(SKGĐ) Cùng với việc tỉ lệ người bệnh ung thư ngày càng tăng cao, thì một trong những vấn đề khiến các chuyên gia trong ngành lo ngại trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ung thư là tình trạng chán ăn, sụt cân ở nhóm bệnh nhân này.
Chán ăn, sụt cân làm suy kiệt sức khỏe nhanh chóng
Theo một con số thống kê GS.BS Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam) đề cập trong một số tài liệu là 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi tử vong do khối u ung thư. Còn theo một số nghiên cứu trên thế giới thì người bệnh chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống.
Trong khi đó, chán ăn, sụt cân lại là tình trạng phổ biến ở bệnh nhân ung thư, nhất là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Đánh giá về vai trò của dinh dưỡng đối với bệnh nhân ung thư, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Dinh dưỡng giúp bệnh nhân ung thư nâng cao thể trạng, ngăn ngừa được suy dinh dưỡng. Trong quá trình điều trị ung thư nếu dinh dưỡng tốt cũng giúp nguy cơ suy dinh dưỡng giảm đi, như vậy dinh dưỡng cũng giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, kéo dài đời sống cho bệnh nhân tốt hơn. Khi thể trạng tốt, thì nguy cơ mắc các bệnh kèm theo sẽ ít đi, thời gian nằm viện cũng giảm xuống, điều đó cũng góp phần chống quá tải bệnh viện.
Ăn sao cho đúng?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm cho rằng: Bệnh nhân ung thư có tỉ lệ suy dinh dưỡng khá cao, vì ngoài vấn đề bệnh tật của khối u ra thì việc tiêm và truyền hóa chất trong mỗi lần điều trị cũng làm cho bệnh nhân chán ăn.
Do đó, chế độ ăn cần xây dựng cho người bệnh ung thư là chế độ ăn bồi bổ, tăng cường năng năng lượng. Do đó, những loại thực phẩm giàu năng lượng, giàu đạm, giàu acid béo thiết yếu như omega-3 nên có đủ trong chế độ ăn. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa như beta-carotene, lycopene, vitamin C, E cũng cần được cung cấp đầy đủ.
Cần xây dựng chế độ ăn mềm, ăn lỏng cho bệnh nhân ung thư. Ví dụ như cho người bệnh ăn dạng súp, mì, phở, có thể dùng sữa chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư, nên thường xuyên thay đổi khẩu vị, thay đổi món ăn để tránh tình trạng chán ăn cho bệnh nhân.
Chế độ ăn của người bệnh vẫn nên cân bằng các dưỡng chất, do ở người bệnh là chế độ bồi dưỡng nên có thể cho bệnh nhân ăn thêm chất đạm. Ví dụ ở người bình thường có thể cần lượng chất đạm trong chế độ ăn là khoảng 1g chất đạm với 1kg cân nặng, thì ở người bệnh ung thư có thể ăn tăng thêm khoảng 1,2-1,4g chất đạm với 1kg cân nặng.
Nên cho người bệnh ăn chế độ ăn nâng cao hệ miễn dịch để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Chế độ ăn đầy đủ các vitamin, khoáng chất, chất đạm… sẽ đáp ứng được yêu cầu này.
Người bệnh cũng nên ăn nhiều hoa quả, nhất là các loại hoa quả giàu beta-carotene, lycopene như xoài, dưa hấu, chuối…
Về nước uống, người bệnh ung thư có thể dùng các loại nước uống từ các thảo dược thiên nhiên như các vị thuốc dân gian, các vị thuốc nam, có thể kể đến như nấm linh chi…
Đồng thời, người bệnh cũng có thể dùng một số thực phẩm chức năng để bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ chữa bệnh. Chú ý là khi chọn sản phẩm để sử dụng bạn nên chọn những sản phẩm có những bằng chứng khoa học có tác dụng đối với bệnh nhân ung thư, nên dùng các sản phẩm giàu chất ôxy hóa, chất ức chế phát triển khối u… Những sản phẩm này sẽ giúp hỗ trợ điều trị để người bệnh nâng cao sức đề kháng, nâng cao miễn dịch, hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Chú ý: Bệnh nhân ung thư nên tránh các chất béo bão hòa như thịt, những thực phẩm nướng rán vì tránh vì chất béo trong những thực phẩm này rất khó tiêu, đồng thời những thực phẩm này cũng được chứng minh là làm gia tăng nguy cơ bệnh ung thư. |
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)