Cá chép luôn được các bà nội trợ săn lùng mỗi dịp đưa Ông Táo về trời, nhưng không phải ai cũng biết cá chép còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng chữa trị bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh phụ nữ.
Khác với các loại thịt động vật như: thịt bò, thịt lợn... thường giàu cholesterol - chất béo không tốt cho sức khỏe, cá là một loại thực phẩm có hàm lượng khoáng chất, vitamin và protein vô cùng phong phú. Protein trong thịt cá rất dễ hấp thụ, tốt cho sức khỏe con người đặc biệt là tốt hệ tiêu hóa và tim mạch. Trong cá cũng có chứa rất nhiều vitamin cần thiết như vitamin A, D, phốt pho, magiê, kẽm, và iốt... Đặc biệt lượng canxi có ở trong một số loại cá như cá hồi, cá nục, cá thu... rất tốt cho hệ xương.
Trong vô vàn các loại cá, cá chép được coi là thực phẩm rất được ưa chuộng bởi đây không chỉ là thủ hải sản dễ kiếm, giá cả bình dân nhưng đem lại giá trị dinh dưỡng cao so với các sản phẩm khác cùng loại, mà loại cá này còn có thể chế biến thành món ngon với mùi thơm và hương vị đặc trưng.
Cá chép (tên khoa học là Cyprinus carpio, từ cá chép trong tiếng Hy Lạp nghĩa là mắn con) là một loài cá nước ngọt phổ biến rộng khắp có quan hệ họ hàng xa với cá vàng thông thường và chúng có khả năng lai giống với nhau. Trong y học cổ truyền Cá Chép còn được gọi là Lý Ngư.
Ngoài công dụng là thức ăn ngon với giá trị dinh dưỡng cao,... cá chép còn có tác dụng chữa bệnh tốt. Trong Đông y, thịt cá, vây cá, mật cá và đầu cá chép đều được sử dụng để làm thuốc bổ tỳ vị, lợi tiểu, thông sữa, an thai...
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, phòng Tài nguyên Môi trường nước, Viện Tài nguyên sinh vật cũng, theo tài liệu của Hải Thượng Lãn Ông, có khoảng 60 loài cá có khả năng làm thuốc. Trong đó, cá chép là loài bổ dưỡng với phụ nữ. Không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng sử dụng cá chép để làm món ăn – bài thuốc cho phụ nữ. Những loài khác, tùy từng con, từng bệnh mà được sử dụng từng bộ phận để làm thuốc.
Theo y học cổ truyền, thịt cá chép có vị ngọt, tính bình; vào tỳ thận. Có tác dụng lợi thủy tiêu thũng, hạ khí thông nhũ. Dùng cho các trường hợp phù thũng bụng phù trướng, hai chân phù nề, vàng da, ứ tắc sữa... Vảy cá có tính bình, tác dụng cầm máu. Mật cá có vị đắng tính lạnh, không độc, có tác dụng thông ứ.
Đồng quan điểm, cựu Đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong y học cổ truyền, cá chép có vị ngọt, tính bình, chứa nhiều protein và nhiều vitamin. Ăn cá chép đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như tiêu thũng, hạ khí thông nhũ, khai vị kiện tỳ (lợi tiểu tiêu phù, thông sữa, tạo cảm giác thèm ăn và bồi dưỡng hệ tiêu hóa). Chính vì vậy, dùng cá chép chữa bệnh cũng rất tốt.
Trong "Cương mục y học Trung Quốc thời lý" cũng từng ghi nhận: "Cá chép là dương tính trong âm tính, có tác dụng tiểu tiện, có thể chữa được bệnh khi kết lạnh, nướng lên thì hỏa, có phát phong hàn, bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy".
Theo các nghiên cứu khoa học mới nhất cũng cho thấy việc ăn cá chép cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Cá chép giàu các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như: protein amino acid, omega-3, eicosapentaenoic acid (EPA) có tác dụng làm giảm chất béo trong máu, phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, chống ung thư.
Ngoài ra, trong cá chép còn chứa các chất đạm, chất béo, photpho, vitamin nhóm B (B1, B3, B5, B6, B9, B12) tốt cho quá trình tạo máu, vitamin A, vitamin E, viatamin K, PP, lysine, sắt, kẽm, kali, magiê, selen, leucine…và hàm lượng niacin rất cao.
Đặc biệt, trong đó, thành phần protein amino axit trong cá chép tương đương với thành phần protein amino axit mà cơ thể cần, rất dễ dàng để hấp thụ. Nó là dạng chất đạm chất lượng cao, chất xơ tốt, hàm lượng nước nhiều hơn, do đó thịt rất mềm và tinh mịn.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, cho biết Protein trong cá chép dễ tiêu hóa hơn so với các protein từ thịt vì vậy ăn cá chép giúp tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, bảo vệ hệ tiêu hóa và làm chậm quá trình lão hóa.
Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao vì vậy thịt cá chép giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chống viêm, tăng cường miễn dịch. Ăn cá chép thường xuyên giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mãn tính, bệnh hô hấp và thậm chí là ung thư.
Cũng theo vị chuyên gia này, phụ nữ mang thai ăn cá chép giúp hỗ trợ xây dựng hệ thống thần kinh và não bộ khỏe mạnh cũng như hạn chế dị tật bẩm sinh cho thai nhi, bằng cách cung cấp omega-3, lutein, kẽm và selen.
Đặc biệt, người già ăn cá chép thường xuyên giúp tăng tập trung, cải thiện trí nhớ, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ.
Còn ông Phạm Đức Dương, giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Viện Nuôi trồng Thủy sản cho biết, không phải ngẫu nhiên mà cá chép được coi là một trong 3 loại thực phẩm bổ dưỡng (cùng với thịt gà và ba ba).
Cá chép là một trong những loại thủy hải sản có chất lượng thịt ngon, ăn ngọt, vị thơm. Cá chép nấu cháo hoặc hấp ăn nóng sẽ rất bổ máu, giúp sắc mặt hồng hào, tuần hoàn tốt cho phụ nữ. Ngoài ra, cá chép có tác dụng dưỡng thai cho các sản phụ.
Tuy nhiên, cần lưu ý, khi sử dụng thực phẩm cá nói chung cũng như cá chép nói riêng cần phải ăn chín. Theo quan niệm của nhiều người cho rằng ăn cá chép tươi sống rất bổ dưỡng, tuy nhiên đa số các loài cá đều bị nhiễm ký sinh trùng một cách tự nhiên.
Do đó, nếu không được nấu chín thì các kí sinh trùng gây hại sẽ không thể bị tiêu diệt hết. Chính vì vậy, khi chúng ta ăn sống thì các kí sinh trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể và vô cùng nguy hiểm.
Hà Thanh
Theo Tạp chí Sống khỏe