Từ lâu, mứt đã trở thành một món đặc trưng của ngày Tết. Nhiều người e ngại ăn mứt dễ tăng cân song thực chất mứt có rất nhiều tác dụng đến sức khỏe.
Ngọt ngào khay mứt ngày Tết
Vào mỗi dịp xuân về, khay mứt Tết lại trở nên ngọt ngào, ý nghĩa hơn bao giờ hết. Một khay mứt Tết thường có đầy đủ các vị chua, cay, ngọt, bùi như đặc trưng cho hương vị cuộc sống cũng như thể hiện khí trời của bốn mùa trong một năm vậy. Nhiều loại mứt được bày trên cùng một khay còn có ý nghĩa mong muốn sự hòa hợp, sum họp đoàn viên.
Không phải ngẫy nhiên vào ngày Tết, các gia đình đều bày trên bàn khách của mình đủ loại bánh kẹo, mứt Tết. Đầu tiên là để đãi khách đến chơi, sau là để cả nhà cùng quây quần bên nhau thưởng thức. Vào những ngày đầu xuân họp mặt, cùng nhâm nhi những khay mứt thơm ngon, ngọt bùi, cùng thưởng thức tách trà nồng nàn, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên không khí ấm áp vô cùng.
Đấy là chưa kể đến việc những chị em còn tự mày mò làm mứt với đủ loại củ quả. Cảm giác vui sướng khi được nhìn ngắm những mẻ mứt với công thức hanmade để đãi khách và gia đình càng làm tăng thêm không khí ấm áp mỗi khi đến Tết.
Vừa ngon vừa khỏe
Mứt Tết thường được làm từ các loại quả và các loại hạt nên chứa khá nhiều dinh dưỡng và một số loại vitamin. Bên cạnh những ý nghĩa ngọt ngào, ăn mứt còn có tác dụng chữa bệnh hiệu quả, cụ thể:
Mứt hạt sen chữa mất ngủ: Mỗi ngày ăn từ 20 50gr hạt sen vừa bổ, vừa có tác dụng an thần đối với người suy nhược, kém ăn mất ngủ do stress hoặc do sử dụng nhiều các thứ kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu bia,…
Mứt gừng trị chướng bụng, khó tiêu: Mứt gừng có tác dụng chống nôn mửa, bụng đầy trướng, đau bụng do ăn uống không điều độ; dùng phòng bệnh viêm đường hô hấp (viêm họng, ho mất tiếng)… Ngoài tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, gừng còn có tác dụng giải độc.
Mứt quất giảm ho: Được làm từ quả quất chín nên mứt quất nên mứt cũng có tác dụng chữa ho, giúp tiêu hóa tốt hơn.
Mứt bí, mứt khoai lang giải độc, thanh nhiệt: Mứt bí có tác dụng giải độc do rượu, thuốc lá gây ra. Ngoài ra phải kể đến mứt khoai lang với tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải rượu, trị mụn nhọt.
Mứt cà rốt, mứt hồng bổ sung dinh dưỡng: Đây là hai loại mứt đứng hàng đầu trong tác dụng trị các chứng liên quan đến dinh dưỡng như: ăn khó tiêu, gầy còm, thiếu máu, trẻ em chậm lớn hoặc tiêu chảy do thiếu chất dinh dưỡng. Mứt cà rốt còn chữa được kiết lị mãn tính. Mứt hồng chữa suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng và ho mãn tính.
Mứt dừa tác dụng nhuận tràng: Mứt dừa là vị thuốc chống táo bón do ăn nhiều chất đạm trong những ngày Tết khá hiệu quả. Bên cạnh đó, mứt khoai lang có tác dụng bồi dưỡng và nhuận tràng, tiêu viêm, sáng mắt, vàng da, ung nhọt…
Ai cần hạn chế?
Ngon miệng, giàu dinh dưỡng, một số loại còn có tác dụng chữa bệnh nhưng bản chất của mứt là nhiều đường nên không phải ai cũng có thể dùng được. Về vấn đề này, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM khuyến cáo:
Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều mứt. Ăn mứt nhiều có thể sẽ làm sản phụ ăn mất ngon trong bữa chính hoặc bỏ đi một vài bữa phụ nên khó có thể đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho thai nhi phát triển. Chưa kể, mứt vốn nhiều đường khiến cho thai phụ tăng cân nhanh quá mức.
Bệnh nhân đái tháo đường hoặc béo phì cũng nên tránh xa các loại mứt. Như đã nói, mứt bản chất là rất ngọt và giàu năng lượng – đây là những thứ tối kị với bệnh nhân tiểu đường. Còn với những người thừa cân, ăn đồ ngọt càng làm cho họ tăng cân mà thôi.
Vẫn theo Tiến sĩ Minh Hạnh, bên cạnh các đối tượng trên, với những người có sức khỏe bình thường, cũng không nên ăn nhiều mứt do lượng chất ngọt quá cao. Khi chọn mua mứt cũng cần hết sức thận trọng bởi trên thị trường có một số cơ sở sản xuất không hợp vệ sinh có thể gây nhiễm khuẩn, làm phát sinh một số bệnh đường tiêu hóa. Tốt nhất là nên tự làm hoặc mua của người quen làm tại nhà để có thể điều chỉnh độ ngọt theo ý muốn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chọn được nguyên liệu tốt.
Khi mua, phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, nên mua mứt của những nhà sản xuất có uy tín trên thị trường; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý… vì có sự kiểm soát chất lượng vệ sinh sản phẩm. Với những loại mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu tổng hợp. Chú ý, tránh chọn màu sắc loè loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng. Dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm… để phát hiện mứt có bị mốc, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không. Cách chọn mua mứt Tết
Chi Đan
Theo tạp chí Sống Khỏe