Hợp tác quảng cáo

Ngộ độc vì cơm nguội hâm nóng?

Khi gặp phải các biểu hiện khó chịu như: đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy... nhiều người nghĩ rằng đó là do thức ăn, tuy nhiên, thực sự thì những nguy cơ này đôi khi lại đến từ cơm nguội?

Đã từ lâu, chị Nguyễn Thị Hiền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có thói quen nấu cơm tối dư ra một chút. Chị giải thích, chỗ cơm thừa này sẽ được cất vào hộp nhựa, để trong tủ lạnh và được mang đi làm để phục vụ bữa ăn trưa nơi công sở. “Giờ nghỉ trưa chỉ có tầm một tiếng, nếu lục đục kéo nhau ra ngoài ăn thì chả được nghỉ ngơi gì nên ở cơ quan tôi, có đến phân nửa số người mang cơm đi làm. Ăn uống như thế này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa an toàn, lại tiết kiệm nữa”, chị cười xòa.

Thói quen là vậy, thế nhưng, khi nghe thông tin cơm nguội hâm nóng có thể gây ngộ độc, chị cũng thấy có chút hoang mang. “Thực ra, mình là người lớn, nếu có vấn đề gì cũng dễ giải quyết, chỉ sợ bọn trẻ con nó bị làm sao thì lại ân hận. Chả là, ngoài phần cơm nguội mang đi làm, mình còn thường xuyên hâm nóng cơm cho bọn trẻ ăn. Dù từ trước tới nay chưa thấy hiện tượng xấu gì xảy ra, song mình cũng thấy lăn tăn đôi chút. Nhưng nếu bỏ cơm nguội đi thì lãng phí quá, có phải lúc nào mình nấu nướng cũng chuẩn lượng đâu. Còn nếu để chúng nó ăn thì cũng thật ái ngại nếu thông tin này là đúng. Chả biết thực hư thế nào nữa”, chị phân trần.

Dù không có thói quen hâm nóng cơm nguội như chị Hiền, song chị Võ Thúy Hà (Q.7, Tp.HCM) lại rất nghiền món cơm rang dưa bò ở ngoài hàng. “Ăn cơm nguội hâm nóng mà bị ngộ độc thì cơm rang chắc cũng vậy. Mẹ mình cũng nhiều lần nhắc không nên ăn cơm rang ở ngoài với tần suất nhiều như thế nhưng mình thấy nó vừa ngon, vừa tiện nên cứ ăn miết. Giờ chắc đành phải cai”, chị chia sẻ.

Ngo doc vi com nguoi ham nong?

Có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt...

Sử dụng lại cơm nguội cho những bữa ăn sau đó là thói quen của hầu hết người Việt Nam, thế nên, thông tin cơm nguội có thể gây ngộ độc đã khiến không ít người giật mình nghi ngại. Đa số đều trong tình trạng bán tín, bán nghi, bởi theo họ: đã bao đời nay, từ ông bà, cha mẹ đến bản thân họ đều tận dụng lại phần cơm thừa này bằng cách hâm nóng hoặc rang mà chưa từng ghi nhận biến cố. Có lẽ nào chất lượng gạo bây giờ giảm sút nên mới vậy, hay thông tin này thực sự không đáng tin tưởng?

Đáp lại những băn khoăn, nghi ngờ của các bà nội trợ,  Ths, BS. Trần Quốc Hùng - Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho biết: Thực tế, trong gạo chúng ta sử dụng hàng ngày luôn có chứa một lượng vi khuẩn bacillus cereus nhất định. Vi khuẩn này vốn sống ở trong đất và lây nhiễm sang gạo trong quá trình trồng trọt, thu hái. Khác với các loại khuẩn khác, bacillus cereus không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ. Khi bị đun nóng, để bảo toàn sự sống, chúng phát triển thành một dạng bào tử khác. Nếu sử dụng cơm nguội hâm nóng nhiều lần, bào tử này có thể sinh ra một chất độc có hại cho đường ruột, khiến cơ thể gặp phải các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...

Ngoài ra, do thành phần chủ yếu của cơm là tinh bột nên nếu được làm nóng ở nhiệt độ khoảng 60 độ C, quá trình “hồ hóa tinh bột” sẽ xảy ra và ảnh hưởng không tốt đến đường tiêu hóa. Thực tế cho thấy, khi gặp các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng..., nhiều người nghĩ nó là do thức ăn, song thực chất, nguyên nhân có thể là do việc sử dụng cơm nguội.

Bác sĩ Hùng cũng cho rằng, thời gian lưu trữ cơm nguội càng dài thì nguy cơ có hại càng lớn. Đặc biệt, ở các cửa hàng ăn, nguy cơ này còn nhiều hơn nữa bởi nơi đây thường tích trữ một lượng lớn cơm nguội trong thời gian dài để có thể phục vụ cơm rang cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Đối với trẻ em và người già, khả năng biến chứng do ăn cơm nguội cũng lớn hơn do hệ tiêu hóa và sức đề kháng của cơ thể hoạt động không tốt.

Phòng tránh cách nào?

Trên thực tế, nguy cơ ngộ độc cơm nguội hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là trong thời điểm nắng nóng. Dù rằng không phải ai cũng gặp phải rắc rối này khi sử dụng cơm nguội, song làm thế nào để phòng tránh, để an toàn cho sức khỏe vẫn luôn là vấn đề được mọi người quan tâm.

Vẫn theo bác sĩ Hùng, để ức chế sự phát triển của vi khuẩn, khi cơm ăn thừa, chúng ta cần làm nguội nhanh chóng bằng cách ngâm cả ruột nồi cơm vào chậu nước lạnh, rồi nhanh chóng bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, tủ lạnh trước hết phải sạch sẽ, phải được vệ sinh thường xuyên. Bên cạnh đó, nó cũng phải đạt được độ lạnh mong muốn. Bạn không nên nhét quá nhiều đồ ăn vào tủ lạnh vì nó sẽ bị giảm nhiệt, cũng như phát sinh nhiều loại vi khuẩn.

Ngoài lưu ý trên, bạn cũng cần chú ý rằng: cơm nguội không nên lưu trữ trong tủ lạnh quá 24 giờ và cũng không nên hâm nóng quá 2 lần để đảm bảo chất dinh dưỡng cũng như hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

Phương Vi

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Làm đẹp

Gia đình khỏe

Sống tâm lý