Đu đủ là một loại quả ngon vốn được mọi người sử dụng để trị táo bón hoặc hỗ trợ đường tiêu hoá. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, ngoại trừ quả thì từ lá tới rễ của cây đu đủ cũng có thể giúp chúng ta trị được bách bệnh. Hãy cùng Sức khoẻ Gia đình tìm hiểu từng bộ phận của cây đu đủ sẽ mang lại những lợi ích gì nhé.
1. Quả đu đủ
Bao gồm cả đu đủ chín lẫn đu đủ xanh đều có những công dụng ít ai ngờ tới ngoài việc hỗ trợ đường tiêu hoá, trị táo bón hay tạo sữa cho các mẹ sau sinh.
Về đu đủ chín, trong quả có chứa nhiều các hợp chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, photpho, kali, magiê, sắt, kẽm và riboflavin. Ngoài ra là các thành phần vitamin A, C, B1, B2 và các axit gây men.
Tác dụng phổ biến từ đu đủ chín có thể kể đến như bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Không chỉ vậy, đu đủ còn chứa nhiều vitamin C và caroten, có tác dụng chống oxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra còn giúp hỗ trợ làm đẹp da, tránh lão hoá da, thải độc, cung cấp dinh dưỡng giúp bổ sữa, tăng tiết sữa cho phụ nữ mới sinh.
Về đu đủ xanh, ngoài các chất đã kể tên trong đu đủ chín thì còn có chứa 4% chất nhựa mủ latex màu trắng đục - là hỗn hợp của nhiều proteaza (loại men tiêu hóa chất đạm), trong đó chất chủ yếu là papain.
Ngoài ra, nhựa mủ trong đu đủ xanh còn là hỗn hợp của các men phân giải protein, có tác dụng tiêu hóa, phân giải thịt và giải phóng axit amin, đồng thời do có giá trị sinh học cao, nhựa mủ trong đu đủ xanh cũng được ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm.
Tác dụng phổ biến khác từ đu đủ xanh có thể kể đến như trị ăn không tiêu, táo bón, trị đau lưng mỏi gối, chữa các vết tàn nhang ở mặt, tay, chữa chai chân và bệnh eczema, trị ho do phế hư, tạo sữa cho bà mẹ đang nuôi con bú.
|
Cả đu đủ xanh và chín đều được sử dụng để tạo sữa cho các mẹ sau sinh (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, dù quả đu đủ là món ăn giúp các mẹ sau sinh gọi sữa về nhưng người có thai lại không nên sử dụng đu đủ nhiều vì sẽ có nguy cơ gây sảy thai.
2. Lá đu đủ
Dù chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng hay xác thực, tuy nhiên, trong đông y cũng như trong thực tế điều trị, có ghi nhận hiệu quả hỗ trợ ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư trong việc sử dụng lá đu đủ.
Theo Đông y, lá đu đủ có tính hàn, vị hơi đắng, có mùi hắc, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, bổ tỳ và nhuận tràng. Lá đu đủ thường được phân biệt giữa lá đu đủ đực và lá đu đủ cái. Do có thành phần dược tính cao hơn nên lá đu đủ đực được đưa vào sử dụng nhiều hơn.
Bạn có thể chế biến lá đu đủ để xào tỏi hoặc làm nộm giúp bữa ăn thêm phong phú hoặc có thể phơi khô, đun cùng nước lọc để lấy nước.
|
Lá đu đủ được ghi nhận có thể hỗ trợ, thúc đẩy quá trình trị ung thư (Ảnh: Internet) |
3. Hoa đu đủ đực
Người ta thường lựa chọn dùng hoa đu đủ đực nhiều hơn hoa đu đủ cái, do trong hoa đu đủ đực có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có giá trị cao, bao gồm: Axit gallic, beta carotene, canxi, đạm, carbohydrate, phenol, phosphorus, vitamin A, vitamin B1, vitamin C, vitamin E và tannin.
Kiểm soát lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường là lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của hoa đu đủ đực. Uống nước sắc hoa đu đủ đực giúp làm tăng hàm lượng insulin nhờ đó ổn định đường huyết của bệnh nhân tiểu đường. Ngoài ra, hoa đu đủ đực có chứa vitamin A, vitamin C, vitamin E và folate (vitamin B9) có đặc tính chống oxy hóa, ngăn ngừa cholesterol và quá trình oxy hoá. Thêm vào đó, các hoạt chất chống oxy hoá trong hoa đu đủ như beta carotene, phenol, axit gallic góp phần hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Beta carotene trong hoa còn có công dụng bổ máu, thông mạch giúp điều hoà tim mạch và góp phần giúp trái tim khỏe mạnh hơn.
Hoa đu đủ đực có thể dùng để làm các món xào hoặc nấu canh ăn cũng rất ngon.
|
Hoa đu đủ đực là “thần dược” với các bệnh nhân trị ung thư do tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu (Ảnh: Internet) |
Lưu ý: đối với người đang mang thai, tuyệt đối không nên ăn hoa đu đủ đực vì trong hoa có chứa thành phần papain, có thể gây co thắt tử cung của thai phụ, ảnh hưởng đến thai nhi. Ngoài ra, người bình thường cũng nên cân nhắc định lượng của hoa đu đủ trong mỗi bữa ăn.
4. Hạt đu đủ
Cả đông và tây y đều nhắc đến công dụng của hạt đu đủ trong việc hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ thận, giải độc gan, ngăn ngừa sự lây lan của các loại mầm bệnh gây nhiễm trùng. Mặt khác, các loại axit béo có trong hạt đu đủ được cho là giúp cơ thể phòng chống ung thư.
Hạt đu đủ cũng được dùng để loại bỏ khỏi cơ thể các loại ký sinh trùng đường ruột nhờ hàm lượng enzyme cao - vốn là một chất phân giải protein giúp phân hủy ký sinh trùng và trứng của chúng, cũng như là các protein không tiêu hóa hết trong thực phẩm.
Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt đu đủ cũng có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm mạnh ở hệ tiêu hóa và đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn và bệnh nhiễm khuẩn khác.
Mặt khác, do có vị tương đồng với hạt tiêu, ta có thể dùng hạt đu đủ nghiền nhuyễn để nêm gia vị và trữ lại dùng dần.
5. Rễ đu đủ
Rễ cây đu đủ có tác dụng giải độc, tiêu đờm và điều trị sốt rét. Trong y học cổ truyền, nó thường được sắc uống để điều trị sỏi thận (tốt nhất trong khoảng từ 8g đến 12g mỗi ngày), hoặc giã nát, vắt lấy nước uống khi bị rắn rắn (phần bã thì đắp lên vết rắn cắn).
Bài viết này cung cấp thông tin cho người đọc về những lợi ích ít người biết của cây đu đủ. Tuy nhiên, dù có công dụng chữa được bách bệnh, nhưng mọi người vẫn chỉ nên ăn đu đủ với định lượng hợp lý. Nếu sử dụng quá nhiều và thường xuyên cũng sẽ bị phản tác dụng và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ đấy nhé.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin