Dù trước đây bệnh thoát vị đĩa đệm thường được cho là căn bệnh của người lớn tuổi, nhưng những năm gần đây, số lượng người trẻ mắc phải căn bệnh này đã tăng lên một cách đáng kể. Việc thiếu kiến thức về nguyên nhân và cách phòng ngừa khiến bệnh có nguy cơ phát triển và gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở nhóm người trẻ.
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần nhân nhầy bên trong đĩa đệm bị đẩy ra ngoài qua lớp bao xơ, chèn ép vào các rễ thần kinh xung quanh. Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, có chức năng như một bộ giảm xóc, giúp cột sống linh hoạt và chịu đựng được các áp lực từ vận động hàng ngày.
Khi thoát vị đĩa đệm xảy ra, các rễ thần kinh bị chèn ép dẫn đến đau nhức dữ dội, hạn chế khả năng di chuyển và sinh hoạt của người bệnh (Ảnh: Internet)
Nếu không được điều trị kịp thời, thoát vị đĩa đệm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như teo cơ, yếu liệt chi, hoặc thậm chí là bại liệt vĩnh viễn. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống mà còn đặt ra gánh nặng cho hệ thống y tế và xã hội.
Đáng lo là bệnh thoát vị đĩa đệm đang có xu hướng tấn công nhóm người trẻ tuổi. Theo một nghiên cứu từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ bệnh nhân thoát vị đĩa đệm dưới 40 tuổi đã tăng khoảng 10% trong 5 năm qua. Đáng chú ý, trong số này, những người ở độ tuổi từ 25 đến 35 chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, 4 nguyên nhân sau đây là lý do khiến người trẻ bị thoát vị đĩa đệm:
Ngồi quá nhiều, ít vận động là nguyên nhân hàng đầu gây thoát vị đĩa đệm ở người trẻ. Với nhịp sống hiện đại, công việc văn phòng khiến nhiều người phải ngồi trước máy tính hàng giờ liền.
Tư thế ngồi sai, cột sống không được hỗ trợ đúng cách, lâu dần sẽ gây áp lực lớn lên đĩa đệm và cột sống, dẫn đến thoát vị (Ảnh: Internet)
Để khắc phục, bạn cần thay đổi tư thế ngồi đúng cách, tập thói quen đứng dậy đi lại sau mỗi 30 phút làm việc, đồng thời tập thể dục thường xuyên để cột sống luôn khỏe mạnh.
Nhiều người trẻ mắc thoát vị đĩa đệm do thói quen nâng vật nặng sai tư thế. Khi bạn cúi gập lưng để nâng vật, áp lực lên cột sống tăng đột ngột, làm rách bao xơ của đĩa đệm. Hành động này có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm ngay lập tức hoặc sau nhiều lần lặp lại.
Để phòng tránh, bạn nên uốn cong đầu gối thay vì cong lưng khi nhấc đồ, đồng thời giữ đồ vật sát vào cơ thể và dùng lực từ chân để nâng lên.
Mặc dù việc rèn luyện thể thao là tốt cho sức khỏe, nhưng tập luyện sai cách hoặc tập quá sức lại là một nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm. Những động tác sai kỹ thuật, các môn thể thao có tác động mạnh như bóng đá, tennis, hoặc nâng tạ nặng có thể gây chấn thương cột sống và đĩa đệm.
Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên tập luyện theo hướng dẫn của chuyên gia, chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như yoga, bơi lội để tăng cường độ dẻo dai cho cột sống.
Béo phì làm gia tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng thắt lưng. Khi cân nặng quá tải, đĩa đệm phải chịu một áp lực lớn hơn, dễ bị tổn thương và dẫn đến thoát vị.
Chuyên gia khuyến cáo rằng việc kiểm soát cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, cần chú ý đến việc giảm mỡ bụng, bởi vùng bụng lớn cũng làm tăng sức nặng đè lên cột sống (Ảnh: Internet)
Thoát vị đĩa đệm ngày càng trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe của người trẻ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng lao động. Việc nắm vững các nguyên nhân gây bệnh và biết cách khắc phục là bước đầu tiên để bảo vệ cột sống khỏe mạnh. Hãy thay đổi lối sống ngay từ bây giờ, duy trì thói quen vận động hợp lý, cân bằng giữa công việc và tập luyện thể thao để ngăn chặn nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm, giữ gìn sức khỏe lâu dài.
Xem thêm: Tư thế đạp xe đúng cho người đi xe đạp đường trường là gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin