Mít là loại trái cây quen thuộc ở những vùng nhiệt đới như Đông Nam Á hay châu Mỹ. Thế nhưng ngoài hương vị thơm ngon và độc đáo, bạn có biết rằng quả mít cũng mang lại cho sức khỏe của chúng ta những lợi ích vô cùng kỳ diệu.
Cây mít là loài thực vật ăn quả, thuộc họ dâu tằm, mọc phổ biến ở các nước Đông Nam Á và Nam Mỹ. Quả mít có hình bầu dục, vỏ có nhiều gai nhỏ và chứa lượng dinh dưỡng dồi dào.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, quả mít chứa đầy đủ các nhóm vitamin A, B, C và các loại khoáng chất thiết yếu cần thiết cho cơ thể con người như: protein, các loại đường tự nhiên, Kali, sắt, magie, canxi và chất xơ. Chính vì thế, bên cạnh là một loại trái cây đặc sản cho đất nước nhiệt đới, mít còn được ưa chuộng bởi những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Những lợi ích của mít
1. Tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể
Lượng vitamin C dồi dào trong mít giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể chúng ta. |
Mít là một loại quả rất giàu vitamin C, chất dinh dưỡng có chức năng hỗ trợ sản xuất interferon, một loại protein đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành nên hệ miễn dịch của chúng ta.
Bên cạnh đó, vitamin C cũng bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công của các virus và vi khuẩn một cách hiệu quả, giúp tăng cường sức đề kháng và củng cố hệ miễn dịch của con người nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài.
2. Chống ôxy hóa cao, ngăn ngừa quá trình lão hóa da
Chính vì rất giàu các vitamin, đặc biệt là vitamin C nên mít cũng có những công dụng tuyệt vời đối với việc làm đẹp. Lượng vitamin C dồi dào có trong mít sẽ tham gia vào quá trình vô hiệu hóa các tác nhân gây nên việc ôxy hóa trong cơ thể và thải chúng ra ngoài. Góp phần ngăn ngừa sự lão hóa da và các cơ quan chức năng của cơ thể.
Bên cạnh việc ngăn ngừa lão hóa, các vitamin và khoáng chất có trong mít sẽ tham gia vào quá trình tái tạo collagen, giúp da đàn hồi, liền sẹo và trở nên tràn đầy sức sống.
3. Hỗ trợ cho các hoạt động của hệ tiêu hóa
Mít chứa khá nhiều các chất có công dụng chống loét, kháng viêm hiệu quả và có tác dụng rất tốt trong việc điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh đó, loại quả này cũng rất giàu chất xơ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tiêu hóa, trị táo bón và thanh lọc các độc tố có trong ruột, giúp chúng ta ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh đường ruột.
4. Bổ sung năng lượng cho cơ thể
Mít là loại trái cây lý tưởng để cung cấp năng lượng cho cơ thể chúng ta gần như ngay lập tức vì rất giàu các loại đường fructose và glucose. Đây là 2 loại đường chủ yếu sẽ chuyển hóa thành các dạng carbohydrate và calo để bổ sung cho cơ thể một cách nhanh chóng. Tuy chứa nhiều calo, nhưng mít lại không hề có các thành phần gây hại cho sức khỏe như chất béo bão hòa và cholesterol.
5. Giúp xương chắc khỏe
Khi ăn mít, cơ thể chúng ta sẽ được cung cấp một lượng magie đáng kể, đây là loại chất khoáng có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ canxi và kết hợp với canxi để giúp xương chắc khỏe hơn, bổ sung lượng canxi bị đào thải qua nước tiểu và tăng mật độ xương cho cơ thể.
6. Ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Sắt là một loại chất khoáng quan trọng góp phần bổ sung và ngăn ngừa thiếu máu cho cơ thể của chúng ta. Và sắt cũng là một trong những chất khoáng có rất nhiều trong mít.
Đặc biệt hơn nữa, lượng vitamin dồi dào trong mít, tiêu biểu là vitamin C sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt một cách tối ưu.
7. Tốt cho mắt
Vitamin A có trong mít giúp cải thiện và bảo vệ thị lực cho chúng ta |
Ngoài tác dụng chống ôxy hóa hiệu quả, mít còn chứa nhiều vitamin A, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện tầm nhìn và nuôi dưỡng mắt khỏe mạnh.
Các vitamin có trong mít, đặc biệt là vitamin A và khả năng chống ôxy hóa của mít sẽ bảo vệ mắt khỏi các gốc tự do, ngăn ngừa quá trình thoái hóa võng mạc, giúp bảo vệ mắt khỏi nguy cơ mắc phải các bệnh về thị giác như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng.
8. Hỗ trợ duy trì huyết áp ổn định
Mít có chứa hàm lượng lớn Kali, một loại chất khoáng có tác dụng điều hòa các chất lỏng và điện giải trong cơ thể, làm thư giãn các mạch máu, góp phần trong việc điều hòa huyết áp và ngăn ngừa các nguy cơ đột quỵ vì cao huyết áp.
9. Phòng chống ung thư
Một trong những lợi ích tuyệt vời nhất của loại trái cây này chính là khả năng phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chính tác dụng chống ôxy hóa cao ở mít đã hỗ trợ đào thải các gốc tự do trong cơ thể, ngăn ngừa việc sản xuất các tế bào ung thư.
Những lưu ý khi ăn mít để tránh gây hại cho sức khỏe
Tuy mít mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho cơ thể, thế nhưng loại quả này hoàn toàn có thể mang lại những “tác hại” nhất định nếu bạn không biết những lưu ý khi ăn.
Thứ nhất, không nên ăn quá nhiều mít một lúc, vì trong mít có chứa rất nhiều các loại đường, nếu dung nạp vào cơ thể quá mức có thể gây nóng trong người, nổi mụn hoặc khiến bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt.
Do đó, tốt nhất chỉ nên ăn không quá 100g mít mỗi lần, và hãy ăn sau bữa ăn của bạn từ 1-2 tiếng. Tránh ăn khi bụng đang đói và chúng ta cũng không nên ăn mít vào chiều tối đâu nhé.
Đối với những người có cơ địa nóng, dễ bị mụn nhọt, rôm sẩy, sau khi ăn mít nên uống thật nhiều nước và ăn nhiều rau xanh để giải nhiệt cho cơ thể. Tốt nhất bạn chỉ nên ăn từ 3-4 múi mít một lần thôi để tránh các triệu chứng khó chịu gây ra bởi nóng trong người.
Ngoài ra, khi ăn mít cần chú ý nhai thật kỹ vì các múi mít thường rất dày, có những loại mít cũng sẽ dai và cứng hơn có thể gây đầy bụng, khó tiêu và làm hại cho dạ dày của bạn.
Những ai không nên ăn mít?
Vì lượng dinh dưỡng trong mít khá cao, do đó không phải tất cả mọi người đều có thể ăn và hấp thụ các chất có trong loại quả này. Những người bị mắc các bệnh sau đây tốt nhất không nên ăn mít:
Những người bị mắc các bệnh về gan: Những người mắc các bệnh về gan như gan nhiễm mỡ hay viêm gan không nên ăn mít vì lượng đường trong mít có thể khiến gan làm việc nặng hơn để chuyển hóa.
Mít có thể gây đầy bụng đối với người đang bị suy nhược cơ thể |
Người bị suy nhược cơ thể: Tuy mít rất tốt cho cơ thể, nhưng lại dễ gây đầy bụng và khó tiêu đối với những người có sức khỏe kém hoặc vừa khỏi bệnh, dẫn đến hiện tượng mệt mỏi, thiếu sức sống. Do đó, những người có thể chất suy nhược, hoặc đang trong giai đoạn hồi phục sau khi bệnh cũng không nên ăn loại quả này.
Người bị bệnh tiểu đường: Người bệnh tiểu đường luôn phải chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể kiểm soát tốt nhất lượng đường huyết trong cơ thể. Trong mít có chứa tới 2 loại đường là glucose và fructose, cả hai loại này đều sẽ nhanh chóng được chuyển hóa và hấp thu ngay khi đi vào trong cơ thể. Do đó, chắc chắn đây không phải là loại trái cây thích hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Người bị suy thận: Người mắc bệnh suy thận tốt nhất không nên ăn mít. Loại quả này rất giàu Kali, loại chất khoáng có khả năng ứ đọng lại trong cơ thể nếu thận không đủ khỏe để thực hiện các chức năng của mình. Khi cơ thể thừa kali sẽ dẫn đến hiện tượng tăng kali máu, có nguy cơ gây ngừng tim mà không hề có dấu hiệu nào báo trước.
Các bệnh mãn tính khác: Đối với những người mắc các bệnh mãn tính, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng cũng như những lưu ý trước khi sử dụng bất kỳ một loại thực phẩm nào. Đối với mít, những người bị các bệnh mãn tính chỉ nên ăn tối đa khoảng từ 3 đến 4 múi cho một ngày.
Người đang có dự định mang thai: Các bác sĩ cũng khuyên rằng, những người đang có dự định và ý muốn mang thai tốt nhất không nên ăn mít. Vì loại quả này có chứa các chất có thể gây ức chế sự ham muốn tình dục cũng như làm giảm khả năng và sức lực ở nam giới.
Cách chọn mua mít sạch và không bị ngâm thuốc
Vì giá trị dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon đặc trưng, mít cũng là một trong những loại trái cây được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều ở nước ta. Thế nhưng hiện nay, việc các loại mít được tiêm và ngâm hóa chất để mau chín, có màu đẹp và thời gian bảo quản lâu đang là mối e ngại lớn đối với người tiêu dùng.
Để có thể chọn mua được mít sạch, và nhận biết các loại mít chín cây hay mít ngâm hóa chất, chúng ta cần ghi nhớ những đặc điểm sau đây:
Mủ mít:
Mít không bị ngâm thuốc thường rất ít mủ |
Một trong những cách nhận biết đơn giản nhất xem mít có bị tiêm thuốc hay không là dựa vào mủ mít. Mít chín cây thường ít mủ, mủ mít trong và không có màu trắng đục.
Ngược lại, mít bị tiêm thuốc khi cắt ra thường chảy khá nhiều mủ, có màu trắng như sữa do các tác động của thuốc.
Gai mít:
Mít chín cây có thân mềm, gai thưa dần và không nhọn như khi còn xanh, còn đối với mít bị tiêm thuốc ép chín ngay từ lúc còn xanh thì vỏ sẽ cứng, gai nhọn và xếp dày đặc trên vỏ quả.
Mùi thơm của mít:
Mít chín cây có mùi rất thơm, ngay từ xa đã có thể cảm nhận được. Nhưng mít bị thúc chín thì ngược lại, mùi thơm rất nhẹ, thoang thoảng phải kề sát mũi vào mới có thể ngửi được. Đôi khi thậm chí còn không có mùi gì.
Các múi mít:
Đối với mít chín cây, các múi mít thường có màu vàng óng đẹp mắt, thịt mít dày, có vị ngọt bùi, mùi thơm thoang thoảng. Xơ mít thường có màu trắng hoặc vàng nhạt.
Mít được tiêm thuốc thúc chín vẫn có múi mít màu vàng, trông rất ngon và đẹp mắt, tuy nhiên khi ăn sẽ bị sượng, không ngọt bùi như mít chín cây. Bên cạnh đó, xơ mít cũng sẽ có màu vàng hệt như múi mít vì tác động của thuốc được tiêm vào.
Những món ăn ngon với mít
Ngoài việc có thể được ăn không như một loại trái cây, mít còn có thể được dùng để chế biến thành các món ăn ngon và độc đáo vô cùng. Chúng ta hãy cùng nhau bỏ túi ngay các công thức để chế biến những món “ăn là ghiền” cùng loại quả dinh dưỡng này:
1. Gỏi mít non
Nguyên liệu:
- 100 gram thịt nạc
- 200 gram mít non
- 1 củ cà rốt
- 1/2 củ hành tây
- Các loại gia vị, rau răm, tỏi, chanh, ớt.
Cách làm:
Bước 1: Thịt nạc rửa sạch, luộc với một chút muối đến khi chín. Sau đó để nguội và thái sợi.
Bước 2: Mít và cà rốt cắt sợi, sau đó luộc sơ khoảng 10 phút rồi xả lại với nước đá lạnh để giữ độ giòn cho rau củ.
Bước 3: Pha nước mắm với tỏi, chanh, ớt và các gia vị theo khẩu vị thích hợp của bạn. Sau đó trộn đều với thịt, mít và cà rốt.
Bước 4: Cho thêm các loại rau răm và đậu phộng đã thái nhỏ để tăng hương vị cho món ăn.
Món này được dùng như món khai vị cho các bữa tiệc, hoặc dùng chung với cơm nóng trong bữa ăn gia đình cũng đều rất ngon.
2. Xôi mít
Xôi mít là món ăn mới lạ và rất được giới trẻ ưa chuộng |
Nguyên liệu:
- 300 gram gạo nếp
- 350 ml nước cốt dừa
- Lá dứa xay nhuyễn, lọc lấy nước
- Cơm dừa bào sợi
- Các múi mít được tách hạt
- Màu thực phẩm hoặc nước lá cẩm.
- Đường, muối, đậu phộng
Cách làm:
Bước 1: Gạo nếp vo sạch, chia làm 3 phần ngâm qua đêm. Trong đó một phần ngâm với nước lá dứa, một phần ngâm với nước lá cẩm và một phần ngâm với nước lạnh.
Bước 2: Nấu 200 ml nước cốt dừa với khoảng 20g đường và một nhúm muối, có thể pha thêm một chút bột năng để tạo độ sánh cho nước cốt dừa. Khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp sánh lại. Tắt bếp và để nguội.
Bước 3: Trộn từng phần nếp đã ngâm với một chút muối hạt, cho vào xửng hấp riêng biệt trong 10 phút. Sau đó trộn đều với phần nước cốt dừa đã chuẩn bị ở bước 2, xới đều tay và tiếp tục hấp trong 10 phút nữa.
Bước 4: Cho xôi đã được hấp chín vào các múi mít, trang trí với dừa bào và muối đậu phộng. Khi ăn có thể chan thêm nước cốt dừa để tạo độ béo cho món ăn. Đây là món xôi rất thơm ngon và mới lạ, thích hợp cho những dịp tụ họp gia đình, bạn bè.
3. Kem mít
Nguyên liệu:
-150ml kem tươi (whipping cream)
- 40 gram sữa đặc có đường (gia giảm tùy theo khẩu vị)
- 50 gram đường (tùy khẩu vị)
- 30ml sữa tươi không đường
- 300 gram thịt mít đã tách hạt.
Cách làm:
Bước 1: Mít cắt nhỏ, sau đó cho 2/3 vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn cùng 30ml sữa tươi không đường.
Bước 2: Đánh bông kem tươi bằng máy, sau đó cho sữa đặc vào trộn đều. Lưu ý trộn nhẹ tay để tránh làm lớp kem đã đánh bông bị chảy.
Bước 3: Cho hỗn hợp đã xay nhuyễn ở bước 1 vào trộn đều cùng hỗn hợp kem tươi. Cuối cùng trộn đều với phần mít cắt nhỏ đã được chừa lại.
Bước 4: Đổ hỗn hợp ra khuôn, cho vào ngăn đông tủ lạnh trong 6 tiếng. Sau 6 tiếng, lấy kem ra và xới đều để phần nước trong kem không bị kết đá, sau đó cho vào ngăn đông thêm 2 tiếng. Lưu ý là chúng ta càng chịu khó xới nhiều thì kem sẽ càng mịn và ngon hơn. Đây là món ăn lý tưởng cứu cánh cho những ngày hè nóng nực.
4. Chè mít
Nguyên liệu:
- 300 gram thịt mít đã tách hạt, bỏ xơ
- 50 gram bột năng
- 1 gói thạch sương sáo đen
- 500ml sữa tươi không đường
- 150ml nước cốt dừa
- Sữa đặc, đường và bột báng.
Cách làm:
Bước 1: Pha nước cốt dừa với lượng đường tùy theo khẩu vị của bạn, thêm một thìa sữa đặc để tạo độ ngậy. Khuấy đều hỗn hợp cho tan đường, sau đó cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
Bước 2: Làm thạch sương sáo theo hướng dẫn trên bao bì. Đợi cho thạch đông thì dùng dao cắt thành các miếng vừa ăn.
Bước 3: Nhào bột năng với một chút nước sôi cho đến khi bột ẩm mịn, không còn dính tay. Có thể cho thêm một chút màu thực phẩm cho đẹp mắt. Nặn bột thành các viên nhỏ bằng nhau, sau đó luộc chín với nước sôi. Khi bột chín sẽ nổi lên trên mặt nước, vớt bột rồi cho vào một tô nước đá lạnh.
Bước 4: Luộc bột báng và cũng cho vào một tô nước đá sau khi vớt để tránh bột dính vào nhau.
Bước 5: Mít thái sợi vừa ăn.
Bước 6: Cho lần lượt các nguyên liệu vào ly với liều lượng vừa đủ, chan nước dừa đã chuẩn bị ở bước 1 vào và sử dụng. Có thể dùng kèm với đá tùy theo khẩu vị của bạn. Chè mít có vị ngọt dịu, thơm lừng và rất thích hợp để giải nhiệt cho những ngày hè nóng bức.
Tuy là một loại trái cây dân dã và vô cùng phổ biến ở Việt Nam, nhưng chúng ta không thể phủ nhận được những lợi ích tuyệt vời mà quả mít mang lại cho sức khỏe con người. Thế nhưng, chúng ta cũng cần chú ý ăn mít sao cho đúng cách để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho bản thân và cho cả những thành viên trong gia đình.
Hạnh Nguyên
Theo Tạp chí Sống Khỏe