Đặc trưng của thuốc Đông y là dùng các loại thảo dược có nguồn gốc thiên nhiên để bào chế thuốc chữa bệnh. Do đó, khi dùng thuốc Đông y, chế độ ăn uống cũng cần được kiêng khem nhất định để trách sự tác dụng lẫn nhau giữa các loại thảo dược và thực phẩm.
Trong thuốc Đông y, mỗi vị thuốc khác nhau lại đặc trưng bởi tính và vị khác nhau. Mỗi vị thuốc khác nhau lại có những khuynh hướng tác dụng khác nhau từ đó mà tạo ra công năng chữa bệnh khác nhau của từng vị thuốc. Những tác động này liên quan đến quá trình hấp thu phân bổ thuốc làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc.
Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc Đông y, việc tiếp nhận các nguồn thực phẩm khác trong bữa ăn hằng ngày cũng cần được chú trọng, cân nhắc để tránh sự tác động không mong muốn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh của thuốc.
Dưới đây là một số lưu ý về kiêng khem trong ăn uống khi dùng thuốc Đông y mà bạn nên biết:
Nếu bạn đang trong quá trình điều trị các loại bệnh liên quan đến thanh nhiệt, giải độc như dùng các loại thuốc điều trị các chứng dị ứng, ban chẩn, lọc gan... thì nên tránh ăn các loại hải sản như cua, cá biển, sò, ngao, nhộng, lòng trắng trứng... vì đây đều là những loại thực phẩm chứa nhiều loại protein lạ. Mà theo Đông y, các loại protein lạ có trong hải sản và lòng trắng trứng chính là các dị nguyên làm tăng nguy cơ mắc dị ứng khi kết hợp với một số loại thuốc.
Không nên ăn hải sản khi uống thuốc thanh nhiệt, giải độc |
Thịt gà và nhất là phần da gà rất dễ gây phong ngứa trong khi đó kinh giới là thuốc chữa dị ứng. Vì vậy, nếu dùng cả 2 cùng lúc sẽ không có tác dụng chữa bệnh.
Một số món ăn có chứa các chất mang tính kích thích có vị cay, nóng như: rượu, ớt, hạt tiêu,... đều được cảnh báo là không nên sử dụng trong quá trình sử dụng thuốc thanh nhiệt, an thần vì những món ăn này sẽ làm cho tâm trạng người bệnh cảm tháy bị kích thích, bức bối, khó chịu không mang lại tác dụng an thần, giải nhiệt.
Trong thành phần thuốc giải cảm chữa các chất có tác dụng phát tán, phát hãn, giải biểu. Ngược lại, những đồ ăn có vị cay, nóng lại có tác dụng khiến thuốc không phát huy được tác dụng.
Các loại thuốc ôn lý trừ hàn hay thuốc tân ôn giải biểu có tác dụng làm ấm, giữ nhiệt cơ thể. Trong khi các loại thức ăn tanh, lạnh như cua, ốc, thịt trâu, ba ba, rau sống, rau giền, mùng tơi... đều là những loại thức ăn có tính hàn. 2 loại này khi kết hợp với nhau thì trong Đông y thường gọi là “hàn tà khó giải”.
Thuốc tiêu đạo có tác dụng kích thích tiêu hóa, bổ dạ dày, kiện tỳ, tiêu thực đặc biệt là có tác dụng chữa bệnh cam trẻ em. Tuy nhiên, khi uống thuốc tiêu đạo kết hợp với các loại thức ăn quá nhiều dầu mỡ khó tiêu sẽ gây nên sự nê trệ, làm cho quá trình hấp thu của hệ tràng vị vốn đã kém lại càng gặp khó khăn hơn.
Không ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ, khó tiêu trong khi đang sử dụng thuốc tiêu đạo |
Hành sẽ làm mất mùi thơm và vị ngọt của mật ong. Ngoài ra hành còn làm hạn chế tác dụng nhuận bổ của mật ong và gây ra những tương tác bất lợi khi kết hợp hành và mật ong với nhau.
Khi ăn chuối tiêu trong lúc đang dùng những loại thuốc có tác dụng thanh phế trừ đàm sẽ gây ra rối loạn tiêu hóa như là một loại tác dụng phụ không mong muốn khi kết hợp 2 thứ này lại với nhau.
Quỳnh Như
Theo Tạp chí Sống Khỏe