Mỗi bộ phận trên cơ thể của chúng ta đều chịu trách nhiệm cho một chức năng quan trọng riêng biệt. Và để chăm sóc cho các bộ phận này luôn khỏe mạnh, việc rèn luyện chúng thường xuyên là rất quan trọng. Tiếc thay, có 3 bộ phận mà chúng ta hay bỏ quên rèn luyện nhất, điều này không nên vì chúng có thể khiến các chức năng bị suy giảm trong âm thầm.
Khi nghĩ về những kiểu bài tập này, chúng ta thường nghĩ đến việc tập luyện phần cơ trung tâm, cơ mông, chân và cánh tay. Nhưng nếu muốn thực sự quan tâm đến sức khỏe tổng thể của mình, chúng ta cần mở rộng hoạt động ra ngoài các nhóm cơ đó. Theo các chuyên gia, trên thực tế, có một số bộ phận mà chúng ta thường quên "tập thể dục" khi đang nỗ lực cải thiện sức khỏe của mình. Có thể kể đến như 3 bộ phận sau:
Các chuyên gia y tế cho biết, hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe của phổi. Phổi càng khỏe, dung tích chứa khí của phổi càng lớn thì nguồn oxy phổi tạo ra cho cơ thể càng nhiều. Các cơ quan trong cơ thể nhận được đủ lượng oxy cần thiết sẽ giúp vận hành các chức năng trơn tru hơn, việc trao đổi chất, tuần hoàn - lưu thông máu được diễn ra suôn sẻ, ta sẽ ít bị căng thẳng, ăn ngon - ngủ ngon. Và tất cả những điều này đều chính là yếu tố giúp hệ miễn dịch/ đề kháng của con người luôn vững vàng.
Nếu muốn tăng cường dung tích phổi, mọi người nên luyện tập thở nhiều hơn. Đặc biệt là nhóm người cao tuổi, vì lão hóa có thể khiến dung tích và chức năng phổi bị suy giảm, nếu không may bị các bệnh hô hấp tấn công dễ mắc phải bệnh viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính rất phiền phức, nguy hiểm. Theo đó, mọi người có thể rèn luyện phổi bằng bài tập thở cơ hoành, giúp tăng cường sức mạnh cơ hoành và các cơ bụng, đồng thời làm tăng cường lượng không khí di chuyển ra - vào phổi (tăng dung tích chứa của phổi) mà không làm mệt mỏi các cơ hô hấp ngực.
Kỹ thuật thở bằng cơ hoành có những bước như sau:
1. Nằm ngửa, thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn, tinh thần thoải mái
2. Đặt 1 bàn tay lên bụng và đặt bàn tay còn lại lên ngực
3. Hít một hơi thật sâu, với nhịp điệu đều và chậm, ngừng cho đến khi bàn tay trên bụng có cảm giác bụng phình lên. Lồng ngực không di chuyển
4. Giữ 2 giây, sau đó thở ra khi môi đang mím chặt.
Khi mới bắt đầu tập thở, mọi người không nên quá vội vàng mà chỉ hãy thực hiện từ 5 - 10 chu kỳ/ lượt, sau đó thư giãn thở đều tự nhiên 2 - 3 phút trước khi lặp lại lượt tiếp theo. Mỗi buổi từ 5 - 10 lượt, mỗi ngày tập từ 1 - 2 lần. Khi thành thạo kỹ thuật, không cần kiểm soát của hai bàn tay đặt trên bụng và ngực nữa, có thể tập cả ở tư thế ngồi hoặc đứng, thậm chí ngay cả khi đi lại, làm việc (Ảnh: Internet)
Rèn luyện thân thể mỗi ngày chính là cách giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, từ đó khiến cho các cơ quan trong cơ thể được khỏe mạnh và thực hiện tốt các chức năng. Và đương nhiên là não bộ cũng vậy.
Tuy nhiên, việc rèn luyện thân thể mỗi ngày không là chưa đủ để não bộ luôn khỏe mạnh tối đa. Theo các nhà nghiên cứu, mọi người cũng cần phải cố gắng thực hiện thêm các bài tập dành riêng cho não bộ để não bộ được "tập thể dục". Một số bài tập cho não bộ có thể kể đến như: đọc sách, giao tiếp cùng mọi người, chơi trò chơi giải câu đố,...
Khi thực hiện các bài tập dành cho não bộ, các tế bào thần kinh trong cơ thể sẽ được hoạt động tối đa công suất, đồng thời các giác quan cũng sẽ được liên kết với nhau - từ đó nhằm tránh tình trạng não bộ "ngủ quên" và suy giảm chức năng theo thời gian.
Trong Đông y, bàn chân được xem là một bộ phận cực kỳ quan trọng, thậm chí được ví von là “trái tim thứ hai của con người”, do có hơn 70 phản xạ và 6 đường kinh mạch liên kết với các phủ tạng trong cơ thể. Tuy nhiên, thông thường mọi người thường chỉ quan tâm đến phần bắp chân trở lên chứ ít khi chú ý đến sức khỏe bàn chân, lâu dần dẫn đến bỏ quên cơ quan này.
Trong khi đó, các y bác sĩ thường khuyên nhủ mọi người nên chăm sóc bàn chân thường xuyên, bằng cách xoa bóp cho bàn chân nhiều hơn. Ngoài ra, có một phương pháp phổ biến mà mọi người thường áp dụng để thư giãn đôi chân của mình - đó là ngâm chân. Phương pháp trị liệu này thật sự rất hiệu quả, nhờ có khả năng giải tỏa căng thẳng, đồng thời mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe chúng ta.
Những lợi ích đến từ việc ngâm chân có thể kể đến như: đả thông kinh mạch, loại bỏ huyết ứ, hỗ trợ giấc ngủ, làm ấm phổi, thúc đẩy quá trình phục hồi của cơ thể,... (Ảnh: Internet)
Xem thêm: Có 4 biểu hiện khi ăn báo hiệu ung thư dạ dày sau 40 tuổi, nên nội soi dạ dày không chậm trễ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin