Giấm không chỉ là một gia vị quan trọng trong căn bếp mà còn có nhiều tác dụng như làm đẹp. Cách làm giấm tự nhiên như giấm chuối và giấm táo sẽ giúp các món ăn đậm đà thêm hương vị tự nhiên nhưng vẫn tốt cho sức khỏe cả gia đình.
Giấm vừa dùng để pha nước chấm, trộn salad, làm các món nộm… vừa là một trong những gia vị không thể thiếu khi chế biến món ăn. Ngoài việc mua sẵn giấm từ bên ngoài, chị em có thể tự làm ra giấm. Cách làm giấm tự nhiên từ những nguyên liệu vô cùng dễ tìm giúp phong phú hơn nguồn hương liệu giấm trong căn bếp của bạn.
1. Giấm chuối
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Lọ thủy tinh dung tích khoảng 10 lít, có nắp đậy. Lọ cần được rửa sạch, úp ngược cho khô ráo.
- 1 lít nước dừa tươi.
- Nước lọc đun sôi để nguội.
- 100ml rượu trắng trên 30 độ.
- 5-6 quả chuối sứ, chuối xiêm chín (nặng khoảng 500-700g). Bạn cũng có thể sử dụng các loại chuối quả lớn thông thường.
Giấm chuối thơm ngon dễ làm |
Cách làm:
- Chuối đem lột vỏ, tước chỉ bao quanh quả chuối.
- Cho hỗn hợp gồm nước dừa tươi, chuối, rượu vào lọ thủy tinh. Tiếp theo bạn đổ nước lọc vào, tổng tất cả nguyên liệu chứa trong chiếm khoảng 8/10 thể tích lọ.
Xong xuôi bạn đậy nắp lọ, đặt vào chỗ thoáng mát, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Bạn nên chọn chỗ đặt bình thủy tinh vào nơi không cần sử dụng, trong thời gian làm giấm không xê dịch bình.
Để trong khoảng thời gian 45-60 ngày, tùy thời tiết, bạn sẽ thấy xuất hiện trên mặt hỗn hợp kết một lớp men vi sinh trông như một lớp váng trắng đục, đó là "con giấm". Càng để thời gian lâu, con giấm sẽ càng dày lên và trông trong đục như một con sứa lớn.
Khi xuất hiện con giấm là nước trong bình thủy tinh bắt đầu trở thành giấm chua, càng để lâu càng chua. Trong thời gian này, bạn nên kiểm tra giấm thường xuyên. Khi nếm thử thấy độ chua vừa ý, nhẹ tay chiết lấy giấm ra, khéo léo không để con giấm trôi theo.
Sau khi chiết giấm ra, trong lọ vẫn còn xác chuối và con giấm trong lọ. Bạn lại tiếp tục làm mẻ giấm tiếp theo. Bạn hòa tan 1 bát đường cát trắng với 6 bát nước lọc, cho vào lọ giấm, thêm nước trắng cho đến khi đầy 8/10 lọ. Do trong bình đã có sẵn con giấm nên thời gian nước đường thành giấm sẽ nhanh hơn lần đầu tiên. Khi giấm đã chua đạt yêu cầu, lại chiết ra rồi thêm nước đường vào theo công thức trên.
Khi lớp con giấm đã nhiều lên, bạn có thể san bớt ra các lọ thủy tinh khác và tiếp tục làm những bình giấm mới theo công thức nước đường ở trên. Giấm sau khi chiết ra, bạn lọc lại bằng túi vải thưa. Bạn có thể đem dùng được ngay. Nếu dùng không hết hoặc muốn để dành, bạn đun sôi giấm lại, để nguội, cho vào chai đậy kín. Vì nếu không đun sôi, giấm trong chai sẽ tiếp tục kết màng thành con giấm, giấm sẽ chua hơn và sẽ không giữ vị chua theo ý muốn của bạn.
Sau khi nhân giống được khoảng 3 lọ giấm, bạn có thể vớt bỏ xác chuối ở lọ làm lần đầu. Bạn có thể thay thế chuối bằng dứa chín cũng đem lại hương vị rất thơm, dùng dứa thì giấm sẽ có màu vàng hơn.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 3kg táo mèo.
- Lọ thủy tinh to có thể chứa được hết 3kg táo, đem rửa sạch, úp ngược cho khô.
- Đường.
- 2 chai giấm gạo.
- Vật nặng để chèn táo, rửa sạch, để khô.
Giấm làm từ táo mèo rất thơm |
Cách làm:
- Táo mèo mang đi rửa sạch, loại bỏ quả hỏng, dập, ngâm với nước muối loãng khoảng 30 phút để loại bỏ bớt độc tố (nếu có).
- Tráng táo qua một lần nước đun sôi. Bạn chuẩn bị một nồi nước sôi, đổ ra chậu, đổ táo vào rồi đảo đều rồi vớt táo ra để ráo nước. Thao tác này bạn nên làm nhanh, vì nếu để lâu vỏ táo sẽ đổi màu và chảy mật.
- Táo được thái thành những lát vừa, lưu ý để cả hạt. Bạn chỉ cần loại bỏ cuống và phần vỏ dưới cuống của quả táo. Đây là phần chứa nhiều bụi bẩn và khó rửa sạch
- Đem táo cho vào lọ thủy tinh khô ráo chuẩn bị trước. Xếp một lớp táo thì lại đổ một lớp đường. Sau khi xếp hết táo vào trong lọ, tiếp tục đổ 2 chai giấm gạo loại ngon vào sao cho ngập hết phần táo là được.
- Lấy vật nặng chèn lên, đảm bảo táo luôn ngập trong nước.Vì để táo nổi lên sẽ thâm và không ngon nữa.
- Bạn dùng miếng khăn sạch đậy lên nắp lọ thủy tinh để tránh bụi bẩn, không nên đậy kín nắp vì cần phải để không khí cho quá trình trao đổi oxy của lọ giấm táo xảy ra trong khoảng 2 tuần. Sau 2 tuần đó bạn có thể đậy nắp lọ giấm lại được.
- Ngâm như vậy sau khoảng 1 tháng là có thể dùng được. Bạn sẽ có một lọ giấm táo vô cùng thơm ngon và bổ dưỡng. Nếu có váng nổi lên trên bề mặt, bạn chỉ cần vớt bỏ lớp váng đó là có thể sử dụng được bình thường.
Giấm táo nếu được dùng để trộn salad sẽ rất ngon.
Cách làm giấm tự nhiên giúp các bà nội trợ làm phong phú thêm các gia vị trong căn bếp của mình. Và chắc chắn các thành viên trong gia đình sẽ vô cùng thích thú và hài lòng về những lọ giấm mang hương vị thiên nhiên thơm ngon mà bạn làm ra. Chúc các bạn thành công.
Khuyên Vũ
Theo Tạp chí Sống Khỏe