Túi nylon dường như là vật dụng không thể thiếu trong đời sống con người, vừa nhỏ gọn tiện lợi lại có thể giúp ta vận chuyển, sắp xếp đồ một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, túi nylon được làm từ nhựa nên rất hại cho sức khỏe. Điều đáng ngại là ở hiện tại, ta vẫn chưa có biện pháp nào tốt hơn để thay thế túi nylon, nên khi mọi sử dụng cần lưu ý 3 điều này.
Chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận được những lợi ích trước mắt của túi nylon, và cũng phải nói rằng túi nylon là một trong những phát minh vĩ đại và có ảnh hưởng to lớn nhất đến đời sống con người. Nhờ có ưu điểm bền chắc, tiện dụng, chịu được các hiện tượng thời tiết, hay kháng lại các ảnh hưởng của tự nhiên như nấm mốc, côn trùng và giá thành thấp. Loại vật liệu này nhanh chóng “phủ sóng” trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ và đời sống xã hội. Túi nylon được làm từ vật liệu rất khó phân hủy, là loại bao bì bằng nhựa mỏng, nhẹ và rất dẻo dai có tính chống thấm nước, chống ẩm và khả năng chịu lực cao.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn và sâu hơn, chúng ta mới thấy túi nylon không khác gì “tử thần” cả. Vì nó giết chết môi trường sống và cả sức khỏe con người trong âm thầm. Bất kể khi nào ta còn sử dụng túi nylon, khi ấy môi trường và con người vẫn còn bị đe dọa. Đây không phải là lời nhận định thiếu cơ sở, bởi theo nhiều nghiên cứu cho thấy, thành phần của túi nylon sẽ bao gồm các kim loại nặng như chì và cadimi, cùng các hoạt chất BPA, hạt nhựa polyester và chất hóa học tổng hợp phthalates. Các thành phần này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây biến đổi gen, làm lỗi các nhiễm sắc thể, hại phổi, gan, não bộ, dẫn đến ngộ độc cùng các nguy cơ ung thư não, ung thư gan,...
Túi nylon khi được thải ra ngoài môi trường sẽ dẫn đến tình trạng xói mòn và sạt lở đất, làm tắc nghẽn đường ống, gây ngập úng ở các đô thị vào mùa mưa, gây bùng phát các bệnh dịch nguy hiểm,… (Ảnh: Internet)
Những tác hại kể trên của túi nylon sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến sức khỏe của môi trường cũng như lớp con cháu đời sau. Nhưng dù biết là vậy, chúng ta vẫn chưa có biện pháp thay thế hoàn toàn túi nylon trong đời sống. Kể cả khi chính phủ đã tích cực tuyên truyền sử dụng các vật liệu khác như túi giấy, túi sinh học để an toàn với môi trường, nhưng vì giá thành cao nên chưa được hưởng ứng triệt để. Do đó, để giảm thiểu những tác hại của túi nylon đến sức khỏe con người và môi trường sống, mọi người cần ghi nhớ 3 điều sau đây khi dùng túi nylon.
Sử dụng túi nylon để đựng thực phẩm nóng sẽ giúp hạn chế tình trạng bị phỏng, cũng như giúp đưa đi một cách dễ dàng hơn, nhưng hành động này cũng đồng nghĩa với việc đưa bản thân và gia đình đến nhanh hơn với bệnh tật, cái chết. Bởi vì ở nhiệt độ cao, túi nylon sẽ bị tác động nhiệt, thậm chí nóng chảy và khiến các chất độc hại khủng khiếp kể trên bị bám lại, hòa tan vào thức ăn.
Ngay cả với đồ ăn nguội, lạnh nếu đựng trong các túi nylon quá lâu cũng gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt là thực phẩm nhiều axit như giấm, dưa chua, cà muối, các món ăn nhiều dầu hay chế biến nhiều muối, nước sốt…
Bởi vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan các kim loại nặng, chất độc hại, chất hóa dẻo rất nhanh. Chưa kể nếu dùng các loại túi nylon mỏng, chất liệu tái chế, có phẩm màu thì lại càng nguy hiểm.
Nếu có thể, hãy đựng thực phẩm các hộp, tô thủy tinh sau đó bỏ trong bọc để đưa đi, nên hạn chế việc để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với các bịch nylon vì nó rất hại sức khỏe (Ảnh: Internet)
Nhiều người thường mua rất nhiều thịt và dự trữ đầy trong tủ lạnh bằng túi nylon. Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, sử dụng túi nylon để gói, bọc các loại thực phẩm sẽ dẫn đến khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm, gây hại sức khỏe khi chúng ta hấp thụ vào cơ thể.
Xét về thành phần hóa chất tạo nên chiếc túi nylon, các nhà nghiên cứu cho biết họ tìm thấy loại hợp chất là BPA - có liên quan đến bệnh béo phì và khiến vòng eo lớn hơn ở nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. Không chỉ thế, BPA còn tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Đây cũng là loại chất có khả năng gây ung thư cực cao.
Nghiêm cấm bảo quản thực phẩm sống trong túi nylon trong thời gian dài. Vì khi ấy, chất nhựa có khả năng tan ra cao hơn, đặc biệt đối với những sản phẩm chứa nước, muối mặn, axit, chất béo như thịt đã chín, được tẩm ướp... (Ảnh: Internet)
Nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, khiến lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra môi trường ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc quản lý, thu gom, xử lý rác chưa kịp thời. Vì thế hiện tượng đốt rác thải nhựa, túi nylon được diễn ra ngày một nhiều. Trong khi đó, các nhà môi trường học đã nhiều lần cảnh báo, việc đốt túi nylon là một hành vi thiếu đạo đức, bởi khi nylon cháy nó sẽ sản sinh nhiều độc tố và lan ra không khí, gây ô nhiễm môi trường sống. Nếu không may con người hít phải các loại khí độc dẫn đến hiện tượng khó thở, làm ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa…Nhất là nguy cơ gây ung thư khi phơi nhiễm một cách thường xuyên.
Trong khi đó, việc thải túi nylon ra ngoài môi trường cũng là điều cần phải loại bỏ ngay. Tác hại đầu tiên là nó làm xấu mỹ quan đô thị. Còn tác hại thứ hai là túi nilon khó phân hủy khi bị vùi trong lớp đất cát. Khi đó, các hóa chất trong túi nylon cũng hòa vào làm thay đổi tính chất vật lý của đất - đây xói mòn và làm cho đất không giữ được nước và nguồn dinh dưỡng. Nếu túi nilon bị vứt xuống các ao hồ, sông ngòi dễ làm tắc cống rãnh, kênh mương và gây ứ đọng - dẫn đến việc sinh sản nhiều vi khuẩn gây ra bệnh tật cho chính sức khỏe của con người.
Để bảo vệ sức khỏe, dù không thể ngừng sử dụng túi nylon thì hãy cố gắng lựa chọn loại ít độc hại nhất. Đồng thời dùng từng loại túi theo đúng công năng, đừng mắc những sai lầm kể trên.
Xem thêm: Vì sao người tiểu đường cần kiểm tra lượng đường trong máu 2 giờ sau bữa ăn?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin