Trong thời đại công nghệ, ai cũng có một chiếc điện thoại để phục vụ cho công việc hoặc giải trí. Tiện lợi là thế, nhưng nếu không được dùng đúng cách, thiết bị này sẽ gây hại cho đôi mắt chúng ta, đặc biệt là làm tăng độ rất nhanh đối với “hội mắt cận”.
Thực ra, việc sử dụng điện thoại không phải là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe của mắt. Mà chính là cách chúng ta sử dụng. Các nhà khoa học cho biết, rất nhiều người thường mắc 4 thói quen xấu điển hình sau đây mỗi khi sử dụng điện thoại - đặc biệt là những người vốn có tật về mắt sẵn - khiến cho sức khỏe mắt yếu đi hoặc tăng số độ cận nhanh chóng.
Đây chắc hẳn là một thói quen cực kỳ phổ biến với nhiều người trong chúng ta. Có người sẽ vừa đi bộ vừa bấm, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng khi đang lưu thông trên đường bằng các phương tiện giao thông mà vẫn sử dụng điện thoại. Cái hại trước mắt bởi thói quen này đó là có khả năng bị tai nạn bất kỳ lúc nào.
Còn đối với sức khoẻ mắt, việc sử dụng điện thoại khi đang di chuyển buộc nhãn cầu mắt phải chuyển động liên tục để nhìn rõ hình ảnh trong thiết bị, điều này có thể làm ảnh hưởng đến chức năng điều tiết mắt. Lâu dần sẽ gây ra tình trạng rối loạn điều tiết mắt, suy giảm thị lực và thậm chí làm tăng nguy cơ mù lòa.
Nếu muốn bảo vệ đôi mắt và giữ an toàn cho chính mình, mọi người nên bỏ ngay thói quen sử dụng điện thoại khi đang di chuyển (Ảnh: Internet)
Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng điện thoại trong bóng tối có thể gây ra tật khúc xạ và suy giảm thị lực. Thực ra, bản chất việc sử dụng điện thoại trong điều kiện không đủ ánh sáng không gây mù trực tiếp, nhưng cận thị có thể dẫn tới các nguy cơ như rách/ bong võng mạc hoặc tăng nhãn áp. Khi đã dẫn đến các biến chứng trên thì nguy cơ mù lòa là rất cao nếu không kịp thời điều trị.
Ngoài ra, khi sử dụng điện thoại trong bóng tối, đồng tử sẽ giãn lưng chừng, gây nghẽn đường thoát nước mắt và làm tăng nhãn áp. Tình trạng tăng nhãn áp tạm thời nhưng có tính chất lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng lớp sợi thần kinh thị giác, “bức tử” các tế bào thị giác, không chỉ khiến tăng độ cận thị mà còn có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc dẫn đến suy giảm thị lực.
Cự ly an toàn khi sử dụng điện thoại được các nhà nghiên cứu đưa ra đó là 30 - 40 centimet (cm), tính từ mắt đến màn hình điện thoại. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay đang sử dụng điện thoại ở cự ly quá gần, thường chỉ cách từ 10 - 20 cm. Thậm chí, đối với "hội 4 mắt" thì nhiều người còn đưa màn hình điện thoại sát mắt để nhìn rõ hơn, và đây chính là nguyên nhân khiến mắt bị tổn thương nghiêm trọng.
Nguyên nhân là do luồng ánh sáng từ màn hình điện thoại có thể tấn công trực tiếp vào mắt, đồng thời làm thủy tinh thể phải căng phồng lên để điều tiết khi nhìn quá gần. Điều này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm suy yếu chức năng của mắt.
Những chiếc điện thoại thông minh (hoặc máy tính bảng, laptop,... ) có thể khiến mọi người ngồi bất động suốt hàng tiếng đồng hồ, và quên đi các hoạt động ngoài xã hội hoặc giao tiếp trực tiếp với người xung quanh. Nếu nói đến yếu tố xã hội, thiết bị công nghệ đang dần khiến mọi người trở nên vô cảm với nhau. Còn nếu bàn đến yếu tố sức khỏe, thì việc sử dụng điện thoại liên tục như vậy sẽ làm đôi mắt của mỗi người, đặc biệt là “dân cận thị” bị tổn thương nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới, chỉ cần sử dụng các thiết bị công nghệ liên tục từ 3 giờ/ ngày, thì nguy cơ mắc phải các bệnh lý về mắt sẽ tăng cao gấp 2 lần, đặc biệt là với hội chứng thị giác màn hình, khiến mắt mờ, mỏi, khô nhức, thiếu tập trung, dễ bị tăng độ cận thị.
Các chuyên gia khuyến cáo, chúng ta chỉ nên tiếp xúc điện thoại theo từng khoảng thời gian, lần dùng trước nên cách lần dùng sau từ 1 - 2 tiếng, chứ không không nên sử dụng nhiều tiếng liên tục.