Ăn nhiều trứng có thể gây hại gan, hại đến thai nhi,… đó là những khuyến cáo khi ăn trứng. Tuy nhiên, ăn trứng có thực sự nguy hiểm đến vậy?
Ăn trứng không có hại
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) trước nhiều ý kiến cho rằng ăn quá 3 quả trứng/tuần sẽ gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên, đó chỉ là với những trường hợp cơ thể không khỏe mạnh.
PGS.TS Lâm cho biết, về nguyên tắc, chúng ta có thể ăn trứng thoải mái, duy chỉ có một số đối tượng mắc các bệnh về mỡ máu, gan, tiểu đường… mới cần lưu ý nhất định. Ngay cả với trẻ nhỏ, việc ăn mỗi ngày một quả trứng cũng không sao. Do đó, không cần quá lo lắng nếu bạn thích ăn trứng.
Ăn nhiều trứng vịt lộn cũng không gây hại cho gan như một số trang mạng đưa tin. Thực tế, chưa hề có bất cứ cơ sở khoa học về vấn đề này. Với những người có sức khỏe bình thường, ăn trứng không hề có hại. Có chăng, nếu ăn quá nhiều sẽ gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi… Tuy nhiên, khi điều chỉnh lại lượng trứng vào cơ thể cho hợp với thể trạng, tình trạng này sẽ biến mất.
“Chưa có bất kỳ bằng chứng của việc ăn nhiều trứng gây hại cho sức khỏe. Kể cả bạn ăn trứng mỗi ngày cũng không sao. Thực chất, trứng là một thực phẩm bổ dưỡng và giá khá rẻ so với những thực phẩm khác. Có những người ăn vì thích, song cũng có những người buộc phải ăn trứng triền miên. Ăn trứng như vậy tất nhiên không khoa học bởi chúng ta cần ăn uống cân bằng dinh dưỡng giữa các thực phẩm. Tuy nhiên, nếu bạn lỡ ăn nhiều trứng thì cũng không cần phải lo lắng về điều này”, bà Lâm nói.
Sở dĩ người ta nghĩ rằng ăn nhiều trứng không tốt là do lượng cholesterol có trong trứng, cụ thể là trong lòng đỏ của trứng. Mỗi quả trứng trung bình 17gr chứa tới 220mg cholesterol và nhiều chất béo, chủ yếu là axít bão hòa. Tuy nhiên, khả năng đào thải cholesterol ở cơ thể chúng ta rất tốt, ở trẻ em cũng vậy. Trong trứng gà còn có chứa chất lecithin, đây là chất rất tốt cho sức khỏe và có tác dụng giúp chuyển hóa cholesterol.
Vẫn theo Bà Lâm, bản chất trứng gà và trứng vịt đều có các thành phần dinh dưỡng như nhau, bổ dưỡng như nhau. Tuy nhiên, so với trứng gà, ăn trứng vịt dễ gây đầy bụng hơn do lượng chất béo nhiều. Đó chính là nguyên nhân, chúng ta vẫn hay cho trẻ nhỏ ăn trứng gà chứ không phải trứng vịt. Ngược lại, trong trứng gà lại nhiều hàm lượng kẽm, vitamin A hơn nên trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người ốm… vẫn hay ăn trứng gà để bồi bổ.
Riêng với lòng trắng trứng, bà Lâm cho biết, chúng ta có thể ăn bao nhiêu tùy thích bởi lòng trắng trứng không chứa chất béo, cũng không chứa cholestorol, lại rất tốt cho sự phát triển của cơ bắp.
Ai cần hạn chế?
Bà Lâm cũng cho biết thêm, riêng với những người mắc bệnh về gan, mỡ máu, suy thận, huyết áp cao thì nên ăn ít trứng, vì lượng cholesterol hấp thụ từ lòng đỏ trứng sẽ là nguy cơ khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề.
Người có mỡ máu cao: Lòng đỏ trứng có chứa nhiều cholesterol và nhiều lecithin (một chất điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể), những người có cholesterol máu cao, không nhất thiết phải kiêng hẳn trứng mà nên ăn trứng 2 lần/ tuần, mỗi lần ăn 1 quả.
Người bị bệnh tiểu đường: Trứng là loại thực phẩm chứa nhiều chất béo omega-3, là nguồn cung cấp vitamin, protein và nhiều dưỡng chất khác có lợi sức khỏe nhưng chúng cũng chứa rất nhiều cholesterol và chất béo bão hòa. Đây là những “thủ phạm” có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2.
Người mắc bệnh thận: Khi bị viêm thận, chức năng trao đổi chất của cơ thể giảm mạnh, lượng nước tiểu cũng giảm khiến thận không loại bỏ hết các độc tố ra khỏi cơ thể. Ăn trứng có thể làm lượng urê trong cơ thể tăng nhanh, từ đó, làm tình trạng viêm thận trở nên trầm trọng, thậm chí là gây nhiễm độc đường tiết niệu.
Bệnh nhân cao huyết áp: Khi ăn nhiều trứng có thể gây xơ vữa động mạch thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống kết hợp với tổn thương thận và dẫn đến suy thận mãn tính.
Người bị sỏi mật: Nếu dùng thức ăn có nhiều chất đạm như trứng gà, đường ruột sẽ tiết nhiều chất làm co bóp túi mật, bắt túi mật đang bị bệnh phải làm việc quá tải, gây đau đớn, nôn mửa...
Với những đối tượng có tiền sử về bệnh, bà Lâm cho biết tốt nhất nên ăn uống theo khuyến nghị của bác sĩ.
Chỉ ăn trứng đã nấu chín kỹ: Trứng gà, trứng vịt hay trứng cút đi chăng nữa thì khi chưa nấu chín kĩ (như trứng chần, trứng tráng sơ qua...) sẽ có hàm lượng dinh dưỡng thấp và khiến cơ thể khó tiêu hóa. Hơn nữa, trứng chưa chín kĩ sẽ khiến cơ thể dễ mắc những loại vi khuẩn gây hại tồn tại sẵn trong trứng, ví dụ như vi khuẩn salmonella. Ăn trứng luộc là bổ dưỡng nhất: Trứng luộc có khả năng bảo toàn và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn cả so với các loại trứng được chế biến kiểu khác. Ăn trứng chậm rãi: Ăn trứng chậm rãi mới đảm bảo hấp thụ dinh dưỡng và tiêu hóa tốt, tránh bị nghẹn khi ăn. Lưu ý vàng khi ăn trứng
Thanh Thanh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học