(SKGĐ) Vì có tủ lạnh nên nhiều người chất đống thức ăn lại mà không biết rằng chiếc tủ không đủ sức giúp gia đình bạn an toàn.
![]() |
Ngộ độc vì tủ lạnh
Lâu nay người ta vẫn thường nghe cảnh báo từ những thức ăn đường phố, những nguy cơ về các loại thức ăn không an toàn ngoài chợ. Nhưng sự thật là, ngay việc ngộ độc thực phẩm ngay trong nhà cũng không ít. Đó là ngộ độc do nhiễm khuẩn ở tủ lạnh.
Theo Giáo sư Humphrey của Viện Nhiễm trùng và Sức khỏe toàn cầu ở Đại học Liverpool, Anh: Thực phẩm đông lạnh làm chậm tốc độ sinh sôi của vi khuẩn nên chúng ta có thể dự trữ trong vài ngày thay vì chỉ vài giờ ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, một số vi khuẩn không ngừng sinh sôi trong tủ lạnh nên có thể là nguồn gây ngộ độc thực phẩm. Chẳng hạn, khuẩn listeria (gây các triệu chứng giống bệnh cảm, nặng hơn là bệnh nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não) có thể phát triển ở nhiệt độ từ -1 độ C đến 4 độ C và thường tồn tại trong các thực phẩm như thịt, cá...
Chính vì thế nếu dùng tủ lạnh, bạn cần để tách riêng thực phẩm chín và sống. Khi để ngăn đông đá thì để từng gói nhỏ tránh hiện tượng giã đông rồi cấp đông lại. Đồng thời, bạn cần vệ sinh tủ lạnh hàng tuần để tránh vi khuẩn tích tụ.
Bảo quản không tủ lạnh
Đối với thực phẩm sống
Cách bảo quản thực phẩm thủ công truyền thống là hun khói, sấy khô, ướp muối… Để sấy khô, thịt có thể được ướp muối gia vị, thái mỏng để trên giá, treo gác bếp hoặc sấy khô. Nhiệt độ lý tưởng cho sấy khô là 50-60 độ C. Nếu phơi cá ngoài nắng cần được che phủ để tránh ruồi bọ hoặc vi khuẩn xâm nhập. Sau đó, cần để ở nơi thoáng mát, khô và không có ánh sáng.
Hun khói ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vì lớp ngoài của thịt, cá được phủ bởi một lớp mỏng formaldehyd hoặc phenol. Muối có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Thực phẩm có thể được ướp khô hoặc ướt tùy theo chất ướp lỏng hay đặc.
Đối với rau, củ, quả, muốn bảo quản lâu thì không nên rửa, chỉ cần nhặt bỏ lá sâu, các loại lá dập lát, cắt bỏ phần dễ, bảo quản nơi thoáng mát là đủ. Bạn cũng có thể bọc chúng vào giấy báo rồi treo lên cao.
Đối với thức ăn chín
Đối với các loại giò chả: Để bảo quản được tốt, nên bỏ các loại vỏ gói bên ngoài, tránh để thức ăn có hiện tượng đổ mồ hôi. Nên đậy thức ăn bằng rổ thoáng mát. Tốt nhất nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày. Nên buộc lại nếu chưa kịp ăn.
Đối với các loại đồ kho: Nấu kỹ, để ở một nơi cố định, tránh lắc mạnh. Có thể bảo quản bằng việc cho vào nồi nước lớn hơn, tránh nước tràn vào. Đậy bằng vung đất là tốt nhất. Nước trong nồi lớn sẽ bốc hơi lên vung, làm tỏa hơi mát xuống nồi thức ăn bên dưới. Như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn.
Trần Nguyễn