Thời tiết vào mùa lạnh như hiện nay sẽ khiến độ ẩm trong không khí tăng cao, điều này được xem là điều kiện lý tưởng để các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus có cơ hội được sinh sôi, phát triển trong nhà. Vì vậy, để giữ gìn sức khỏe của bản thân và gia đình, đừng quên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên với 5 cách nhanh gọn sau đây nhé.
Theo một nghiên cứu của Charles Gerba - nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona (Mỹ) cho biết, trung bình sẽ có khoảng 10 triệu vi khuẩn/ 2.54cm2 (centimet vuông) trong mỗi miếng rửa chén, trong khi bồn cầu - nơi tưởng chừng là bẩn nhất lại chỉ chứa tầm 50.000 vi khuẩn/ 2.54cm2 mà thôi. Chưa kể chúng còn phát triển và phân chia mỗi 20 phút, làm miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 bồn cầu và gấp 20.000 lần khăn lau bếp. Vi khuẩn trên miếng rửa bát càng nhiều, thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng lớn, thông qua việc dễ dàng lưu lại những loại thức ăn thừa, nhỏ trên những lỗ nhỏ li ti của chiếc mút, điều đó sẽ khiến vi khuẩn có thể sinh sôi phát triển với tốc độ chóng mặt.
Theo nhiều khuyến cáo của các chuyên gia, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, mọi người phải chủ động thay miếng mút rửa chén mỗi tháng/ lần. Và cứ sau mỗi lần rửa chén, hãy rửa sạch xà bông, trụng qua nước nóng và phơi chỗ khô để tránh ẩm ướt.
Mút rửa bát là một nơi chứa nhiều vi khuẩn gây hại, do đó, đừng nên “tiết kiệm” mà nên thay mút rửa bát mỗi tháng một lần (Ảnh: Internet)
Trong quá trình chế biến thức ăn, các loại vi khuẩn trong thực phẩm có thể bám vào các bề mặt của bồn rửa, vòi nước hoặc bề mặt của bàn bếp. Các vi khuẩn phổ biến được tìm thấy trong căn bếp bao gồm: vi khuẩn E.coli, vi khuẩn salmonella, vi khuẩn shigella,vi khuẩn campylobacter,... thường gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa. Các loại vi khuẩn này có thể tồn tại hàng giờ trên các bề mặt và gây ra các vấn đề sức khỏe.
Để hạn chế vi khuẩn phát triển và đảm bảo an toàn cho cả gia đình, mọi người nên rửa hoặc vệ sinh các bề mặt của vòi nước, bồn rửa và mặt bàn bếp với các chất tẩy rửa chuyên dụng hàng ngày.
Vì cửa sổ và bệ cửa sổ có thể tích tụ hơi nước nên chúng có thể là nơi sinh sản chính của nấm và vi khuẩn. Hãy chắc chắn rằng bạn không quên những vị trí có thể chứa nhiều vi khuẩn này.
Sàn nhà hoặc các bề mặt như tường, cửa,... là những khu vực mà chúng ta thường xuyên tiếp hoặc chạm tay vào. Đặc biệt, sàn nhà còn là nơi mà chúng ta thường hay đi dép/ giày đạp lên bề mặt nên rất dễ có nhiều vi khuẩn. Việc chúng ta không dọn dẹp, lau chùi các vị trí này thường xuyên sẽ dẫn đến nguy cơ sản sinh và phát triển nhiều mầm bệnh nguy hiểm, gián tiếp đe dọa đến sức khỏe của ta và người trong gia đình.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến khích mọi người nên chú ý vệ sinh nhà cửa, lau dọn thường xuyên 2 ngày/ lần. Khi thực hiện, nên dùng các vật dụng lau dọn chuyên dụng gồm cây lau nhà, nước tẩy rửa sát khuẩn, găng tay,... Nên để nhà khô tự nhiên trong vòng 10 - 15 phút sau khi lau xong, hạn chế đi lại tránh té ngã (Ảnh: Internet)
Đũa ăn là vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, điều này khiến nguy cơ phải đối mặt với loại chất độc aflatoxin (một loại nấm mốc có thể gây ra các bệnh xơ gan, ung thư gan… ) cũng rất cao. Đặc biệt là với gia đình nào thường sử dụng đũa gỗ, đũa tre thì cần phải chú ý nhiều hơn.
Theo đó, đũa gỗ, tre là những vật dụng rất khó tẩy cặn thức ăn, rất bám nước. Khi không được bảo quản đúng cách, đũa rất dễ bị ẩm ướt và sinh ra nấm mốc, từ đó làm xuất hiện chất độc aflatoxin. Chưa kể, theo thời gian thì đũa sẽ xuất hiện các vết nứt, rãnh - tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Khi ta ăn, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh. Theo nghiên cứu, đũa có thể là “nhà” của hơn 100 - 200.000 loại vi khuẩn nếu không được vệ sinh đúng cách.
Các chuyên gia khuyến khích chúng ta nên thay đổi bằng đũa kim loại để bảo đảm vệ sinh. Hoặc nếu sử dụng đũa gỗ, đũa tre thì cần thực hiện tổng tẩy rửa ít nhất 1 tuần/ lần, bằng cách rửa sạch và chần vào nước sôi từ khoảng 1 - 2 phút, sau đó phơi khô bằng bằng quạt (Ảnh: Internet)
Lại thêm một vật dụng cực kỳ thân thuộc trong nhà là nơi ẩn nấp của vi khuẩn. Thớt được xem là một món đồ đa năng trong việc sơ chế thực phẩm, từ thái thịt cắt rau cho đến gọt hoa quả. Tuy nhiên, cũng vì đa năng như thế mà nguy cơ sản sinh nấm mốc và vi khuẩn rất cao.
Cụ thể, cứ mỗi lần sơ chế thì bề mặt của thớt lại tích tụ nhiều thêm các loại vi khuẩn có trong thực phẩm, đặc biệt là thịt sống hoặc rau. Nếu sau khi sơ chế, thớt không được vệ sinh kỹ và bảo quản nơi khô ráo, sẽ rất dễ dẫn đến ẩm ướt. Từ đó tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, đồng thời tăng sinh nấm mốc. Theo nghiên cứu, thớt chứa số vi khuẩn nhiều gấp 200 lần so với bồn cầu, đặc biệt là vi khuẩn Salmonella, E.coli, và độc tố nấm aflatoxin.
Về sau, khi lại tiếp tục sử dụng đến thớt, các chất độc và vi khuẩn gây hại sẽ bám lên thức ăn và xâm nhập vào cơ thể của ta. Điều này sẽ dễ xảy ra hơn với những gia đình thường dùng một thớt để vừa sơ chế đồ sống vừa cắt thái đồ chín.
Vì thế, nếu không muốn sức khoẻ của gia đình bị ảnh hưởng, tốt hơn hết thì chúng ta nên dùng 2 thớt - một cái dùng để sơ chế thịt sống và một cái để dùng cho đồ chín. Cần “chịu khó” vệ sinh thớt thật kỹ. Nên nhớ là hay chọn loại thớt chất lượng cao, cũng như thường xuyên thay mới 6 tháng - 1 năm/ lần. Nên rửa thớt với nước ấm, để ở nơi khô ráo, khử trùng định kỳ bằng thuốc diệt nấm và luôn rửa lại trước mỗi lần sử dụng.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin