Hợp tác quảng cáo

7 cách giúp hạn chế nguy cơ nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết trong thực phẩm và các vật dụng khác

Chất gây rối loạn nội tiết là những hóa chất cản trở quá trình sản xuất và điều tiết hormone trong cơ thể - thường được tìm thấy trong thực phẩm và nhiều vật dụng khác như mỹ phẩm hay đồ gia dụng. Việc nhiễm phải những chất gây rối loạn này có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng tiêu cực. Vậy phải làm sao để bạn có thể hạn chế nguy cơ nhiễm các chất này?

Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống nội tiết chịu trách nhiệm sản xuất và điều chỉnh các hormone trong cơ thể - được xem là những “sứ giả hóa học” cực kỳ thiết yếu trong việc kiểm soát và duy trì các chức năng khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như: tăng trưởng và phát triển hệ thống các cơ quan, quá trình trao đổi chất, tâm trạng, giấc ngủ và việc sinh sản. Điều này cho thấy, hệ thống nội tiết có sự ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống của con người.

Về các chất gây rối loạn nội tiết, chúng là những hóa chất hoặc chất có gốc polyester có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết ở người và động vật, từ đó gây nên sự xáo trộn trong việc tiết ra hormone và dẫn đến rối loạn nội tiết tố. Các ví dụ phổ biến về chất gây rối loạn nội tiết bao gồm:

- Bisphenol A (BPA): được tìm thấy nhiều trong các loại sản phẩm làm từ nhựa, hộp đựng thức ăn và đồ uống, và lớp lót của một số lon đựng thực phẩm, nước ngọt.

- Phthalates: được sử dụng trong nhựa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và một số dược phẩm.

- Biphenyl polyclo hóa (PCB): các chất gây ô nhiễm môi trường dai dẳng, thường được sử dụng trong các thiết bị điện và các ứng dụng công nghiệp khác.

- Thuốc trừ sâu: một số loại thuốc trừ sâu, chẳng hạn như organophosphates và chlorpyrifos, có đặc tính gây rối loạn nội tiết.

- Dioxin: các chất gây ô nhiễm môi trường có thể thải ra trong quá trình công nghiệp và từ việc đốt một số vật liệu.

Tiếp xúc và phơi nhiễm với các chất gây rối loạn nội tiết có thể khiến bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm: rối loạn về khả năng sinh sản, nguy cơ mắc các ung thư liên quan đến hormone (chẳng hạn như ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung và ung thư tuyến tiền liệt), rối loạn chuyển hóa và dẫn đến các bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, mỡ máu,... ), rối loạn thần kinh và gây suy giảm hệ thống miễn dịch.

Đặc biệt, nhóm phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tác nhân gây rối loạn nội tiết do vai trò quan trọng của hormone đối với sự phát triển và tăng trưởng. Phụ nữ mang thai nếu phơi nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết sẽ dễ gặp các biến chứng thai kỳ (dọa sảy, sinh non, băng huyết sau sinh,... ), thai nhi có nguy cơ cao gặp dị tật do bị biến đổi nhiễm sắc thể, hoặc khi chào đời có thể bị chậm phát triển về não bộ.

7 cach giup han che nguy co nhiem cac chat gay roi loan noi tiet trong thuc pham va cac vat dung khac

Những điều trên đủ cho thấy việc phơi nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết là điều cực kỳ nguy hiểm (Ảnh: Internet)

Vậy phải làm sao để bạn hạn chế được nguy cơ mắc các chất này - khi chúng dường như đã và đang có mặt tại mọi ngóc ngách trong đời sống hàng ngày của con người, như trong thực phẩm ăn uống, các vật dụng - đồ gia dụng hay các sản phẩm mỹ phẩm mà con người đang sử dụng? Các chuyên gia sức khỏe cho biết 7 cách sau đây có thể sẽ giúp ích cho bạn.

7 cách giúp hạn chế nguy cơ phơi nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết

1. Chọn dụng cụ nấu ăn an toàn hơn

Chọn dụng cụ nấu nướng làm từ vật liệu ít có khả năng ngấm hóa chất độc hại vào thức ăn của bạn. Một số lựa chọn an toàn hơn bao gồm thép không gỉ, gang, gốm và thủy tinh. Tránh dụng cụ nấu chống dính có lớp phủ polytetrafluoroetylen (PTFE), vì chúng có thể giải phóng khói độc hại ở nhiệt độ cao. Những lớp phủ này cũng thường bắt đầu sứt mẻ sau thời gian dài sử dụng, làm tăng nguy cơ bạn ăn phải những chất gây rối loạn nội tiết này.

2. Sử dụng dụng cụ bằng gỗ hoặc silicone

Khi nấu nướng, hãy sử dụng các dụng cụ làm từ gỗ hoặc silicone thay vì nhựa, đặc biệt các vật dụng giúp khuấy hoặc lật đồ ăn nóng. Đồ dùng bằng nhựa có thể chứa các hóa chất như BPA và phthalates - như bạn đã đọc ở trên, đây là hai trong số những chất gây rối loạn nội tiết có hại và phổ biến nhất.

3. Hạn chế ăn các loại thực phẩm đóng hộp

Thực phẩm đóng hộp có thể là nguồn tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết như BPA và BPS - được tìm thấy trong lớp lót của một số đồ hộp. Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Môi trường và Ô nhiễm (Mỹ) cho thấy, nồng độ BPA trong nước tiểu tăng cao ở những người có thói quen thường xuyên tiêu thụ thực phẩm đóng hộp. Cụ thể, nồng độ BPA trong nước tiểu có sự khác biệt đáng kể giữa việc tiêu thụ thực phẩm đóng hộp và thực phẩm tươi sống.

7 cach giup han che nguy co nhiem cac chat gay roi loan noi tiet trong thuc pham va cac vat dung khac

Vì thế, hãy chọn thực phẩm tươi hoặc đông lạnh thay vì thực phẩm đóng hộp, vì rõ ràng chúng ta cũng không biết được nguồn cung cấp thực phẩm cho các loại thực phẩm đóng hợp có thật sự tươi sạch và không nhiễm phải thuốc trừ sâu, hay bất kỳ các loại hợp chất gây rối loạn nội tiết khác hay không (Ảnh: Internet)

4. Hạn chế tối đa việc sử dụng lò vi sóng với hộp nhựa

Việc hâm nóng thức ăn đựng trong hộp nhựa với lò vi sóng có thể giải phóng các hóa chất độc hại. Bất cứ khi nào có thể, hãy chuyển thức ăn sang đĩa thủy tinh hoặc gốm khi sử dụng lò vi sóng. Hoặc nếu có điều kiện, hãy chọn sử dụng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu để chế biến thực phẩm.

5. Tránh thực phẩm đóng gói sẵn và chế biến sẵn

Nhiều thực phẩm đóng gói sẵn và chế biến sẵn được đựng trong hộp hoặc giấy gói bằng nhựa có thể chứa chất gây rối loạn nội tiết. Vì thế, hãy lựa chọn thực phẩm tươi, nguyên chất và chuẩn bị bữa ăn từ đầu càng nhiều càng tốt.

6. Chọn thực phẩm hữu cơ và không chứa hormone tổng hợp

Thực phẩm hữu cơ ít có khả năng chứa thuốc trừ sâu và hormone tổng hợp - những chất có thể gây rối loạn nội tiết. Ngoài ra, việc lựa chọn các sản phẩm thịt và sữa không chứa hormone tổng hợp có thể làm giảm khả năng tiếp xúc với các chất gây rối loạn nội tiết tiềm ẩn.

7. Rửa kỹ trái cây và rau quả trước khi ăn

Rửa trái cây và rau quả trước khi ăn nhiều lần với nước muối có thể phần nào giúp loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu, giảm khả năng tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết. Đặc biệt, khi chọn mua rau củ quả, bạn không nên quá tiếc tiền khi mua các thực phẩm được nuôi/ trồng hữu cơ. Bởi theo phòng khám y khoa Mayo Clinic cho biết: so với sản phẩm được trồng bằng phương pháp thông thường, sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ có hàm lượng dư lượng thuốc trừ sâu thấp hơn.

7 cach giup han che nguy co nhiem cac chat gay roi loan noi tiet trong thuc pham va cac vat dung khac

Khi ngân sách của bạn cho phép, hãy chọn thực phẩm hữu cơ (Ảnh: Internet)

Giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm có chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết này và lựa chọn các sản phẩm thay thế an toàn hơn là những bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Xem thêm: 3 loại trứng này khiến lượng đường máu dao động đáng kể, người bệnh tiểu đường nên hạn chế

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo