(SKGĐ) Khi các loại thịt và thực phẩm khô khiến người tiêu dùng hoang mang vì hóa chất thì thủy sản dường như là lựa chọn an toàn hơn. Nhưng nếu bạn không biết cách dùng, chúng cũng bẩn không kém.
PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Bộ môn Ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội cho biết, gần đây có nhiều mẫu xét yêu cầu nghiệm gửi đến từ các bệnh viện đều cho kết quả nhiễm ký sinh trùng. Có người thấy cân nặng giảm sút, trên người có các khối u di chuyển, đi qua nhiều bệnh viện mà vẫn không phát hiện ra bệnh gì. Chỉ đến khi xét nghiệm ký sinh trùng mới biết họ bi u cục là vì bị nhiễm sán lá gan nhỏ, có nguồn gốc từ cá. Có người đã điều trị lao phổi 30 năm mới phát hiện ra rằng họ bị nhiễm sán lá phổi từ cua chứ không phải bị lao phổi (trong khi điều trị sán lá phổi chỉ 2-7 ngày).
Trong cá, nhất là cá nước ngọt có thể chứa nhiều loại mầm bệnh ký sinh trùng như bệnh sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ… Tương tự cua cũng dễ nhiễm sán lá phổi, ếch nhái nhiễm ấu trùng sán nhái, ốc trai chứa nhiều giun sán, sán lá ruột, lươn nhiễm ấu trùng giun… Nhưng hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm mới được chú trọng ở tồn dư hóa chất, phụ gia thực phẩm nhóm thực phẩm ô nhiễm vì ký sinh trùng ít được quan tâm. Trong khi đó ký sinh trùng cũng gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng người dùng.
30-40% người dân bị nhiễm
Thông tin từ nghiên cứu của tiến sĩ Đề cho hay, Việt Nam có ít nhất 32 tỉnh có bệnh sán lá gan lưu hành, có những địa phương có tập quá ăn gỏi cá thì 30-40% người dân bị điển hình là Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Yên, Bình Định. Bệnh sán phổi đã phát hiện tại 10 tỉnh miền Bắc, có nơi tỷ lệ mắc tới 15%.
Giết người âm thầm
Phần lớn các bệnh nhân sán lá gan, sán lá ruột đều không thấy biểu hiện bệnh rõ, thường có rối loạn tiêu hóa, nếu bệnh nặng mới có đau tức vùng gan, đôi khi vàng da, nước tiểu vàng. Nhiều bệnh viện và bác sỹ chủ quan không nghĩ tới nguyên nhân ký sinh trùng nên cứ điều trị kéo dài bệnh lao phổi, gan mà không thấy hết triệu chứng. Đến khi phát hiện được chính xác nguyên nhân là ký sinh trùng thì thường bệnh đã sang giai đoạn muộn.
Ăn hôm nay, ảnh hưởng 20 năm sau
Những ấu trùng sán lá gan vào dạ dày rồi lên ống mật ký sinh. Chúng gây kích thích ống mật dẫn tới giãn đường mật. Tình trạng này kéo dài khiến xơ gan và ung thư đường mật, có trường hợp sán lên ống tụy gây u đầu tụy và ung thư tụy. Còn ấu trùng sán lá ruột thì ký sinh ở ruột chiếm dinh dưỡng của người bệnh và gây ra viêm ruột. Sán lá phổi thì sống trong phế quản gây ho ra máu hay tràn dịch mang phổi. Những bệnh này không được điều trị sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, tử vong sớm.
Điều đáng lo ngại là chúng có thể sống tới trên 20 năm trong cơ thể người. Chính vì thế lượng ký sinh trùng có thể tích lũy theo thời gian có thể gây bệnh ngay hoặc ủ bệnh rất lâu.
Bởi vậy để tránh nhiễm ký sinh trùng từ thủy sản, bác sỹ Đề khuyên bạn nên bỏ thói quen ăn các món gỏi thủy sản, hạn chế ăn lẩu, chế biến thủy sản phải chín kỹ, tránh để món ăn đã chế biến gần nguồn nước, hoặc đồ dùng có chạm vào thủy sản sống.
Tường Linh