Hải sản là một nguồn thực phẩm cung cấp lượng dinh dưỡng dồi dào. Tuy nhiên, ăn nhiều hải sản không tốt như nhiều người vẫn nghĩ.
Hải sản rất giàu dinh dưỡng, đây là nguồn thức ăn rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, bất cứ loại đồ ăn nào ăn nhiều cũng không tốt. Tất cả đều có một giới hạn nhất định để bộ máy tiêu hóa có thời gian chuyển hóa thành dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Ăn nhiều hải sản không tốt như thế nào?
1. Gây đầy bụng khó tiêu
Hải sản rất có lợi cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn hải sản giàu protein vì thế nếu ăn quá nhiều hải sản, nhiều người có thể bị dị ứng, hoặc do cơ thể không tiêu hóa kịp dẫn đến trướng bụng, đau bụng, nôn, tiết tả...
Ăn nhiều hải sản có thể gây đầy bụng khó tiêu |
Vì vậy, khi ăn hải sản, bạn nên ăn một lượng vừa đủ. Khi ăn một món hải sản mới, nên ăn ít một để xem mình có bị dị ứng hay không.
2. Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân
Các nhà khoa học đã đưa cảnh báo dành cho người tiêu dùng về nguy hại của thủy ngân trong các loại hải sản. Theo nghiên cứu, hàm lượng thủy ngân trong các loại hải sản càng ngày càng cao, nếu cơ thể bị nhiễm thủy ngân quá mức an toàn, có thể gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em và thai nhi.
Cá hồi có hàm lượng thủy ngân thấp ở mức cho phép |
Thời gian gần đây, do tác động của ngành công nghiệp phát triển không ngừng, mức độ ô nhiễm gia tăng, nhiều doanh nghiệp không xử lý chất thải công nghiệp đúng tiêu chuẩn. Họ đổ hóa chất độc hại thải ra biển ngày càng nhiều làm cho hàm lượng thủy ngân trong hải sản càng cao. Điều này đặc biệt gây nhiều hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng, như ảnh hưởng hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp và thận.
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hải sản đều chứa hàm lượng thủy ngân cao hay hấp thụ nhanh lượng thủy ngân trong nước biển. Các bà nội trợ có thể yên tâm lựa chọn loại hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp là tôm, cá hồi.
Để bảo vệ môi trường biển cũng như đảm bảo an toàn cho đồ ăn hải sản, cộng đồng quốc tế cần nâng cao ý thức tránh thải các chất thải độc hại, nhất là thủy ngân ra môi trường biển.
3. Nguy cơ nhiễm giun sán
Các món hải sản dùng để ăn sống được rất nhiều người ưa chuộng như hàu tái chanh, gỏi cá, gỏi tôm….
Hàu tái chanh là món ăn nhiều người ưa thích |
Tuy nhiên, trong hải sản sống hoặc chưa nấu chín có chứa rất nhiều ký sinh trùng như: giun tròn, sán dây, sán lá gan... Khi ăn các loại hải sản chưa được nấu chín, các loại ký sinh trùng không bị tiêu diệt, rất dễ gây nhiễm giun sán vào cơ thể người.
Những điều chú ý khi ăn hải sản
Để bảo vệ sức khỏe cũng như an toàn thực phẩm khi sử dụng hải sản, bạn cần chú ý những điểm sau.
- Không ăn hải sản đã chết: Với những hải sản có vỏ như ốc, ngao, hàu, tu hài, sò huyết… nếu ăn phải những con chết sẽ gây dị ứng. Ngoài ra, acid béo không bão hòa chứa bên trong có thể dễ dàng bị oxy hóa.
- Không nên uống bia cùng hải sản: Rất nhiều gia đình có thói quen ăn hải sản cùng với uống bia, vị họ nghĩ uống bia giúp tiêu hóa hải sản tốt hơn. Tôm, cua, ghẹ và các loại hải sản khác khi gặp men bia dễ làm tăng hàm lượng acid uric, mà acid uric lại là nguyên nhân gây bệnh sỏi thận, bệnh gout...
- Không ăn các món gỏi chế biến từ hải sản: Khi ăn hải sản, cần chế biến thật kỹ, nấu chín để tiêu diệt hết các vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.
- Không ăn hải sản cùng trái cây: Các loại hải sản rất giàu protein và canxi, trong khi đó, trái cây chứa nhiều tannin. Khi ăn hoa quả ngay sau khi ăn đồ hải sản làm giảm sự hấp thụ protein, canxi của cơ thể, hơn nữa có thể gây ra buồn nôn, đau bụng và các triệu chứng khác. Vì vậy, hai thực phẩm này tốt nhất nên ăn cách nhau 2 giờ.
Ăn nhiều hải sản không tốt không có nghĩa là các bà nội trợ loại trừ hải sản ra khỏi thực đơn hàng ngày của gia đình mình. Hải sản là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cũng như chế biến được nhiều món ăn ngon. Hãy sử dụng hải sản đủ liều lượng để vừa có được những món ăn ngon mà không bị ảnh hưởng bởi những tác động không tốt.
Khuyên Vũ
Theo Tạp chí Sống Khỏe