(SKGĐ) Mối nguy không chỉ đến từ những chiếc nem không nhãn mác, nem quá hạn mà ngay chiếc dây cao su buộc ngoài cũng mang nguy cơ.
Không nhãn mác, mập mờ về hạn sử dụng
Hàng ngày, trăm nghìn quán nhậu ở Hà Nội luôn nhập theo món nem chua đáp ứng sở thích của nhiều người. Chú Hải, chủ quán bia HB trên đường Nguyễn Trãi cho biết: “Nem chua từ lâu là một món ăn khoái khẩu của các khách nhậu. Dường như bàn nhậu nào cũng gọi món nem chua ăn kèm với các món đồ khác cho đỡ ngấy”.
Thực khách có thể thưởng thực đến khi no say với giá không đắt bởi mỗi chiếc nem chua chỉ có giá: 3000-4500 đồng. Giá rẻ, kèm theo hương vị thơm ngon, chua dịu, nem chua đem lại dư vị khó quên trong lòng mỗi thực khách.
Tuy nhiên, điều mà ít ai quan tâm, nhất là với các quí ông đã ngây ngây với hơi men bên bàn nhậu là nem chua thường không có nhãn mác ghi một số thông tin cơ bản: ngày sản xuất, hạn sử dụng, cửa hàng sản xuất… Ở một số nơi khác có tiến bộ hơn là có nhãn mác có đề tên cửa hàng và hạn sử dụng nhưng… không có ngày sản xuất.
Chị Lan, nhân viên quán HR (người trực tiếp lấy nem chua cho quán) trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Nem chua được lấy ở Phùng. Hôm nào cũng vậy, tùy theo độ ít nhiều được báo từ tối hôm trước, người ta sẽ mang đến tận nơi cho quán. Quán mình dùng tủ mát để bảo quản. Nếu hết nem, quán sẽ gọi tiếp, nếu còn thừa thì cuối ngày có người đến lấy về, hôm sau mang hàng mới đến”. Tuy nhiên, khi được hỏi làm sao phân biệt hàng mới hàng cũ thì chị Lan chỉ cười xòa: “Ừ thì họ nói thế nên mình yên tâm chứ có nhìn tận mắt đâu mà biết, trên nhãn mác lại có mỗi tên cửa hàng, không biết được sản xuất từ bao giờ. Cũng có nhiều trường hợp khách hàng dùng phải nem khô cứng hoặc đang bị mốc ở trong rồi nhưng bỏ đi thay bằng cái khác ăn được nên cũng chẳng sao, khách vẫn đến bình thường”.
Tại cửa hàng bia hơi LH trên đường Cầu Giấy, sau khi gọi một đĩa nem chua được buộc chặt bằng dây chun, chúng tôi bắt chuyện cùng cô nhân viên phục vụ còn khá trẻ. Cô lau láu: “Nem chua Thanh Hóa chính hiệu đấy ạ. Quán em đặt hàng của một chị, chị này có bà con làm từ Thanh Hóa gửi ra đấy ạ. Việc không có nhãn mác là do cơ sở sản xuất nhỏ, người ta còn bày đặt làm gì. Quán em đặt hàng ở đây lâu rồi nên các anh chị cứ yên tâm, đảm bảo lắm ạ”. Chủ cửa hàng thì có vẻ thành thật hơn: “Để nói về tiêu chuẩn cho món nem chua thì tôi không dám chắc, vì món đó hiện nay được sản xuất rất nhiều, rồi việc sản xuất đảm bảo hợp vệ sinh hay không, chúng tôi cũng chịu vì họ bán, họ nói thì mình biết thế thôi. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng tiêu thụ hết trong ngày, nếu không thì gửi trả họ để hôm sau họ đổi hàng mới”. Nhưng ai dám chắc, các nhà cung cấp sẽ không đóng gói, chế biến lại hàng cũ?!
Nguy cơ từ nhiều phía
[caption id="attachment_2528" align="aligncenter" width="487"]PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch hiệp hội Viện Thực phẩm chức năng, nem chua tuy là món ăn dân tộc vừa ngon vừa rẻ nhưng nhiều cơ sở sản xuất chưa đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.
PGS.TS Trần Đáng nêu rõ: “Dây cao su để buộc có thể bị lão hóa, tạo ra các chất: nitrozamin và các hóa chất trung gian gây nên ung thư. Khi bóc nem, bàn tay khiến các chất này rất dễ lẫn vào nem khiến người mang mầm bệnh. Ngoài ra, trong quá trính sản xuất nem, người ta dùng phụ gia. Tất nhiên là chất bảo quản có cho phép nhưng chỉ có giới hạn nhất định. Việc sử dụng chất bảo quản quá mức kết hợp nhiều phụ gia không rõ xuất xứ, nằm ngoài danh mục khiến món ăn trở nên độc hại mãn tính và phát triển khối u. Nem chua sử dụng vi sinh vật để lên men thịt. Do đó không kiểm soát được độ tinh khiết của sự lên men, có khả năng sản sinh ra chất axpegili, từ đó tạo ra độc tố aphlatoxine.
“Đây cũng là chất gây ung thư”.
Từ những lý do trên, PGS.TS Trần Đáng khẳng định: nem chua là món ăn có chứa nhiều độc tố gây ung thư. Nem chua quá hạn thì khả năng gây ung thư càng cao. Khi nem để quá hạn, nấm mốc phát triển thì cũng tăng hàm lượng ung thư và gây ung thư.
Để khắc phục tình trạng này, theo PGS TS Trần Đáng, cần phải kiểm soát các cơ sở sản xuất: vệ sinh nhà xưởng, nguyên liệu (lợn không bệnh, lợn bệnh mà còn có ấu trùng thì cực nguy hiểm…), dây cao su nên thay bằng loại dây khác: dây rơm, dây có nguồn gốc cây cỏ tự nhiên, lá chuối cũng cần được qua kiểm duyệt ở độ sạch sẽ, đảm bảo. Đặc biệt, mỗi người cần biết ngày sản xuất và hạn sử dụng để không xảy ra hiện tượng nấm mốc dẫn đến có độc tố gây ung thư.
Ngoài ra, PGS TS Trần Đáng cũng cảnh báo thêm, không chỉ nem chua mà thịt chua (món ăn nổi tiếng Phú Thọ), nếu không đảm bảo vệ sinh sản xuất thì cũng có nguy cơ gây ung thư giống nem chua.
N.H