Hợp tác quảng cáo

Thói quen ăn uống 'vô tộ vạ' của người Việt dễ sinh bệnh

Phía sau những thói quen ăn uống đầy ngẫu hứng và cảm tính của người Việt là những nguy cơ gây bệnh rập rình.

Những thói quen rất Việt

Ai cũng biết tiết kiệm là tốt, nhưng nhiều người chỉ vì quá tiết kiệm hay vì thâm tình nể nang mà vô tình rước bệnh vào thân. Hình ảnh không xa lạ ở các bữa cơm Việt là nhiều người sau khi ăn xong cứ luôn tay xoa bụng, miệng thì kêu “no quá, no quá” nhưng vẫn có thể cố “nhồi” thêm vài món nữa chỉ vì tính tiết kiệm, tiếc của, tiếc công người nấu…

Họ cứ cố như thế đến mức, sau một bữa ăn, nhiều người đã phải lăn ngay ra giường với chiếc bụng phình to như trống. Thói quen ăn này không chỉ làm cơ thể bạn khó ở ngay lúc đó mà nó còn khiến dạ dày bạn quá tải dễ dẫn đến tình trạng đau, loét hoặc bội thực tiêu hóa dẫn tới tiêu chảy.

Thoi quen an uong 'vo to va' cua nguoi Viet de sinh benh

Thói quen ăn uống ngẫu hứng và cảm tính của người Việt dễ sinh bệnh. (Ảnh minh họa)

Một anh bạn Việt kiều của tôi thường nói rằng: “Có đi cùng trời cuối đất vẫn nhớ mãi những buổi nhậu lai rai ở quê hương”, quả thật trên thế giới ít có dân tộc nào ưa chuộng cái sự lai rai như Việt Nam. Đây là thói quen rất được các ông ưa chuộng khi cứ nhắm nhá vừa ăn vừa hàn huyên chuyện chính sự, làm ăn... Một người khách lỡ có đến muộn cả giờ đồng hồ vẫn có thể nhập mâm và tiếp tục ngồi thêm mấy tiếng nữa.

Khuyến cáo sống khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới: Không nên ăn no 10/10 mà chỉ 8/10.

Ngoài ra, Việt Nam mình cũng rất hay có cảnh nhiều gia đình chỉ có bữa cơm để hội tụ đông đủ nên dồn nhiều chuyện vào bữa ăn. Họ cứ thong thả vừa ăn vừa lai rai vừa nói, đôi khi mải trao đổi mà không rõ mình đã gắp những món gì, đã ăn được bao nhiêu… Thói quen này diễn ra thường xuyên sẽ khiến cho dạ dày của bạn không “chuyên tâm” dễ bị xáo trộn hoạt động tiêu hóa khiến hấp thụ kém nên hay phát sinh tình trạng đau dạ dày.

Một trong những kiểu ăn rất có hại cho sức khỏe nhưng được người Việt ta ưa chuộng là ăn đồ tái sống. Thay cho những lầm tưởng về cách ăn này sẽ giúp thức ăn giữ được nguyên chất dinh dưỡng, khoa học đã chứng minh rằng kiểu ăn tái sống này ngoài việc gây ra tình trạng ngộ độc cấp thì còn gây ra một hậu quả khác cũng không kém phần nguy hiểm, đó là tình trạng nhiễm giun sán.

Có rất nhiều loại vi khuẩn gây nên bệnh lý ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy cấp như tụ cầu vàng, E.coli, phẩy khuẩn tả, salmonela, rotavirus, shigela… chúng có thể tồn tại trong tất cả các loại thực phẩm, thức ăn, nước uống của chúng ta nếu không đảm bảo vệ sinh.

Sự thực thì có nhiều người nghĩ rằng nếu có nhiễm giun sán, cùng lắm chỉ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu, thiếu máu mạn tính và uống thuốc là có thể hết.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc nhiễm giun sán gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Bệnh giun xoắn sẽ lây từ súc vật sang người khi ta ăn phải thịt lợn, bò… có ấu trùng chưa được nấu chín từ các món như nem sống, thịt lợn tái, thịt hun khói hoặc ướp muối, ăn tiết canh lợn…

Biểu hiện lâm sàng là các triệu chứng sốt, đau cơ, phù nề, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Để đề phòng, mọi người nên nói không với món tái sống. Vì khi cơ thể nhiễm sán lá gan lâu ngày có thể gây xơ gan mật, ung thư biểu mô gan, viêm đường mật.

Thói quen chỉ uống khi khát và ít ăn hoa quả cũng khiến chúng ta nhanh chóng kết bạn với các chứng bệnh đường tiêu hóa. Vì chỉ uống nước khi thấy khát nên nhiều người không nạp đủ 2 lít nước/ngày. Hoa quả còn chưa được xem là khẩu phần ăn mà chỉ là thưởng thức, ăn chơi bời nên lượng chất xơ của nhiều người Việt bị thiếu. Điều này dễ dẫn tới tình trạng táo bón, đại tràng, sỏi thận.

Khổ nhục chỉ vì miếng ăn

Với người Việt Nam, gánh hàng rong còn đâu đó là những kỷ niệm, là thú vui lang thang thưởng thức những món dân dã nhưng hệ lụy của nó là dễ gây ra dịch tiêu chảy cấp khi tỷ lệ hàng rong đạt tiêu chuẩn vệ sinh ở ta lại rất ít nên tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra liên tục trong cộng đồng thời gian qua là dễ hiểu.

Thoi quen an uong 'vo to va' cua nguoi Viet de sinh benh

Thức ăn đường phố mất vệ sinh có thể khiến bạn dễ bị ngộ độc. (Ảnh minh họa)

Hầu hết nhiễm trùng gây tiêu chảy cấp lây truyền qua đường phân-tay-miệng, qua nước uống và thức ăn nhiễm bẩn. Biểu hiện lâm sàng ngoài việc tiêu chảy cấp, thường có kèm theo nôn mửa, đau bụng, sốt và các biểu hiện toàn thân khác tùy theo từng nguyên nhân. Các biểu hiện trên thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút - 12 tiếng.

Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt ở trẻ em, nếu không rất dễ gây rối loạn nước và điện giải, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngay tại nhà, cần bù nước cho người bệnh bằng dung dịch osezole hoặc viên hydrite. Nhưng cần chú ý pha dung dịch bù nước phải theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói osezole hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.

Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây tiêu chảy mà có thể sử dụng kháng sinh, thuốc làm chậm nhu động ruột hoặc men tiêu hóa. Tuy nhiên chỉ có bác sĩ mới có quyền chỉ định cho trẻ dùng thuốc gì, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc cho bé tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Để dự phòng thực hiện ăn chín, uống sôi, tạo lập thói quen rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh, quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường, đặc biệt quản lý tốt chất thải của con người nhất là của những bệnh nhân tiêu chảy cấp.

Việc sử dụng thực phẩm muối đã trở thành thói quen lâu đời của nhiều người Việt nhưng gần đây khi fastfood du nhập thì đồ muối và đồ hun khói càng cộng hưởng làm gia tăng ung thư dạ dày. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng khu dân cư có thói quen ăn thực phẩm ninh nhừ, đồ muối, hun khói thì tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn khu dân cư duy trì ăn rau xanh, hoa củ quả.

Trong thói quen fastfood mới của nhiều người Việt thì thịt nguội là thủ phạm quan trọng khiến cho ung thư đại trực tràng tăng cao. Đó là bởi chế độ ăn này có liên quan đến thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, thịt trâu). Do đó, mỗi người không nên ăn quá 500g thịt mỗi tuần và tránh ăn thịt nguội. Một số nghiên cứu khác thì cho rằng người ăn nhiều chất xơ thì ít có nguy cơ ung thư đại tràng hơn người ăn ít chất xơ.

Bên cạnh đó, thói quen chiên đi rán lại thức ăn nhiều lần của nhiều bà nội trợ Việt Nam cũng vô cùng nguy hiểm. Đó là vì các thực phầm chiên rán ở nhiệt độ cao, rán lại nhiều lần khiến dầu mỡ đã bị hydrogen hóa thành chất béo xấu (dạng bão hòa). Cộng thêm lối sống hiện đại còn du nhập nhiều món chiên rán với nhiều chất phụ gia, bột ngọt, gia vị, đường chế biến, phẩm màu…Tất cả điều đó đã không chỉ gây ra các biểu hiện khó chịu ở hệ tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, nóng rát, làm gia tăng tình trạng trào ngược dạ dày thực quản và ảnh hưởng hệ tim mạch.

Ths, BS. Nguyễn Bạch Đằng

(Học viện Quân y)

 Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Làm đẹp

Gia đình khỏe

Sống tâm lý