Hợp tác quảng cáo

Thực đơn tốt cho người đau dạ dày

Nhiều bệnh nhân đau dạ dày tưởng mình phải chấm dứt niềm vui ăn uống vì cứ sợ sướng mồm hại thân. Nhưng nếu bạn biết lựa chọn thực phẩm một cách khoa học thì vẫn được ăn ngon, lại không hại sức khoẻ.

NÊN ĂN

- Gạo nếp, bột sắn, bánh mỳ: Là thực phẩm có tính bao bọc niêm mạc dạ dày. Thức ăn nên nghiền nát ở dạng lỏng để giảm số lần co bóp trong dạ dày. Những thức ăn này mềm, dễ tiêu hóa, lại có chất kiềm, có tác dụng làm bão hòa axit trong dạ dày.

- Cây mía: Rất thích hợp cho người đau dạ dày vì nó có nhiều chất dinh dưỡng như đạm, calci, khoáng, sắt, nhiều nhất là đường. Mía bổ sung dinh dưỡng cho cơ bắp, thanh nhiệt, giải khát, xóa tan mệt mỏi, trợ giúp tiêu hóa. Nước mía có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, tiểu tiện nước đỏ và rất bổ dưỡng.

- Ăn các loại rau như: súp lơ, cà rốt, rau muống, rau dền, rau cải xoong, rau mồng tơi… vì nó bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: axit folic, vitamin A, D, K, canxi, sắt, kẽm, magie.

- Nghệ mật ong: Hàm lượng curcumin trong nghệ có khả năng làm lành vết loét dạ dày và đồng thời là chất chống ôxy hóa cực mạch có khả năng giải độc gan, phòng ngừa ung thư... Người bệnh nên uống trước bữa ăn là tốt nhất để mật ong phát huy tác dụng.

KHÔNG NÊN ĂN

- Những loại có vị chua, và các loại hoa quả chua nhiều axit: Các thực phẩm có vị chua sẽ kích thích việc tiết axit và các men tiêu hóa trong dạ dày. Khi lượng axit và men tiêu hóa quá nhiều sẽ gây ra viêm loét dạ dày.

- Thực phẩm cay nóng, các loại gia vị có tính kích thích như hành, tỏi, ớt; Các chất hoá học có tính kích thích niêm mạc dạ dày như: cà phê, trà đặc, rượu mạnh, khoai lang, khoai tây, bánh kẹo… Bởi vì, khi ăn quá nhiều có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho các lớp niêm mạc dạ dày, dẫn tới hiện tượng bỏng hoặc xuất huyết dạ dày, làm bệnh càng nặng hơn.

- Thức ăn cứng, thô ráp: Các loại quả khô, lương thực cứng, rau cần, hẹ, dưa, măng… là những loại thức ăn khó tiêu hoá, làm hỏng niêm mạc dạ dày, khó lành chỗ loét, thậm chí càng loét thêm.

- Cẩn thận với sữa: Trước đây, người ta nghĩ rằng việc uống một ly sữa có thể làm giảm chứng đau dạ dày. Chuyện này đúng, nhưng chỉ đúng cho lúc đó. Sau khi ăn một lúc, sữa kích thích các tuyến axit trong dạ dày, khiến chúng hoạt động nhiều hơn.

- Đồ ăn lạnh: Những thức ăn hoặc đồ uống lạnh sau khi đi vào dạ dày sẽ làm nhiệt độ trong dạ dày giảm đi rõ rệt. Các mao mạch trong thành dạ dày sẽ co lại ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp nhận cũng như co bóp để tiêu hoá thức ăn.

- Chè đỗ xanh: Trong đỗ xanh có chứa một số hàm lượng dinh dưỡng còn cao hơn thịt gà, nên trong thời gian ngắn khó mà tiêu hóa hết. Hơn nữa đỗ xanh thuộc loại thức ăn lạnh, vì vậy, sau khi ăn bệnh dễ bị tái phát.

Cách ăn cho từng giai đoạn đau dạ dày

- Khi mới đau thì ăn những đồ mềm nhuyễn như cháo, súp… mỗi lần 100ml sau đó tăng dần, nên ăn 6 bữa/ngày.

- Sau đó ăn các loại thức ăn khác như: gạo nếp, bánh mỳ, bánh quy; thịt, cá nghiền nát. Khi ăn nhai kỹ để thức ăn thấm nước bọt trước khi nuốt.

- Tiếp tục ăn từ 5-6 bữa/ngày, ăn thức ăn mềm, nấu chín nhừ cho đến khi cơn đau dứt hẳn.

 Nguyễn Ánh

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Làm đẹp

Gia đình khỏe

Sống tâm lý