Theo BS. Nguyễn Huy Cường- chuyên gia nội tiết ở Hà Nội cho biết, người bị tiểu đường hoàn toàn có thể ăn được bánh nướng, bánh dẻo với một chút 'tiểu xảo' sau đây.
Bánh trung thu có dinh dưỡng gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn của một người trưởng thành chỉ khoảng 2.000 calo/ngày, trong khi lượng calo của một chiếc bánh trung thu đã chiếm đến gần nửa số đó.
Bánh trung thu về cơ bản vẫn có những đặc điểm chung là nhiều tinh bột, nhiều đường, cộng với nhân lại nhiều chất béo nên năng lượng rất cao và sẽ làm cho đường huyết người tiểu đường tăng cao sau ăn".
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn... Vỏ của các loại bánh Trung thu cũng rất đa dạng tùy thuộc loại bánh truyền thống, bánh hiện đại hay một vài thương hiệu chuyên sản xuất khác,...
Cũng giống như vỏ bánh mà nhân bánh cũng đa dạng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen, trứng muối... đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường...
Do đó, bánh Trung thu không chỉ có độ béo và ngọt rất cao mà còn chứa nhiều năng lượng. Vì vậy, việc sử dụng bánh Trung thu nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và gia đình, đặc biệt với những người thừa cân-béo phì, đái tháo đường, tim mạch, cũng như các bệnh mạn tính khác.
Phân tích thành phần dinh dưỡng của 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170 gam, nó cung cấp 566 kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176 g chứa 648 Kcal. Theo đó, ăn một chiếc bánh loại này năng lượng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò.
Còn trong một chiếc bánh nướng 176 g thập cẩm cung cấp 706 kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; 1 chiếc bánh nướng đậu xanh 1 trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid.
Lượng bột đường của 1 chiếc bánh dẻo hoặc 1 bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (1 bát cơm 258g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Đáng lưu ý, người gầy thường không thích ăn đồ ngọt và béo, nhưng với nhiều người béo phì nhất là trẻ em thì hoàn toàn ngược lại nên ăn bánh làm sao để đảm bảo sức khoẻ mà vẫn thưởng thức trọn vẹn hương vị của mùa trung thu.
Khi ăn bánh trung thu với người khoẻ mạnh bình thường có thể ăn 1/4 cái, còn với trẻ nhỏ có thể cho trẻ ăn 1/8 chiếc bánh và nên sau bữa ăn là tốt nhất để tránh đầy bụng cũng như các rối loạn chuyển hoá.
Ăn như thế nào cho an toàn?
Còn BS. Nguyễn Huy Cường chia sẻ, trước và sau mùa trung thu hầu như lúc nào ông cũng nhận được phàn nàn, chia sẻ từ bệnh nhân về việc ăn bánh trung thu, ăn như thế nào, có nên ăn hay không. Bác sĩ Cường cho biết bánh trung thu là linh hồn của mùa trung thu vì thế không cần nói không với nó mà bất cứ ai cũng ăn được.
Bác sĩ Cường mách một vài "tiểu xảo" để bệnh nhân bị rối loạn chuyển hoá đặc biệt đái tháo đường ăn được bánh trung thu mà không "lo ngay ngáy" đường huyết tăng cao.
1. Vận động nhiều hơn.
2. Giảm cơm và thức ăn tương đương.
Nếu dùng phương pháp vận động để tiêu thụ lượng calo sau khi ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng, bánh dẻo bạn cần phải vận động thêm so với mọi ngày:
- Lau nhà 1 giờ
- Đi bộ chậm 45 phút,
- Đi bộ nhanh chừng 35 phút
- Đi xe đạp 25 phút, hoặc
- Bơi 25 phút
Nếu lỡ ăn 1/2 chiếc thì gấp đôi thời gian vận động trên.
Nếu không chọn phương pháp tăng vận động. Bạn có thể giảm bớt lượng thức ăn thường quy. Ví dụ:
- Ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng: bớt đi 1/3 bát cơm và 30gr thịt nửa nạc, nửa mỡ.
- Ăn thêm 1/4 chiếc bánh dẻo: bớt đi 1/3 bát cơm và 30gr thịt nạc.
Để hiệu chỉnh chính xác hơn lượng ăn thêm/bớt, bạn cần đo đường máu sau khi ăn 1-2 giờ. Nếu chí số < 11mmol/l hoặc < 200mg/dl. Bạn yên tâm ăn như vậy.
Nếu chỉ số đường máu cao hơn những tiêu chí trên, bạn bớt thêm chút cơm + thức ăn hoặc vận động thêm chút.
Hoài Nguyễn (T/H)
Theo tạp chí Sống Khỏe