(SKGĐ) Mang tiếng là phần phụ trong ẩm thực nhưng nếu thiếu chúng, bạn sẽ chẳng thể hình thành nên món ăn hoàn hảo.
Ảnh minh họa |
1. Phụ gia thực phẩm
Phụ gia là các chất giúp cho thực phẩm thêm ngon, tươi, giữ được lâu, trông đẹp mắt. Phụ gia cũng có thể thay đổi tính chất của thực phẩm. Chúng có thể tổng hợp từ phòng thí nghiệm, cũng có thể lấy ra từ thực phẩm với đủ vị cay, chua, ngọt, mặn…
Tại Mỹ có khoảng 2.500 phụ gia được cơ quan Thực dược phẩm chấp nhận. Chính vì thế không nên nghĩ phụ gia hoàn toàn là xấu. Chúng có thể bổ sung thêm dinh dưỡng cho thực phẩm, tăng cường hương vị cho bữa ăn. Phụ gia ở Việt Nam thường xuất hiện trong các thực phẩm đã chế biến, còn với bà nội trợ thì phụ gia chủ yếu vẫn là mì chính, bột màu.
Một số lưu ý khi với phụ gia:
Bột ngọt: Đây là phụ gia được sử dụng rất phổ biến trong các món ăn. Thực chất bột ngọt là một dạng axit amin lấy từ thảo mộc. Tuy nhiên, một số người lại có hiện tượng dị ứng bột ngọt. Thời gian qua cũng có một số thí nghiệm cho thấy bột ngọt có tác động nhất định lên não bộ của chuột nên có những nghi ngại rằng chúng không tốt cho trẻ nhỏ và cả người lớn nếu dùng nhiều. Do đó, dù các chuyên gia dinh dưỡng không hề khuyên bạn ngưng sử dụng mì chính nhưng đừng nên lạm dụng.
Hàn the: Đây mới thực là phụ gia đáng cảnh báo nhất và chúng cũng dễ được sử dụng để bảo quản thực phẩm và làm cho chúng thêm ngon giòn, giữ màu sắc tươi. Chúng có thể gây ngộ độc nặng: 15g thì gây ngộ độc cho người lớn, 1g gây ngộ độc cho trẻ em. Bằng cảm quan rất khó nhận biết thực phẩm chứa hàn the vì thế bạn nên cảnh giác với những phẩm thường sử dụng hàn the: nem chua, giò chả, lạp xưởng, dưa chua… khi chúng có màu sắc quá “chuẩn”.
2. Hành tỏi
Không thể gọi là món ăn ngon của người Việt nếu thiếu hành tỏi. Nhưng nhiều người lại quá tham lam, ướp nhiều hoặc nêm nếm nhiều khiến mất mùi vị thực phẩm. Do đó không thể lạm dụng chúng. Hành tỏi còn có tác dụng với sức khỏe, đặc biệt chúng là phụ trợ trong việc kháng khuẩn, trợ tiêu hóa nhưng có thể dùng riêng, sau bữa ăn.
Hành tỏi được tiêu thụ nhiều nên các lái buôn cũng thi nhau trưng ra các sản phẩm trông to, bóng, ngon. Tuy nhiên, bạn nên chú ý “truy” nguồn gốc xuất xứ của chúng. Những tép tỏi to, những nhánh hành mọng, vỏ bóng có thể xuất xứ từ Trung Quốc, chúng thường không thơm ngon như những củ nhỏ.
Một lưu ý khi dùng hành tỏi phi dầu mỡ là đừng bóc trắng, hãy để lại lớp vỏ trong cùng để giữ mùi thơm.
3. Gia vị tổng hợp, gia vị khô
Gói nấu lẩu, nước xốt ướp thực phẩm… vừa tiện lợi thay thế được nhiều công đoạn chọn mua, chế biến, căn chỉnh từ gia vị tươi sống. Những loại này rất dễ nhầm lẫn hàng giả, dùng phụ gia lừa miệng và không tốt cho sức khỏe.
Đồng thời, nhiều gia đình ngại bảo quản gia vị tươi nên chọn mua các loại hộp sả, hẹ, hành, mùi… khô. Chúng được giới thiệu là làm từ các lá gia vị phơi khô. Nhưng cẩn thận, có thể chúng có phụ gia hương vị và chất bảo quản.
4. Nấm đông cô
Nấm đông cô (nấm hương) cũng thường thấy trong ngày Tết để tăng thêm hương vị các món ăn. Nấm đông cô có tác dụng điều hòa khí huyết, tăng cường hệ miễn dịch, trợ tiêu hóa nên là gia vị tốt.
Nên chọn nấm có màu vàng nâu, có lớp bụi phấn phủ ngoài. Chọn những cây nấm chắc, không đứt gẫy. Nấm ngâm trong nước nở ra nhưng vẫn dai mới là nấm ngon.
5. Táo đỏ
Hay còn gọi táo Tàu, là một vị thuốc trong Đông y nhưng ngày Tết nhiều nhà mua chúng về làm gia vị trong các món lẩu, hầm gà, canh gà. Táo Tàu giàu dinh dưỡng có tác dụng bổ gan, hạ huyết áp, an thần, giải đờm, giảm ho. Chợ Tết cũng xuất hiện nhiều sản phẩm Táo đỏ. Nên chọn những tái táo màu đỏ, đen ánh tía, vỏ nhăn nheo. Sờ vào táo thấy dai, dẻo, khi nấu không vỡ nát là táo ngon. Tránh những quả có lấm tấm, lỗ chỗ thủng trên vỏ vì rất dễ sinh ròi, chua.
Để an toàn, tránh hàng giả, bạn có thể mua chúng ở các hiệu thuốc Đông y.
6. Hạt tiêu
Bánh chưng, canh măng, nộm, mọc… là những món khó thiếu được tiêu. Tiêu vừa thơm vừa giữ ấm và giúp ngon miệng. Nhưng rất nhiều người mua và dùng tiêu chưa đúng cách.
Tiêu có hai loại: Tiêu trắng và tiêu đen. Tiêu trắng thì ít thơm hơn nhưng cay đậm. Tiêu đen vị đậm đà hơn. Tiêu bột giúp bạn không phải xay nhưng cũng rất dễ bị trộn phải vỏ đỗ hoặc những hạt tiêu lép, nhiều vỏ khiến chất lượng kém. Vì vậy tốt nhất bạn nên mua tiêu hạt. Tiêu bột để lâu sẽ bớt thơm nên bạn xay ít một. Tinh dầu thơm của chúng cũng rất dễ bị bay trong khi nấu nóng.
Do vậy, khi dùng tiêu nên rắc vào món ăn sau khi tắt bếp. Đặc biệt không nên cho tiêu vào xào, rán sẽ sinh cháy đắng.
7. Gia vị lá tươi
Rau răm, ngò, mùi tàu, húng, cần tây, tỏi tây, cũng là hương vị cơ bản cho tiết trời se lạnh đầu xuân. Nhưng cuối năm, để tăng cường sản lượng, nhiều người sản xuất có thể tưới phân tăng trưởng khiến những loại cây lớn nhanh, lá dài và ít hương vị.
Do vậy để chọn chúng, bạn không nên ham loại lá quá non, mượt và mềm, cũng không ham cây to. Hãy chọn những cây nhỏ, màu đậm, thân chắc. Khi mua, bạn có thể khéo léo bấm vào lá, cọng, nếu thấy chúng dễ nát thì nên tránh.
8. Đừng bỏ vỏ gừng
Bát nước chấm ngày Tết mà thiếu chút gừng thì chưa thể đủ vị của nước chấm Việt Nam. Nhiều món xào như lợn, bò… hay món chè lam, chè khô cũng không thể thiếu gừng. Gừng vừa giúp món ăn ngon lại tránh sình bụng, lạnh bụng.
Nên chọn những củ gừng vỏ màu trắng đậm, những củ nhìn mỡ màng, vỏ mỏng, trắng trong trong thường là gừng non hoặc gừng lai, ít thơm, ít cay. Khi sử dụng tránh bỏ vỏ vì hương thơm và tác dụng y học nằm trong lớp vỏ đó. Do vậy chỉ nên rửa sạch. Nếu muốn gừng thơm hơn, bạn có thể nướng qua trên lửa trước khi dùng.
Gừng để ngoài rất dễ khô hoặc mốc xanh. Muốn bảo quản chúng bạn có thể buộc chặt trong túi nilong và treo cao. Tránh những củ gừng đã móp, có mốc vì chúng sản sinh ra lưu huỳnh, chất độc cho cơ thể.
Như Bình