Từ 1 - 6 tuổi chính là thời điểm mà não bộ của trẻ phát triển như vũ bão, được thể hiện qua những hành động mà trẻ hay làm. Theo đó, nếu thấy trẻ thường làm 4 hành động này thì cha mẹ đừng vội mất kiên nhẫn, điều đó chứng minh não của trẻ đang phát triển tốt.
Nếu chú ý, cha mẹ có thể thấy trẻ thường có sở thích cầm lên vật gì đó từ 2 - 3 giây, sau đó sẽ ném đi ngay (thường dễ bắt gặp nhất ở trẻ 2 - 3 tuổi). Có nhiều khi, cha mẹ sẽ giúp trẻ nhặt lên và trẻ sẽ lại tiếp tục hành vi này nhiều lần, điều này khiến không ít bậc phụ huynh tức giận, cho rằng trẻ đang cố tình chống lại mình.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe lại khẳng định, nếu trẻ có hành động như vậy chứng tỏ bộ não đang được phát triển rất tốt. Bởi thực ra, hành vi ném đồ là do trẻ đang cố gắng nhận biết thế giới bằng đôi tay của mình. Lúc mới sinh, trẻ thường dùng miệng để nhận biết kích thước, kết cấu và hình dạng của đồ vật. Khi cơ thể dần phát triển, trẻ bắt đầu nhận thức thế giới bằng tay nên thích ném đồ vật - điều này không chỉ góp phần phát triển sức mạnh cánh tay, phối hợp tay - mắt mà còn thúc đẩy sự phát triển về nhận thức, tư duy, khả năng tập trung và quan sát của trẻ.
Cha mẹ không nên ngăn cản trẻ ném đồ, nhưng hãy chỉ rõ những vật mà trẻ có thể ném hoặc mua những quả bóng để trẻ tập ném. Ở lứa tuổi của trẻ hiện tại, cha mẹ nên tạo điều kiện để con phát triển tối đa, bằng cách tập trung vào việc nên cho bé ném thứ gì và ném ở đâu sẽ hợp lý hơn là cấm đoán (Ảnh: Internet)
Chắc chắn là chẳng có cha mẹ nào thích con xé giấy vụn ra nhà, nên thường la rầy hoặc dặn dò các trẻ không được làm hành động này, vô tình làm hạn chế đi khả năng tư duy của con mình. Bởi theo các nhà nghiên cứu, bàn tay được xem là bộ não thứ hai của trẻ - việc trẻ xé giấy vụn chính là hành động giúp cử động đôi tay linh hoạt hơn, từ đó phát triển tư duy hơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể thấy tờ giấy thường sẽ bị xé thành nhiều hình thù khác nhau, đó là do trẻ đang bắt đầu theo dõi các hoạt động tay theo nhiều hướng khác nhau.
Để trẻ có thể xé giấy an toàn, cha mẹ có thể cung cấp cho con những loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì (như giấy báo, giấy in) để xé các hình thù khác nhau, giúp phát triển tư duy sáng tạo.
Nhiều trẻ từ 2 - 3 tuổi thường không thích việc đi giày dép, bất kể mọi hoàn cảnh hay thời tiết. Nhiều cha mẹ sẽ lo lắng con sẽ bị cảm lạnh, cố đi tất đi giày cho con nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, lại thấy trẻ chạy chân trần.
Thực ra, bàn chân được xem là một cơ quan vận động của cơ thể, đồng thời quy tụ 6 kinh mạch, 66 huyệt đạo, và hàng nghìn dây thần kinh của bộ não. Do đó, trẻ đi chân trần trên mặt đất, hay giẫm lên sỏi, đá có thể có tác dụng giúp xoa bóp, kích thích thần kinh. Ngoài ra, những thay đổi về nhiệt độ, hình dáng bề mặt tiếp xúc,... có thể mang lại những cảm nhận khác nhau cho trẻ, giúp kích thích não bộ phát triển toàn diện.
Không những vậy, gan bàn chân tập trung tuyến mồ hôi dày đặc, đây là hệ thống điều tiết thân nhiệt của trẻ, tuy nhiên chúng chưa hoàn thiện. Vì thế, việc cho trẻ đi chân trần cũng giúp tản nhiệt dưới lòng bàn chân, tăng lưu thông máu, giảm hiện tượng lạnh tay chân. Khi tuần hoàn máu của cơ thể được tăng cường, quá trình trao đổi chất và khả năng miễn dịch của bé cũng được cải thiện theo.
Nếu có thể thì cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ được đi chân trần thường xuyên, điều này sẽ giúp ích cho sự phát triển não bộ và cả sức khỏe của con mình (Ảnh: Internet)
Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển một kỹ năng mới là thích tháo mọi thứ từ đồ chơi hay vật dụng trong nhà để xem có gì bên trong. Chúng chỉ biết tháo mà không thể lắp lại nên đôi khi nhìn thấy đồ đạc bị tháo tung, cha mẹ có thể tức giận và quát mắng trẻ. Nhưng thực tế, trẻ thường rất tò mò. Việc tháo đồ ra để thử lắp lại có thể giúp trẻ rèn sự tập trung, kiên nhẫn. Ngoài ra, điều này sẽ có lợi cho sự quan sát và khả năng nhận thức của trẻ.
Thay vì để trẻ khám phá những vật dụng gia đình, cha mẹ nên chủ động cung cấp cho trẻ các đồ chơi có thể tháo lắp như ôtô, lego hay các khối hình lắp ráp để thỏa mãn nhu cầu khám phá của trẻ.
Trên đây là 4 hành động mà trẻ thường làm chứng tỏ trí não đang được phát triển rất tốt, chắc chắn là với tần suất xảy ra dày đặc, cha mẹ sẽ có chút khó chịu và mất kiên nhẫn. Nhưng vì sự phát triển toàn diện của con, cha mẹ nên tập làm quen và nếu có thể, hãy chơi cùng trẻ để thúc đẩy sự phát triển tối đa nhé.
Xem thêm: Mẹo nhỏ giúp bạn loại bỏ cặn bẩn, cao răng một cách dễ dàng
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin