Nước rất cần thiết cho sự sống của mỗi chúng ta, tuy nhiên, uống nước sai cách lại khiến cơ thể gặp nhiều rắc rối.
Sau chuyến đi công tác Nam Phi về, chị Thúy Hà (Tp.MCM) luôn thấy chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Nghĩ mình bị kiệt sức vì công việc quá nhiều, chị quyết định dành một ngày nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần và sức khỏe, thế nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Ngay khi thăm khám, bác sĩ nhận định: cơ thể chị có dấu hiệu bị phù nhẹ, thân nhiệt thấp hơn bình thường; thực hiện xét nghiệm máu thấy máu loãng, nồng độ Natri giảm. Kết quả này chứng tỏ chị đã uống quá nhiều nước trong một thời gian dài. Đến lúc này, chị Hà mới giật mình vì đúng là trong thời gian công tác, nhiệt độ ở Nam Phi lúc nào cũng trên 40 độ, nắng gay gắt nên chị thường xuyên uống nước. Có ngày ước tính phải hết cả chục chai lavie nửa lít.
Khác với chị Hà, chị Minh Anh lại đi khám bệnh trong tình trạng những cơn đau thắt ngực hành hạ. Lúc đầu, những cơn đau này chỉ thoáng qua, song càng này, nó xuất hiện càng nhiều, ngay cả trong giấc ngủ khiến sức khỏe và tinh thần của chị xuống dốc nghiêm trọng. Sau quá trình thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra toàn diện, chị nhận được kết luận: có dấu hiệu suy tim mà nguyên nhân là do uống nước… sai cách. Theo lý giải của bác sĩ, cách uống nước ừng ực, liền lúc hết cả chai đầy như chị vẫn làm chính là nguyên nhân khiến tim lãnh hậu quả.
![]() |
Ảnh minh họa |
Sai một ly, đi một mạng
Không chỉ có chị Hà hay chị Minh Anh gặp rắc rối với cách uống nước sai nguyên tắc mà rất nhiều người khác cũng đang gặp họa vì thói quen không khoa học này.
Thực tế, uống nước là việc ai cũng có thể làm được song uống nước đúng cách thì không phải ai cũng biết. Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước không cung cấp năng lượng nhưng lại rất quan trọng cho việc duy trì sự sống.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 70% trọng lượng cơ thể của chúng ta là nước. Vì thế, để duy trì sức khỏe, mỗi người cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Con số này có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút tùy vào thể trạng mỗi người. Song nếu uống quá nhiều nước sẽ gây loãng máu, mất chất điện giải khiến cơ thể mệt mỏi, phù thũng…, thậm chí là tử vong khi không được cứu chữa kịp thời.
Ngược lại, uống ít nước, đặc biệt là vào mùa nóng, sẽ làm làn da kém sức sống, thân nhiệt dễ bị rối loạn do không có nước để tản nhiệt… Không chỉ vậy, khi thiếu nước, thận sẽ hoạt động chập chờn làm cơ thể dễ nhiễm độc, nhiễm trùng máu… Đặc biệt, khi thiếu 20% nước, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Do đó, để phòng tránh tình trạng này, nên uống nước ngay cả khi bạn không thấy khát.
Các chuyên gia cho rằng, muốn biết cơ thể đang thiếu hay thừa nước, cách đơn giản nhất là quan sát màu nước tiểu. Theo đó, nếu nước tiểu có màu vàng đậm nghĩa là cơ thể đang cần thêm nước, còn nếu nước tiểu màu trắng trong cộng với việc thường xuyên đi tiểu thì bạn nên hạn chế việc uống nước. Tất nhiên, những dấu hiệu này chỉ dự báo chuẩn xác với một cơ thể đang khỏe mạnh.
Không chỉ uống quá ít hay quá nhiều nước mới gây hại mà theo TS Lâm, uống nước ừng ực cũng khiến cơ thể, đặc biệt là thận, tim chịu nhiều áp lực. Đặc biệt, khi vừa làm việc nặng, mao mạch máu trong các bộ phận đang co lại, nếu đưa ngay một lượng nước lớn vào cơ thể thì nó sẽ không được chuyển hóa ngay mà thường tích tụ ở dạ dày, gây cảm giác khó chịu, buồn nôn.
Hơn nữa, khi lao động, tim đã phải làm việc rất vất vả, nay lại phải tiếp tục xử lý một lượng nước lớn sẽ rất không tốt, lâu dần dễ dẫn đến suy tim. Do đó, khi uống nước, bạn cần uống từng ngụm nhỏ, uống từ từ, vừa tốt cho đường ruột, vừa có tác dụng bù nước, giải tỏa cơn khát.
Lưu ý khi uống nước:
- Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần do trong nước có một hàm lượng nhỏ các kim loại nặng, khi đun đi đun lại sẽ khiến nước bốc hơi, làm tăng hàm lượng các chất này trong nước.
- Không uống nước để lâu ngày vì dù đã được diệt khuẩn khi đun ở nhiệt độ 100 độ C, song chỉ 2 giờ sau đó, vi khuẩn đã xuất hiện trở lại và tăng lên rất nhiều sau 24 giờ.
- Ngay khi thức dậy, nên uống một cốc nước từ 250-300ml nước vì đây là thời điểm cơ thể hấp thu nước tốt nhất.
- Nên uống một lượng khoảng 200-500 ml nước trước khi vận động, nhất là khi thực hiện những cuộc vận động mất quá nhiều sức để bổ sung dự phòng cho lượng nước sẽ bị mất. Và sau khi vận động cũng cần phải uống nước.
Bình Nguyên
Theo tạp chí Sống Khỏe