Nghiên cứu dinh dưỡng đã chỉ ra rằng ăn loại đồ ăn nhẹ này nhiều lần trong tuần có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác nhau.
Đối với những người thích ăn vặt mà lại lo tăng cân hay có hại có sức khỏe, các chuyên gia gợi ý các loại hạt là một nguồn cung cấp chất béo lành mạnh, protein và chất dinh dưỡng thiết yếu. Các chuyên gia của Harvard Health đã nhấn mạnh rằng những người ăn hạt có thể được hưởng nhiều lợi ích, đặc biệt là nguy cơ đau tim và bệnh tim thấp hơn so với những người không ăn.
![]() |
Quỹ Tim mạch Anh cho biết các loại hạt là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng cung cấp cho chúng ta chất xơ, protein, vitamin, khoáng chất và các vi chất dinh dưỡng khác. (Ảnh: Getty) |
Những phát hiện mang tính đột phá từ các nghiên cứu theo nhóm mở rộng, bao gồm Nghiên cứu Adventist, Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ Iowa, Nghiên cứu Sức khỏe Y tá và Nghiên cứu Sức khỏe Bác sĩ, đều nhấn mạnh những lợi ích của việc tiêu thụ hạt thường xuyên.
Theo tờ Surrey Live, những nghiên cứu này liên tục chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn các loại hạt nhiều lần một tuần với việc giảm 30% đến 50% nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột tử do tim hoặc bệnh tim mạch .
Một bài báo được đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia, Vương quốc Anh cho biết: "Việc tiêu thụ hạt thường xuyên có liên quan đến việc giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch". Điều này bao gồm tỷ lệ mắc chứng rối loạn lipid máu, tiểu đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa thấp hơn, cùng với nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn. Nghiên cứu cũng quan sát thấy: "So với những người tham gia không bao giờ hoặc hầu như không bao giờ ăn các loại hạt, những người ăn các loại hạt thường xuyên hơn thường lớn tuổi hơn, có chỉ số BMI thấp hơn".
Các loại hạt chứa nhiều chất béo không bão hòa có thể giúp giảm cholesterol LDL 'xấu' và tăng cholesterol HDL 'tốt'. Đặc biệt, quả óc chó rất giàu axit béo omega-3, cũng có thể giúp ngăn ngừa nhịp tim không đều.
Một nghiên cứu toàn diện phân tích dữ liệu từ hơn 210.000 chuyên gia y tế trong vòng 32 năm cho thấy những người ăn 28g hạt 5 lần trở lên một tuần có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 14%. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành giảm 20% ở những người thường xuyên bổ sung hạt vào chế độ ăn uống so với những người không ăn.
Đậu phộng (hay còn gọi là lạc), về mặt kỹ thuật là cây họ đậu nhưng về mặt dinh dưỡng tương tự như các loại hạt và quả óc chó, có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh này thấp hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc tiêu thụ các loại hạt có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, một tình trạng liên quan đến việc tăng nguy cơ cholesterol cao, bệnh tim và đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia ăn năm khẩu phần hạt, mỗi khẩu phần 28g, mỗi tuần có thể giảm 17% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, có thể giảm 20% nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, giảm 34% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm 31% nguy cơ tử vong sớm do bất kỳ nguyên nhân nào. Điều này được so sánh với những người tiêu thụ ít hơn một khẩu phần hạt mỗi tháng.
![]() |
Tiêu thụ nhiều hạt hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. |
Các loại hạt, khi ăn ở mức độ vừa phải, là nguồn cung cấp arginine tuyệt vời, một loại axit amin thiết yếu để sản xuất oxit nitric, giúp thư giãn các mạch máu bị hẹp và cải thiện lưu thông máu. Chúng cũng chứa nhiều vitamin E, folate, kali, chất xơ và các chất dinh dưỡng có lợi khác.
Đại học Harvard gợi ý rằng ăn một nắm hạt, khoảng 28g, ít nhất 5 lần/tuần rất có lợi cho sức khỏe tim mạch. Vì các loại hạt khác nhau cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, nên việc kết hợp chúng vào chế độ ăn uống lành mạnh của bạn là một hành động thông minh.
Tuy nhiên, chỉ ăn thêm hạt mà không cắt giảm các loại đồ ăn vặt không lành mạnh sẽ không mang lại lợi ích tương tự. Ví dụ, tiêu thụ một nắm quả óc chó (trung bình khoảng 185 calo mỗi 28g) mỗi ngày có thể dẫn đến tăng 4,5kg hoặc hơn trong một năm nếu bạn không cắt giảm những thức không lành mạnh khác.
Trọng lượng thừa này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim thay vì giảm nguy cơ. Do đó, hãy cân nhắc thay thế khoai tây chiên hoặc các món ăn nhẹ ít dinh dưỡng khác bằng các loại hạt.
Việc bổ sung các loại hạt vào chế độ ăn uống của bạn có thể cực kỳ có lợi cho sức khỏe tim mạch, nhưng hiệu quả nhất khi kết hợp với lối sống lành mạnh nói chung. Các phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim bao gồm tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, hạn chế uống rượu, bỏ hút thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thực phẩm chế biến và giữ đủ nước.
Dấu hiệu của một trái tim không khỏe mạnh: Đau ngực: cảm thấy như bị đè ép, căng tức hoặc nặng nề. Nếu cơn đau không dừng lại sau vài phút nghỉ ngơi, hãy gọi cấp cứu. Sưng ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân: Đây có thể là dấu hiệu của suy tim hoặc chất lỏng tích tụ trong các mô của bạn. Khó thở: có thể xảy ra khi nghỉ ngơi, khi hoạt động hoặc khi nằm xuống. Đánh trống ngực: Cảm giác như tim đập quá nhanh, quá mạnh hoặc không đều. Mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Mệt mỏi đột ngột khi làm các công việc thường ngày hoặc đi lên cầu thang có thể là dấu hiệu của bệnh tim. Buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hoặc đau dạ dày: Những triệu chứng này có thể xảy ra trong cơn đau tim, đặc biệt là ở phụ nữ. Đổ mồ hôi : Đổ mồ hôi đột ngột, đặc biệt là khi kèm theo cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, cổ hoặc cánh tay, có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. |
Phong Vũ
Theo Người đưa tin