(SKGĐ) Nếu omega-3 và omega-6 như những ngôi sao nổi bật được nhiều người biết đến thì omega-9 lại rất khiêm nhường. Nhưng có lúc, nếu thiếu omega-9 thì hai “ngôi sao” kia sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Khi omega-3 và omega-6 đánh nhau
Bây giờ, vào quầy thực phẩm ở siêu thị, bạn dễ nhìn thấy các sản phẩm có ghi ngoài nhãn mác là bổ sung omega-3/omega-6. Dầu ăn, sữa, cá hộp, thậm chí mì tôm, kẹo mút cũng có quảng cáo bổ sung các chất này. Đặc biệt omega-3 thường được quảng cáo là chống bệnh tật, tăng thông minh nên nhiều người tiêu dùng rất ham. Nhưng mấy ai biết những thành phần dinh dưỡng này cũng giấu trong mình lưỡi dao thứ hai.
Acid béo omega-3 rất dễ bị ôi và ôxy hóa dưới nhiệt độ và ánh sáng mặt trời làm cho chúng trở nên độc hại. Vì thế nếu bạn dùng dầu omega-3 để nấu ăn hoặc để lâu, bị ảnh hưởng của ánh sáng sẽ gây hại cho cơ thể. Việc dùng thừa omega-6 cũng làm gia tăng sự giữ nước trong cơ thể, kéo theo việc tăng áp suất máu, tăng nguy cơ hiện tượng máu bị đóng cục trong mạch.
Mặt khác việc tiêu thụ acid béo omega-6 và omega-3 phải theo một tỷ lệ tương đối mới phát huy tác dụng tốt. Sự mất cân bằng 2 acid này sẽ gia tăng các yếu tố khiến người dùng bị béo phì và gây ra những hậu quả nghiêm trọng tác động lâu dài đến sức khỏe. Nguyên nhân là trong quá trình thoái biến, hai chất omega-6 và omega-3 đều sử dụng chung một số enzymes, vitamin (B3, B6, C, E) và các chất khoáng magnesium, kẽm. Nếu omega-6 quá nhiều, nó sẽ chiếm lấy hết các enzyme và vitamin cần thiết khiến omega-3 không thể hoạt động một cách hoàn hảo được, nhất là trong việc bảo vệ tim mạch, và còn có thể gây nên cơn đau nhức viêm sưng chẳng hạn như viêm khớp và suyễn.
Cơ quan An toàn Thực phẩm Pháp AFSSA cũng đã nghiên cứu chế độ ăn phương Tây và nhận ra sự mất cân đối trầm trọng giữa các omega. Theo đó lượng acid omega-6 tăng 250% trong khi lượng acid omega-3 giảm xuống 40%. Đó là nguyên nhân gây ra béo phì và theo khuyến cáo của cơ quan này thì tỷ lệ omega-6/omega-3 cung cấp cho cơ thể nên vào khoảng 5/1.
Omega 9 – sự cứu cánh kỳ diệu
Omega 9 (acid oleic) mặc dù không phải là acid béo thiết yếu nhưng nó lại có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của trẻ em, tăng miễn dịch, giảm cholesterol, giảm xơ vữa động mạch. Omega 9 được cơ thể sản xuất ra một lượng nhỏ, khi có sự mất cân đối giữa omega-3 và omega-6 hoặc khi thiếu hụt các acid này. Mặc dù vai trò của omega-9 là không nhỏ nhưng hiện nay rất ít sản phẩm chú trọng đến loại chất béo này. Để tăng cường omega-9 cho cơ thể, bạn có thể bổ sung qua thực phẩm. Các thức ăn chứa nhiều omega 9 bao gồm dầu olive, dầu cải, đậu phộng, dầu cây rum, và các loại dầu hướng dương.
Để giảm sự mất cân đối giữa omega-3 và omega-6, bạn nên hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh. Nguyên nhân thức ăn nhanh được chiên rán qua dầu nên rất dễ dư thừa omea-6 và thiếu omega-3 |
Thanh Thủy
Bài có sử dụng tư vấn của Ths.BS Nguyễn Bạch Đằng
Học viện Quân y