị, ăn uống không cân bằng, thiếu dưỡng chất nên dẫn đến cơ thể mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa... Tuy vậy, khi nhận được kết quả xét nghiệm đường máu, mỡ máu, chị Hà Anh té ngửa vì các chỉ số tăng lên đáng kể.

 Lưu ý khi dùng sữa chua

- Không nên ăn sữa chua lúc đói: Khi đói, dịch vị trong dạ dày có độ pH từ 2 trở xuống sẽ làm men lactic trong sữa chua dễ bị huỷ hoại. Tốt nhất chỉ nên sử dụng sữa chua trong vòng 1-2 giờ sau bữa ăn.

- Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt.

- Cần chú ý đến chất lượng khi chọn mua sữa chua, và phải bảo quản ở ngăn mát của tủ đá thay vì ngăn lạnh như nhiều người vẫn tưởng.

Chị rất phân vân, không biết sữa chua có phải là nguyên nhân của chuyện này hay không? Chị không dám ăn nhiều sữa chua như trước, mỗi ngày chỉ ăn một hộp, việc ăn uống được chú trọng hơn, kèm việc đi bộ 1 tiếng mỗi ngày. Đến lần khám sức khỏe định kỳ sau đó, chị Hà Anh rất vui mừng vì các chỉ số đã giảm xuống đáng kể. Hóa ra, cái gì cũng có mặt xấu và mặt tốt, không phải cứ thấy tốt mà ăn uống vô độ, chỉ có hại cho cơ thể.

Sữa chua không giúp bạn giảm cân nếu ăn nhiều

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia): Sữa chua là loại “thuốc quý” giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng, vì nó cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi là lactobacillus Acidophilus và bifido bacterium.

Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng, sữa chua là một món ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sữa chua trong khẩu ăn hàng ngày và không lắng nghe cơ thể, nó có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.

Vì, giống như các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, sữa chua và các sản phẩm từ sữa ngoài việc cung cấp một lượng lớn các dưỡng chất như protein, calci, vitamin B… nó còn cung cấp một lượng chất béo bão hòa không có lợi cho cơ thể.

Ngoài ra, bác sĩ Lâm cũng cảnh báo, sữa chua không có tác dụng giảm cân thần kỳ như chị em vẫn tưởng. Đúng là nó có khả năng tạo ra cảm giác no bụng và nhờ đó chúng ta có thể giảm bớt lượng thức ăn trong bữa ăn sau đó.

Nếu ăn sữa chua ở lượng vừa phải (100-200g/ngày) sữa chua có thể kích thích tiêu hóa giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

Nhưng nếu bạn ăn nhiều hơn lượng sữa chua cơ thể cần, nó không những không giúp bạn giảm cân mà còn khiến bạn tăng cân, thậm chí có thể gây ra tình trạng béo phì bởi ngoài chất béo bão hòa, trong thành phần của sữa chua có chứa đường, khiến lượng đường trong cơ thể tăng quá mức cần thiết.

Có thể khiến bạn mắc bệnh xơ vữa động mạch

Chính vì ngộ nhận cho rằng, sữa chua có khả năng giảm cân nên nhiều người cố gắng ăn thật nhiều sữa chua hằng ngày như chị Hà Anh mà không biết rằng, nó vừa khiến chúng ta béo lên, vừa khiến cơ thể gặp nạn. Vì loại chất béo bão hòa có trong sữa chua có thể dẫn đến cholesterol cao; mà cholesterol và lượng calci có trong sữa chua đều là các thành phần hình thành nên mảng bám gây xơ vữa động mạch, làm nghẽn dòng chảy của máu, hạn chế sự lưu thông tới các bộ phận quan trọng trong cơ thể, dẫn đến bệnh tim mạch…

Vì thế, theo bác sỹ Lâm, dù có thích ăn sữa chua đến đâu, bạn cũng không nên ăn chúng quá nhiều, đặc biệt là ngay sau các bữa ăn bởi sữa chua đã chứa một nhiệt lượng nhất định, nếu bạn ăn ngay sau khi vừa ăn cơm thì đồng nghĩa với việc bạn nạp thêm năng lượng thừa vào cơ thể khiến bạn nhanh chóng tăng cân.

Với người khoẻ mạnh, bình thường, tốt nhất mỗi ngày chỉ ăn từ 1-2 cốc sữa chua (100-200g). Và thời điểm tốt nhất để dùng chúng là sau bữa ăn khoảng 30-60 phút giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn.

Việc chọn lựa sữa chua cũng rất quan trọng, 1 cốc sữa chua làm từ sữa tươi nguyên chất cung cấp cho cơ thể khoảng 5g chất béo bão hòa, nhưng sữa chua làm từ sữa ít béo chỉ cung cấp dưới hơn 2g chất béo bão hòa.

Vì thế, bạn nên chọn sữa chua ít béo, sữa chua không đường hoặc sữa chua có năng lượng thấp. Loại này tuy có mùi vị không thơm ngon bằng sữa chua, không tách béo nhưng sẽ giảm nguy cơ tăng cân, vì không tạo nên nhiệt lượng dư thừa tích tụ trong cơ thể, đồng thời hạn chế chất béo bão hòa, nên không làm tăng lượng cholesterol và đường trong máu.

Nam Anh

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Làm đẹp

Gia đình khỏe

Sống tâm lý