Trào ngược dạ dày là một vấn đề tiêu hóa phổ biến, gây ra cảm giác khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt. Để hạn chế các triệu chứng của trào ngược dạ dày, việc điều chỉnh lối sống đóng vai trò quan trọng.
Trào ngược dạ dày thực quản được xem là một bệnh lý phổ biến tại Việt Nam, và có tỷ lệ gia tăng hàng năm. Theo y văn, hiện tượng trào ngược dạ dày xảy ra khi dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi,... ) trào ngược lên thực quản, được xem là một hiện tượng sinh lý bình thường sau khi ăn no, và dần trở thành một bệnh lý khi tần suất diễn ra thường xuyên hơn.
Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đầu tiên là do cơ thắt thực quản bị suy yếu khiến các hoạt động tiết dịch của thực quản không còn hiệu quả. Hai là do dạ dày quá căng, quá trình làm rỗng dạ dày bị trì trệ hay bị rối loạn chức năng môn vị làm tăng tiết axit không kiểm soát.
Những biểu hiện thường thấy của tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sẽ bao gồm:
- Ợ nóng, ợ chua: đây được xem là triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược thực quản. Người bệnh sẽ cảm nhận được có chất dịch nhầy chua, nóng rát lan ra cổ họng. Cảm giác này sẽ diễn ra nhiều hơn và đầy khó chịu khi bạn nằm hoặc cúi xuống ngay sau khi ăn.
Người bệnh còn có thể kèm thêm ợ chua và ợ thức ăn. Đó là lúc dịch dạ dày lên cao hết chiều dài thực quản kèm vị chua trong miệng (Ảnh: Internet)
- Nuốt khó, nuốt đau: cảm giác thức ăn đang bị kẹt ở thực quản hay có đờm ở cổ. Nguyên nhân do axit dạ dày trào ngược lên nhiều và mạnh gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản.
- Khàn giọng, đau họng: khàn giọng ở bệnh nhân bị trào ngược thực quản thường xảy ra vào sáng sớm, có thể hết vào trưa, chiều.
- Đau và tức vùng ngực: bệnh nhân sẽ thường có cảm giác bị đè ép, thắt ở vùng sau xương ức lan ra lưng, cổ, hàm hoặc cánh tay, kéo dài vài phút đến hàng giờ, khiến người mắc thường xuyên cảm thấy bị đau tức vùng ngực.
- Nước bọt tiết nhiều hơn so với mức bình thường: đây là cách để trung hòa axit trào lên thực quản.
Nhiều bác sĩ Nội khoa cho biết, có rất nhiều người thường chủ quan về căn bệnh này, cho rằng đây là một bệnh lý nhẹ nên không thường nắm rõ nguyên nhân, cách để nhận biết các triệu chứng và phương pháp điều trị/ kiểm soát bệnh. Lâu dần gây ra nhiều biến chứng về hô hấp, hẹp thực quản, barrett thực quản, ung thư thực quản.
Đó là lý do vì sao, việc tuân thủ theo 5 quy tắc sau đây nhằm hạn chế các triệu chứng của trào ngược dạ dày là rất quan trọng với người bệnh:
Tránh các thực phẩm có tính axit cao, cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc đồ uống có cồn, caffeine là điều cần thiết để giảm thiểu nguy cơ trào ngược. Những thực phẩm này có thể kích thích dạ dày sản xuất quá nhiều axit, gây áp lực lên cơ vòng thực quản dưới và làm tăng khả năng axit trào ngược lên thực quản. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào các thực phẩm nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa như rau xanh, trái cây ít axit, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Hơn nữa, việc ăn các bữa nhỏ, chia đều trong ngày cũng giúp giảm áp lực lên dạ dày, ngăn ngừa triệu chứng trào ngược.
Khi dạ dày quá đầy, áp lực bên trong dạ dày tăng lên, khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản hơn. Đặc biệt, việc nằm ngay sau khi ăn có thể khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản do dạ dày và thực quản nằm ngang. Do đó, bạn nên ăn các bữa ăn nhỏ hơn và đảm bảo không ăn ít nhất 2 - 3 giờ trước khi đi ngủ.
Việc tạo thói quen ăn tối sớm và để cơ thể có thời gian tiêu hóa trước khi nằm xuống là cách hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ trào ngược dạ dày (Ảnh: Internet)
Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra trào ngược dạ dày do mỡ bụng tạo áp lực lên dạ dày, làm axit dễ dàng trào ngược lên thực quản. Việc giảm cân không chỉ giúp giảm triệu chứng trào ngược mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Để duy trì cân nặng hợp lý, bạn nên kết hợp chế độ ăn uống cân bằng và hoạt động thể chất đều đặn. Những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga cũng có thể giúp cải thiện tiêu hóa và giảm áp lực lên dạ dày.
Nicotine trong thuốc lá và cồn trong rượu bia đều có thể làm yếu cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến việc axit dễ dàng trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Ngoài ra, chúng còn kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit hơn, làm tăng nguy cơ trào ngược.
Việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá và hạn chế tiêu thụ rượu bia không chỉ giúp giảm triệu chứng trào ngược mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác liên quan đến hệ tiêu hóa và hô hấp.
Stress và lo âu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa, bao gồm cả trào ngược dạ dày. Khi căng thẳng, cơ thể sản xuất ra nhiều cortisol - một hormone làm tăng sản xuất axit dạ dày, từ đó kích thích triệu chứng trào ngược. Để giảm căng thẳng, bạn có thể thử các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga, hít thở sâu, hoặc tham gia các hoạt động giải trí mà bạn yêu thích.
Một tinh thần thoải mái và cân bằng sẽ giúp cải thiện tình trạng trào ngược và nâng cao chất lượng cuộc sống (Ảnh: Internet)
Nhìn chung, việc tuân thủ các quy tắc trong lối sống không chỉ giúp hạn chế các triệu chứng của trào ngược dạ dày mà còn góp phần duy trì sức khỏe toàn diện. Bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, điều chỉnh thói quen sinh hoạt và chăm sóc tinh thần, bạn có thể kiểm soát bệnh trào ngược một cách hiệu quả và sống khỏe mạnh hơn.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin