(SKGĐ) "Không phải tất cả những người cười với ta đều là bạn". Và tương tự, không phải món ngon nào cũng bổ dưỡng, an toàn. Dưới đây là 7 phát hiện mối nguy hại từ thực phẩm, theo Womenshealthmag.
1. Nước ngọt, đồ uống có ga
Theo Isaac Eliaz - chuyên gia y tế và người sáng lập Trung tâm khám và chữa bệnh Phật giáo Amitabha ở Sebastopol, California, Mỹ: Bất kỳ chế độ ăn uống nào bao gồm nước ngọt hoặc thực phẩm, bánh kẹo nhiều đường và kẹo cao su có chứa chất làm ngọt nhân tạo như sucralose, aspartame, acesulfame K, neotame... đều không lành mạnh.
“Nghiên cứu độc lập cho thấy một cách rõ ràng rằng khi chuyển hóa trong cơ thể, các chất làm ngọt có thể gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến sự trao đổi chất và tăng cân, bệnh thần kinh, đau khớp, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, trầm cảm, bệnh viêm ruột, ngộ độc hóa chất, ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác”, chuyên gia này cảnh báo.
Giải pháp thay thế: Nếu bạn đang khao khát một lon soda, hãy thay thế chúng bằng các loại đồ uống lành mạnh và thân thiện hơn với sức khỏe như trà xanh chẳng hạn.
2. Cà chua đóng hộp
Tiến sĩ, phó giáo sư khoa sinh học Frederick vom Saal tại Đại học Missouri cho hay, lớp tráng nhựa của hộp đựng cà chua có chứa bisphenol-A (BPA) - một estrogen tổng hợp có thể gây ra các vấn đề về sinh sản, tim mạch, tiểu đường và béo phì.
Giải pháp thay thế: Chọn cà chua được đóng gói trong chai thủy tinh (mà không cần lót nhựa) để hạn chế hóa chất nói trên.
3. Chất ngọt nhân tạo
Nghiên cứu của trường Đại học Texas, Mỹ đã phát hiện ra rằng những con chuột được cho ăn các chất làm ngọt nhân tạo aspartame có nồng độ đường trong máu cao hơn so với chuột ăn một chế độ ăn uống không có aspartame.
Không những chúng không tốt cho sức khỏe của bạn, các nhà khoa học còn phát hiện nước thải được xử lý từ chất ngọt nhân tạo đã gây rủi ro cho cá và các sinh vật biển khác.
Giải pháp thay thế: Đường trắng tinh luyện không phải là giải pháp duy nhất. Bạn có thể thay thế nó bằng một lượng nhỏ chất ngọt từ mật ong, mật đường và si-rô trái cây, tất cả đều giàu hàm lượng vitamin và khoáng chất.
4. Sôcôla trắng
Theo GS. Drew Ramsey tại Đại học Columbia, Mỹ (đồng tác giả của cuốn “The Happiness Diet” - Chế độ ăn uống hạnh phúc), sôcôla được đánh giá như một “siêu thực phẩm” giúp thúc đẩy não phát triển. Tuy nhiên dường như điều đó không đúng với sôcôla trắng.
“Các số liệu về lợi ích sức khỏe của sôcôla đen là khá tuyệt vời. Phần lớn điều này là do một các chất dinh dưỡng có trong chúng có thể làm tăng lưu lượng máu đến não, bảo vệ mạch máu, tạo sự hưng phấn và khả năng tập trung. Tuy nhiên, sôcôla trắng hoàn toàn không có những lợi ích này”, Giáo sư Ramsey cho hay.
Giải pháp thay thế: Tìm kiếm sôcôla đen để thay thế.
5. Bánh mỳ từ tinh bột trắng
Các thực phẩm được sản xuất từ lúa mì ngày nay đang gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe từ các bệnh tiêu hóa như loét bao tử, viêm ruột, trào ngược acid đến béo phì, hen suyễn… nhất là với bánh mỳ trắng. Nó không giữ được nhiều chất dinh dưỡng so với các loại bánh mỳ làm từ bột còn nguyên cám.
Ăn nhiều bánh mỳ trắng từ bột tinh chế làm tăng nguy cơ gây suy tim (cao gấp 2,25 lần so với người ăn ít). Đó là lý do vì sao ngày nay các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên loại bỏ bánh mỳ trắng và thay thế hoàn toàn bằng bánh mỳ ngũ cốc.
Giải pháp thay thế: Hãy thử loại bỏ bánh mì từ chế độ ăn uống của bạn trong một vài tuần để cảm nhận sự khác biệt của sức khỏe. Khi bạn thực hiện lựa chọn các loại ngũ cốc, hãy tìm đến những thứ như kiều mạch, kê và lúa, nhưng với số lượng nhỏ hơn (ít hơn một nửa cốc) bởi vì chúng cũng có thể gây ra lượng đường trong máu cao.
6. Ngô biến đổi gene
“Tôi tránh ăn ngô bởi vì hầu hết ngô đều biến đổi gene, và theo đó, hầu hết các hạt giống được xử lý bằng hệ thống thuốc trừ sâu. Chúng đang giết chết những con ong và dần dần làm suy yếu sức khỏe của chúng ta", Maryam Henein – một trong hai tác giả của tài liệu “Vanishing of the Bees” (Sự biến mất của loài ong) cảnh báo.
Giải pháp thay thế: Lựa chọn thực phẩm tự nhiên, không biến đổi gene.
7. Rau mầm
Phó giáo sư Doug Powell chuyên nghiên cứu về an toàn thực phẩm tại Đại học bang Kansas, Mỹ cho rằng: Ngay cả các loại đậu, bông cải xanh, cỏ linh lăng hay giá đỗ… đều có thể là nguyên nhân của dịch bệnh. Chúng thường được phát hiện bị nhiễm Salmonella, E.coli, Listeria. Lý do là vì môi trường ẩm, điều kiện ấm áp để nảy mầm cũng chính là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Giải pháp thay thế: Trước khi sử dụng nên rửa thật kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ các nguy cơ, sau đó ngâm thêm trong nước muối loãng 10-15 phút để loại bỏ hóa chất và vi khuẩn. Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người miễn dịch yếu càng không nên ăn sống loại rau này.
Thanh Hà