Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tim mạch đang trở thành gánh nặng hàng đầu với ngành y tế toàn cầu, khi trên thế giới có hơn 5 tỷ người phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh - do thói quen ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo chuyển hoá.
Dựa trên báo cáo số liệu của WHO cho biết, mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người trên toàn cầu tử vong do mắc bệnh tim và mạch máu - chiếm tỷ lệ cao nhất so với so với những bệnh gây chết người khác, và cứ mỗi 5 giây thì lại có một người trên thế giới được ghi nhận mắc bệnh tim.
Nếu bệnh tim mạch vốn chỉ thường xảy ra ở nhóm người già (khi cơ thể lão hóa và suy giảm chức năng, họ thường dễ mắc các loại bệnh chuyển hóa như tăng cholesterol, tăng đường huyết, tăng huyết áp,...), nhóm có tính di truyền hoặc nhóm bẩm sinh thì đến hiện tại, bệnh lại dần phổ biến cả ở nhóm người trẻ khỏe mạnh, không có tiền sử mắc bệnh tim và cũng không bị mắc các bệnh mãn tính nào khác.
Để tìm hiểu đâu là nguyên nhân phổ biến nhất khiến tỷ lệ ca mắc bệnh tim liên tục tăng cao và trẻ hoá trong những năm gần đây, các chuyên gia sức khỏe của WHO đã cho thống kê những yếu tố có thể gây bệnh và nhận ra rằng, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là yếu tố có tỷ lệ cao nhất. Theo đó, hơn 5 tỷ người trên thế giới có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim vì thói quen tiêu thụ thường xuyên thức ăn nhanh, các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hoá.
Đến đây, chúng ta sẽ bắt đầu tự hỏi: “chất béo chuyển hóa là gì?” và “chất béo chuyển hóa có sự liên hệ nào với bệnh tim?”. Theo các nhà nghiên cứu, chất béo chuyển hóa (hay còn gọi là chất béo công nghiệp) là loại chất béo có hại cho sức khỏe nhất. Chúng được tạo nên bởi mỡ, dầu đã qua tinh chế hoặc dầu thực vật đã hydro hóa một phần. Sử dụng loại chất béo này sẽ khiến cho các thực phẩm có hạn sử dụng lâu hơn, trông ngon và bắt mắt hơn.
Chất béo chuyển hoá thường được tìm thấy trong các thức ăn được chế biến sẵn, ngập dầu, chiên, nướng, các loại bánh thông thường hàng ngày như bánh quy, bánh kem, khoai tây chiên, kem,... (Ảnh: Internet) |
Chất béo chuyển hóa được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, thông qua việc làm tăng chỉ số cholesterol xấu (LDL) trong máu. Các cholesterol-LDL này sẽ tạo thành các mảng xơ vữa bám vào thành động mạch, gây cản trở quá trình máu vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan, trong đó có trái tim - từ đó dẫn tới nhiều vấn đề tim mạch. Không chỉ thế, các mảng xơ vữa này thường không bền, khi nứt vỡ đột ngột sẽ hình thành huyết khối và dẫn đến tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim diện rộng.
Theo khảo sát của WHO, mỗi năm có hơn nửa triệu người chết vì các bệnh tim mạch có liên quan đến chất béo chuyển hóa. Do đó, WHO đã đưa chất béo chuyển hóa vào danh sách đen, kêu gọi thay thế bằng các loại chất béo và dầu có lợi cho sức khỏe hơn (Ảnh: Internet) |
Và đừng nghĩ rằng chất béo chuyển hóa chỉ gây nên bệnh tim mạch. Trên thực tế, “sức tàn phá” của loại chất béo này còn ghê gớm hơn nhiều. Tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hoá sẽ khiến mọi người đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, cụ thể là những loại bệnh sau đây.
Chất béo chuyển hóa chính là một trong những tác nhân phổ biến nhất, gây ra tình trạng tiểu đường - béo phì ở mọi lứa tuổi. Một nghiên cứu lớn đã được thực hiện trên 80.000 nữ tình nguyện và kết quả cho thấy, những người thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa sẽ phải đối mặt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn 40%, so với nhóm người ăn ít hoặc không ăn. Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường - béo phì cũng dần tăng cao hơn ở lớp trẻ và trẻ em trong thời gian gần đây, do thói quen ăn các loại thức ăn nhanh và uống nước ngọt không có giới hạn và không được kiểm soát. Nếu cha mẹ không chú ý giải quyết vấn đề này cho con sớm, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của các trẻ.
Chất béo chuyển hóa cũng được ghi nhận là có thể gây ung thư, và tổn thương mạch máu cao hơn so cả đường và muối. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, với những ai hay ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa sẽ khiến cho lượng cholesterol HDL tốt giảm đến 21%, cùng với đó là sự giãn nở của động mạch bị suy giảm 29%.
Ở một nghiên cứu khác, các chuyên gia lại phát hiện ra rằng, việc hấp thụ chất béo chuyển hoá quá nhiều trước khi mãn kinh cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau khi mãn kinh.
“Chất béo chuyển hóa có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần” - theo lời của các chuyên gia. Các chuyên gia sức khỏe đã phát hiện ra rằng, người tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa thường dễ trở nên hung hăng hơn và khó nhận thức được cảm xúc của bản thân. Đó là do chất béo chuyển hóa có thể làm suy giảm thể tích của vùng hồi hải mã - có vai trò quan trọng đối với trí nhớ và giữ chức năng điều hành các vùng trong não. Khi thể tích của vùng hồi hải mã bị thu nhỏ, khả năng kiềm chế của mọi người cũng bị ảnh hưởng theo.
Nếu tình trạng khó kiềm chế cảm xúc cứ xảy ra trong thời gian dài, có thể dẫn đến trầm cảm và làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn sức khỏe tâm thần (Ảnh: Internet) |
Để có một sức khỏe bền vững, hạn chế mọi rủi ro liên quan đến sức khỏe, nhất là với hệ tim mạch của chúng chúng ta - mọi người cần lên kế hoạch ăn uống lành mạnh và giảm thiểu tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa. Bên cạnh đó, việc bổ sung các loại trái cây, rau củ giàu chất xơ cũng là điều nên làm.
Xem thêm: 10 thức uống tự nhiên giàu collagen giúp bạn kéo dài tuổi thanh xuân
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin