Người ta thường coi chất xơ không có giá trị dinh dưỡng, khó tiêu hóa và rất “vô dụng”. Sự thật thì sao?
1. Chất xơ là chất bã thừa, không có lợi
Trước kia, người ta xem chất xơ là một chất trơ không có giá trị dinh dưỡng vì không tiêu hóa được. Nhưng ngày nay, chất xơ được xem có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hệ tiêu hóa và sức khỏe con người.
Chất xơ có tác dụng cải thiện chức năng ruột già, góp phần làm giảm cholesterol trong máu: cám yến mạch, lúa mạch, đậu hạt, trái cây và rau có thể làm giảm được 5-25% lượng cholesterol, một số chất xơ tan làm tinh bột lưu lại lâu trong ruột, chậm hấp thu glucose, có lợi cho người tiểu đường.
2. Chỉ lõi ở trong rau mới là chất xơ
Mỗi tế bào thực vật đều có thành tế bào, thành phần chủ yếu của thành tế bào chính là chất xơ, bán chất xơ và chất keo, tất cả đều nằm trong nhóm chất xơ thực phẩm. Rau có lõi, gân hay không đều chứa hàm lượng chất xơ thậm chí rau không có lõi, gân còn giàu chất xơ hơn.
3. Băm nhỏ rau sẽ làm giảm lượng chất xơ
Những loại rau xanh bao gồm cả lõi gân của bắp cải đều thuộc chất xơ không hòa tan, nó không bị hấp thụ ở trong ruột non, mà sẽ mang theo một ít cholestrerol, chất béo và i-on kim loại nặng vào đại tràng, làm tăng thể tích cặn bã, kích thích nhu động ruột.
Lõi gân của rau có băm nhỏ hay không thì không ảnh hưởng đến tác dụng của chất xơ. Nhưng khi cắt nhỏ, chất xơ trong rau sẽ dễ tiêu hóa đối với một số người mắc bệnh dạ dày đường ruột, hoặc người già, răng yếu, khó có thể tự nghiền nhỏ rau, gây khó khăn trong việc tiêu hóa ở đường ruột.
4. Chất xơ sẽ bị phá hủy khi gia nhiệt
Nhiều người cho rằng nấu rau nhừ quá có nghĩa là chất xơ ở trong rau đã bị mất đi. Thực tế tính chất hóa học của chất xơ rất ổn định, làm nóng lên đến 100 độ C thì căn bản cũng không thể phân giải và phá hỏng nó. Bằng chứng là người ta dùng cây đay, cây bông để dệt vải mặc, nó cũng là chất xơ đó thôi.
Ngoài chất xơ, các loại khoáng chất cũng có thể “chịu nhiệt” tốt khi chế biến. Chỉ có một phần vitamin và bộ phận chất hóa học thực vật bị biến đổi dưới nhiệt độ mà thôi.
5. Thay thế rau bằng thực phẩm chức năng chứa chất xơ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bữa ăn phong phú chất xơ có thể giảm nguy cơ ung thư đường ruột, và nguy cơ gây ra bệnh tim, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ…
Còn chưa có một bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy dùng thực phẩm chức năng lấy từ chất xơ thì cũng có hiệu quả như vậy.
Vì vậy, không nên dựa vào thực phẩm chức năng, nên trực tiếp ăn lương thực thô, các loại đậu, khoai và rau xanh mới là cách tốt nhất.
6. Chất xơ dạng bột tốt hơn rau quả
Dùng nhiều thức ăn chứa chất xơ không gây nguy hiểm gì ngoài cảm giác tự nhiên là no đầy và đôi khi sôi bụng. Nhưng nếu dùng chất xơ dưới dạng bột khô tinh chế thì có thể gây tác dụng phụ.
Người có cơ địa dị ứng hít phải bột khô của chất xơ chiết tinh có thể bị dị ứng.
Người nào bị hẹp môn vị, dính ruột, bán tắc ruột nếu nuốt phải một lượng lớn chất xơ tan, nhất là bột khô có thể gây tắc thực quản hay tắc ruột do nó có khả năng hút nước đóng cục.
Nếu trẻ con lười ăn rau bạn nên khuyến khích trẻ ăn hoa quả và uống nhiều nước sau bữa ăn có chất xơ bột.
Phương Lan
Theo tạp chí Sống Khỏe