Thiếu máu do thiếu sắt có thể dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe nguy hiểm. Vì thế mọi người cần đặc biệt chú ý và bổ sung ngay, nhất là khi phát hiện cơ thể đang mắc phải 5 dấu hiệu bất thường sau đây.
Theo y văn, chất sắt là một nguyên tố vi lượng có trong tự nhiên, nó cũng thường được dự trữ trong đại thực bào và các tế bào gan của con người. Chất sắt được xem là “mắt xích quan trọng” trong nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể, đặc biệt là quá trình tổng hợp huyết sắc tố hemoglobin - giúp vận chuyển oxy trong máu từ phổi đến các cơ quan khác trong cơ thể. Đồng thời, chất sắt còn tham gia vào quá trình sản sinh ra các tế bào miễn dịch như Lympho T - một loại tế bào giúp chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn.
Sắt (Fe) là khoáng chất chủ yếu tham gia vào quá trình hình thành hồng cầu, sản sinh tế bào miễn dịch cho cơ thể (Ảnh: Internet)
Và tình trạng thiếu sắt khi kéo dài quá lâu có thể gây thiếu máu, gây nên sự rối loạn các tế bào máu trong cơ thể, khiến số lượng tế bào hồng cầu bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng của máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Để giải quyết tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, mọi người nên chú ý mọi biểu hiện bất thường trên cơ thể - thường thấy nhất là với 5 dấu hiệu sau đây. Sau đó nhanh chóng bổ sung thêm chất sắt thông quá thực phẩm hoặc các loại thực phẩm chức năng (nếu có sự kê đơn của bác sĩ) ngay lập tức.
Thiếu máu do thiếu sắt quá lâu mà không có sự điều trị kịp thời có thể khiến việc bơm máu ở tim bị quá tải, từ đó khiến oxy và máu trong cơ thể bị giảm sút nghiêm trọng, theo thời gian có thể gây nên bệnh thiếu máu cơ tim. Dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu máu ở tim là tim đập nhanh, thường xuyên thở dốc dù không làm việc gì nặng nhọc hoặc hoạt động gắng sức. Cần có sự can thiệp sớm vì nếu để kéo dài quá lâu, nguy cơ suy tim hoặc nhồi máu cơ tim rất dễ xảy ra.
Thấy mình bỗng dưng thở gấp, tim đập nhanh bất thường và xảy ra thường xuyên, cần thăm khám và xét nghiệm máu ngay lập tức (Ảnh: Internet)
Thiếu sắt sẽ khiến việc tái tạo hồng cầu suy giảm, từ đó gây ra tình trạng thiếu máu. Trong khi đó, máu chịu trách nhiệm vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể. Việc thiếu máu do thiếu sắt sẽ khiến cơ thể không mang đủ oxy đến các cơ quan và các mô, da, móng tay, móng chân và tóc - từ đó trở nên khô yếu. Nghiêm trọng hơn là người bệnh có thể bị rụng tóc nhiều.
Màu sắc của làn da cũng có thể là yếu tố để đánh giá tình trạng tuần hoàn máu trên cơ thể, việc làn da trở nên nhợt nhạt chính là dấu hiệu cảnh báo nồng độ máu trong cơ thể đang sụt giảm nghiêm trọng.
Bởi vì khi cơ thể con người bị thiếu máu, cơ thể sẽ phân phối lại lượng máu thông qua việc điều hòa thần kinh thể dịch. Lúc này, lượng máu cung cấp cho da và màng nhầy có thể bị giảm đi so với các cơ quan khác quan trọng hơn. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu lâu ngày cũng sẽ dẫn đến hàm lượng hồng cầu và huyết sắc tố trong máu giảm, từ đó cũng sẽ khiến màu da nhạt đi ở một mức độ nhất định.
Tình trạng da nhợt nhạt có thể xuất hiện trên khắp cơ thể, hoặc ở một số khu vực như mặt, nướu, bên trong môi hoặc mí mắt dưới,…(Ảnh: Internet)
Khi cơ thể con người bị thiếu máu, mức độ bài tiết của tuyến tiêu hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng nghiêm trọng, thậm chí các tuyến sẽ bị teo dẫn đến chức năng tiêu hóa tổng thể bị suy giảm. Người bị thiếu máu do thiếu sắt sẽ dễ gặp các triệu chứng như đau bụng, trướng bụng, khó tiêu, chán ăn một cách khó hiểu, không tìm ra nguyên nhân.
Nếu không có biện pháp cải thiện kịp thời, tình trạng có thể ngày càng nghiêm trọng, khiến người bệnh có cảm giác có dị vật khi nuốt, vị giác biến đổi như có vị lạ hoặc thậm chí không cảm nhận được đúng vị.
Tình trạng thiếu máu khiến cơ thể gặp các vấn đề về lưu thông máu, bộ não có khả năng tự nhận biết khu vực nào trong cơ thể cần máu nhất và cố gắng mang nhiều máu giàu oxy đến các cơ quan chính để bảo vệ chúng. Do đó, các phần ngoại vi như tay và chân có thể nhận được ít máu hơn. Sự lưu thông máu kém đến tứ chi khiến tay chân của bạn bị lạnh.
Vì vậy, lạnh tay chân cũng có thể là dấu hiệu thiếu máu mà bạn nên lưu tâm. Trong nhiều trường hợp, việc điều trị thiếu máu sẽ giúp giảm bớt tình trạng này.
Xem thêm: Có 4 biểu hiện khi ăn báo hiệu ung thư dạ dày sau 40 tuổi, nên nội soi dạ dày không chậm trễ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin