Cá thu là một nguồn giàu vitamin D và loại vitamin này đã được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ gãy xương hông. Tiêu thụ cá bao gồm cá thu ít nhất một lần một tuần đã được chứng minh là làm giảm 33% nguy cơ gãy xương hông.
Tính linh hoạt, hương vị và giá trị dinh dưỡng đáng kinh ngạc của cá thu khiến nó trở thành món ăn yêu thích rất nhiều người.
Cá thu (Scomber scombrus) là một loài cá béo, hàm lượng mỡ và nước thay đổi theo mùa. Loại cá nước mặn này chứa đầy protein, chất béo omega 3 và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
Lợi ích sức khỏe của cá thu
1. Làm giảm huyết áp
Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp là một tình trạng sức khỏe phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người trên toàn thế giới. Cá thu có khả năng làm giảm huyết áp mạnh, nhờ vào các axit béo không bão hòa đa (PUFAs) trong đó.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí xơ vữa động mạch châu Âu cho thấy 12 nam giới bị tăng huyết áp nhẹ được cho ăn 3 hộp cá thu mỗi tuần trong 8 tháng đã làm giảm đáng kể mức huyết áp.
2. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất béo không bão hòa đa có lợi cho tim có thể cải thiện sức khỏe tim bằng cách làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Việc sử dụng cá thu thường xuyên đã được chứng minh là có tác dụng làm tăng cholesterol HDL (tốt) và giảm mức chất béo trung tính và cholesterol LDL (xấu).
3. Giúp xương chắc khỏe
Cá thu là một nguồn giàu vitamin D và loại vitamin này đã được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ gãy xương hông. Tiêu thụ cá bao gồm cá thu ít nhất một lần một tuần đã được chứng minh là làm giảm 33% nguy cơ gãy xương hông.
Ngoài ra, cá thu cũng là một nguồn cung cấp canxi dồi dào, một khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường sức khỏe của xương.
4. Cải thiện các triệu chứng trầm cảm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc ăn ít chất béo omega 3 từ cá sẽ làm tăng các triệu chứng trầm cảm. Trong khi đó, cá thu là một nguồn cung cấp axit béo không bão hòa đa omega 3 có tác dụng cải thiện các triệu chứng trầm cảm.
Ngoài ra, lượng axit béo không bão hòa đa cao hơn cũng đã được chứng minh là có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh Alzheimer.
5. Cải thiện sức khỏe hệ tim mạch ở trẻ em
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy, trẻ em từ 8-9 tuổi tiêu thụ 300 g cá có dầu mỗi tuần trong 12 tuần cho thấy sự cải thiện đáng kể mức chất béo trung tính và mức cholesterol HDL, mà không có tác động tiêu cực đến mức huyết áp, sự biến thiên nhịp tim (HRV) và cân bằng nội môi glucose.
6. Có thể giảm nguy cơ tiểu đường
Một nghiên cứu trên động vật được công bố cho thấy những con chuột mắc bệnh tiểu đường được cho ăn các loại cá khác nhau như cá thu, cá mòi và cá trích hun khói cho thấy sự cải thiện về mức đường huyết cũng như mức cholesterol và chất béo trung tính.
7. Giúp hỗ trợ giảm cân
Axit béo không bão hòa đa Omega 3 có tác dụng hữu ích đối với bệnh béo phì. Nó giúp giảm khối lượng chất béo trong cơ thể, kích thích quá trình oxy hóa lipid, điều chỉnh cảm giác no và cải thiện trọng lượng cơ thể.
8. Hỗ trợ kiểm soát nguy cơ ung thư vú
Ăn ít cá hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ cá giàu axit béo omega 3 như cá thu có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát ung thư vú.
Những rủi ro có thể xảy ra đối với việc sử dụng cá thu
Nếu bị dị ứng với cá, bạn nên tránh ăn cá thu. Cá thu cũng dễ gây ngộ độc histamine, một dạng ngộ độc thực phẩm có thể gây buồn nôn, nhức đầu và đỏ bừng mặt hay toàn thân, tiêu chảy, sưng mặt và lưỡi.
Trong khi đó, cá được bảo quản lạnh không đúng cách hoặc cá bị hư hỏng là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ngộ độc cấp tính histamine, gây ra sự phát triển quá mức của vi khuẩn làm tăng hàm lượng histamine trong cá.
Ngoài ra, một số loại cá thu, như cá thu vua, có hàm lượng thủy ngân cao nên cần tránh hoàn toàn, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ nhỏ. Cá thu Đại Tây Dương chứa ít thủy ngân nên là một lựa chọn tốt để ăn.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin